Tái định nghĩa bản sắc nghề nghiệp của mình trong kỷ nguyên AI
Trong suốt nhiều thế kỷ, bản sắc nghề nghiệp là thứ định danh con người trong xã hội. "Tôi là bác sĩ", "Tôi là kỹ sư", "Tôi là nhà báo", những câu trả lời tưởng như đơn giản ấy hàm chứa kinh nghiệm, chuyên môn và cả niềm tự hào. Nhưng khi AI có thể viết báo, chẩn đoán bệnh, lập kế hoạch truyền thông chỉ trong vài giây, liệu danh tính nghề nghiệp đó có còn giữ được tính độc quyền?
Sử dụng AI trong công việc, học tập ngày càng trở nên phổ biến. ảnh: AI
Một nghiên cứu định tính gần đây với 20 chuyên gia quan hệ công chúng (PR) tại TP.HCM cho thấy: thay vì bị đe dọa, nhiều người đang tái định nghĩa bản sắc nghề nghiệp của mình trong kỷ nguyên AI. AI không thay thế họ, mà trở thành một "đồng nghiệp vô hình" góp phần thúc đẩy tốc độ làm việc, tăng hiệu suất, nhưng vẫn để phần "linh hồn sáng tạo" cho con người đảm nhiệm.
Nhiều người tham gia nghiên cứu cho biết, việc ứng dụng AI khiến họ nhìn nhận lại vai trò của mình trong công việc. Thay vì chỉ làm nội dung theo yêu cầu, họ dần chuyển sang vị trí kiểm soát chiến lược, định hình thông điệp và kết nối các bộ phận khác trong doanh nghiệp. Có người mô tả mình là "người dàn dựng cuộc đối thoại giữa thương hiệu và công chúng" - trong đó AI là công cụ hỗ trợ, còn họ giữ vai trò người dẫn dắt.
AI có thể hỗ trợ viết kế hoạch, tổng hợp dữ liệu, gợi ý ý tưởng nhưng quyết định vẫn là con người. Một người tham gia nghiên cứu chia sẻ rằng: "AI có thể đưa ra hàng chục gợi ý, nhưng cách tôi chọn, kết nối và triển khai chúng mới tạo nên chiến lược đúng". Câu nói ấy không chỉ nói về công việc mà là cách họ khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp trong thời công nghệ.
Khi sáng tạo không còn bắt đầu từ số 0
Trái với lo ngại "AI sẽ giết chết sự sáng tạo", nhiều người trong nghiên cứu lại xem đó là cơ hội để sáng tạo được đẩy nhanh, phản biện đa chiều hơn. Một số người cho biết, họ dùng ChatGPT như người thảo luận không phải để tạo ra nội dung hoàn chỉnh, mà để khai mở góc nhìn. Trong cách làm đó, sáng tạo không mất đi mà được kích hoạt bởi dữ liệu, nhưng định hình bởi trực giác và cảm xúc của con người.
Trong quá trình phỏng vấn, xuất hiện 3 kiểu người điển hình: người tích cực tích hợp AI như một phần bản sắc mới; người thận trọng dùng AI từng phần; và người dè dặt tiếp cận. Điều đáng chú ý là cả 3 nhóm đều chia sẻ một điểm chung: họ không muốn đánh mất quyền kiểm soát. Quyền quyết định nội dung, cách truyền tải thông điệp, và việc giữ vai trò kết nối giữa con người với con người chính là phần "người" không thể giao phó cho máy.
Trên thực tế, điều khiến nhiều người hoang mang không chỉ là công nghệ, mà là cảm giác mình không còn là người "giữ chuyên môn" như trước. Khi AI làm nhanh hơn, giỏi hơn ở một số thao tác, người làm nghề buộc phải quay lại với câu hỏi gốc: điều gì tạo nên giá trị riêng biệt của tôi?
Bản sắc nghề nghiệp, vì thế, không còn được định nghĩa bằng kỹ năng duy nhất hay chức danh cố định. Nó hình thành từ cách ta thích nghi, lựa chọn, và phản ứng với sự thay đổi.
Một báo cáo Work Trend Index 2024 của Microsoft và LinkedIn cho biết: 52% người lao động e ngại thừa nhận dùng AI cho những nhiệm vụ quan trọng nhất, và 30% lo lắng rằng AI có thể thay thế vai trò của họ trong tương lai. Điều này cho thấy, dù tiếp cận công nghệ là xu hướng không thể đảo ngược, thì việc gìn giữ bản sắc nghề nghiệp lại là một hành trình đầy tự vấn và ý thức.
Công việc, vì thế, không chỉ là phương tiện sinh tồn, mà còn là một phần trong hành trình trở thành. Khi công nghệ ngày càng can thiệp sâu, thứ tạo nên sự khác biệt không còn nằm ở "biết bao nhiêu công cụ", mà nằm ở sự thấu hiểu con người, trực giác nghề nghiệp, và lòng yêu nghề.
Steve Jobs, cựu tổng giám đốc điều hành của hãng Apple, từng nói: "Cách duy nhất để làm việc hiệu quả là dành tình yêu cho những gì bạn làm. Nếu bạn chưa tìm thấy công việc mình yêu thích, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng bỏ cuộc."
Và có lẽ, trong thời đại AI, thay vì hỏi nhau "Bạn làm nghề gì?", câu hỏi đáng giá hơn là: "Bạn đang trở thành ai qua công việc của mình?".
Nguồn: https://thanhnien.vn/khi-ai-go-cua-nghe-nghiep-giu-ban-sac-hay-bi-cuon-theo-1852505050847416.htm
Bình luận (0)