Lan tỏa di sản tới gần công chúng
Khi ca trù, quan họ hay nhã nhạc cung đình Huế… được trình diễn tại chính các di sản, di tích lịch sử, không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc mà còn làm sống lại không gian lịch sử, biến những công trình tưởng chừng như chỉ còn là di tích trở thành những điểm đến sống động, thu hút du khách và tạo động lực phát triển kinh tế du lịch.

Có thể nói, các sự kiện âm nhạc được tổ chức tại những địa danh di sản đã mang lại hiệu ứng tích cực. Chẳng hạn, Festival Nhã nhạc Cung đình Huế tái hiện không khí cung đình xưa, giúp công chúng trong và ngoài nước hiểu hơn về văn hóa cung đình Việt Nam.
Tại Hoàng thành Thăng Long, những chương trình nghệ thuật đặc sắc đã tạo nên những bữa tiệc âm nhạc, đem đến cho du khách trải nghiệm độc đáo giữa không gian lịch sử như: Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”; thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn”… Tất cả đã thu hút đông đảo công chúng với những màn trình diễn nhạc dân gian đặc sắc.
Hay như Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” diễn ra tại di tích Quốc gia đặc biệt đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Chọn âm nhạc làm sợi dây xuyên suốt, chương trình không chỉ mang đến trải nghiệm nghệ thuật giàu cảm xúc mà còn góp phần gìn giữ, lan tỏa giá trị di sản trong đời sống đương đại.
Vào tháng 5 tới đây, tại quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình, sẽ diễn ra dự án "Trái tim di sản". Sự kiện đánh dấu cột mốc 11 năm nơi đây được UNESCO công nhận là di sản kép về thiên nhiên, văn hóa thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam. Một trong những hoạt động chính của dự án là Lễ hội âm nhạc Tràng An - Ninh Bình Forestival (ngày 31/5). Thông tin từ ban tổ chức, sân khấu âm nhạc được dàn dựng dựa trên địa hình đặc trưng khu vực đảo Khê Cốc, thuộc khu du lịch sinh thái Tràng An, Ninh Bình.
Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, sự kiện nhằm tôn vinh và bảo tồn các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa của vùng đất Ninh Bình. Ngành du lịch Ninh Bình kỳ vọng sự kiện này sẽ mở ra cơ hội phát triển cũng như những hiệu ứng mà âm nhạc có thể mang lại.
Các chuyên gia và nhà sử học cho rằng, âm nhạc không chỉ giúp bảo tồn mà còn làm sống lại di sản văn hóa, biến không gian di sản trở thành những địa điểm văn hóa sống động.
PGS.TS Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhận định, âm nhạc là ngôn ngữ chung của nhân loại, giúp ngay cả những người không biết tiếng Việt vẫn có thể cảm nhận được. Trong công tác quảng bá di sản, việc kết hợp với âm nhạc là một phương thức hiệu quả, phù hợp. Thông qua âm nhạc, giá trị nghệ thuật của mỹ thuật, trang phục và các yếu tố văn hóa khác được tôn vinh, giúp xác định những nét đặc trưng của từng thể loại, từ đó tạo ra tác động xã hội mạnh mẽ. Việc truyền tải ý nghĩa và giá trị của di sản qua âm nhạc giúp công chúng dễ dàng tiếp cận, dễ cảm nhận và thẩm thấu hơn.
Kết hợp sáng tạo, tránh làm mất bản sắc
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì việc kết hợp âm nhạc với di sản cũng đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là nguy cơ thương mại hóa quá mức, khiến giá trị văn hóa bị lấn át. Điều này đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan văn hóa để đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.
Bên cạnh đó, việc kết hợp âm nhạc truyền thống với âm nhạc hiện đại cần có sự nghiên cứu và sáng tạo hợp lý, tránh làm mất đi bản sắc vốn có của di sản. Đào tạo và truyền dạy âm nhạc di sản cũng là một nhiệm vụ quan trọng, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng hơn giá trị văn hóa.
Về vấn đề này, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho hay, với mong muốn bảo tồn và tôn vinh vẻ đẹp di sản của vùng đất Ninh Bình, Sở Du lịch phối hợp với đội ngũ sáng tạo của Viet Vision xây dựng Dự án văn hóa nghệ thuật đặc biệt dành riêng cho Quần thể danh thắng Tràng An, di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, lấy tên Forestival “Trái tim di sản”. Dự án này sẽ mở ra con đường tìm về cội nguồn để khám phá, lưu truyền và tôn vinh những bản sắc độc đáo của Tràng An, Ninh Bình.
“Tất cả các hoạt động của dự án đều hướng đến một mục tiêu chung là tôn vinh vẻ đẹp của di sản văn hóa và con người Ninh Bình, sự phong phú của văn hóa truyền thống và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nên thơ của vùng đất cố đô này. Do vậy, khi tổ chức các hoạt động âm nhạc trong lòng di sản đã được Viet Vision và địa phương tính toán bằng tâm huyết, tình yêu sâu nặng với di sản. Vì vậy, các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị di sản sẽ là dòng chảy chủ đạo” - ông Mạnh cho biết.
Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa, ThS Nguyễn Đắc Tới, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu di sản (Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển) cho rằng, sự kiện âm nhạc có thể trở thành công cụ hiệu quả để quảng bá và thu hút du khách, nhưng quan trọng hơn cả là phải đảm bảo sự phù hợp với không gian văn hóa của từng di sản, đặc biệt là những địa danh mang tính chất tín ngưỡng, tôn giáo.
“Việc lựa chọn thể loại âm nhạc cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh các dòng nhạc trẻ với phong cách trình diễn phản cảm, không phù hợp với bối cảnh di sản. Bên cạnh đó, âm nhạc cần được sử dụng hài hòa để tránh gây phản ứng từ cộng đồng. Có thể nói, kết hợp âm nhạc nhằm quảng bá di sản là một hướng đi mới đầy tiềm năng. Nên ưu tiên các thể loại nhạc nhẹ mang âm hưởng dân ca không lời, vừa giữ được nét truyền thống vừa tạo nên sự hài hòa với không gian di sản” - ông Tới nói.
Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cùng đội ngũ sáng tạo Viet Vision ấp ủ khát vọng lớn về việc kiến tạo nên dự án văn hóa và nghệ thuật đặc biệt, mang tên “Trái tim di sản”. Đây không đơn thuần là một dự án văn hóa - nghệ thuật, mà còn là một hành trình đầy ắp trăn trở và khát vọng, được kiến tạo từ tình yêu sâu nặng dành cho mảnh đất Ninh Bình. Dự án mang trong mình sứ mệnh kép: vừa khơi dậy tiềm năng du lịch của vùng đất giàu truyền thống, vừa là sự tôn vinh dành cho những giá trị di sản, văn hóa đã được bồi đắp qua bao thế hệ.
Nguồn: https://baolaocai.vn/khi-am-nhac-ket-noi-di-san-post399623.html
Bình luận (0)