Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khi hiện vật “kể chuyện” lịch sử

(Baothanhhoa.vn) - Như dòng sông Mã ngàn đời bồi đắp phù sa, tinh thần anh dũng, vượt khó vượt khổ của người xứ Thanh được hun đúc nên từ bao thế hệ. Trên hành trình lịch sử ấy, bao lớp người đã hy sinh, đã anh dũng kiên cường... để đến hôm nay, mỗi lần nhìn những hiện vật, hình ảnh, là thêm một lần nhắc nhớ lớp hậu thế đừng bao giờ quên lịch sử quê hương mình.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa24/07/2025

Khi hiện vật kể chuyện lịch sử

Các em học sinh tham quan phòng trưng bày “Truyền thống cách mạng Thanh Hóa, giai đoạn 1858-1945” của Bảo tàng tỉnh.

Người thanh niên cộng sản đầu tiên

Bước chân theo con đường cách mạng khi tuổi đời mới tròn đôi mươi, đến năm 28 tuổi, chàng trai trẻ Lê Hữu Lập đã được gặp Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc và được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, rồi được cử về nước để tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho thanh niên ở các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình (nay là tỉnh Hưng Yên), Nam Định (nay là tỉnh Ninh Bình), Nghệ An, Quảng Trị... và đưa một số người sang Quảng Châu huấn luyện.

Đầu năm 1927, ông đã đứng ra chỉ đạo việc thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tỉnh Thanh Hóa và bầu Ban Chấp hành Tỉnh bộ lâm thời. Lúc này, Lê Hữu Lập được cử làm Bí thư Tỉnh bộ lâm thời. Một năm sau đó, tại Hội nghị đại biểu Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tỉnh Thanh Hóa đã cử ra Ban Chấp hành Tỉnh bộ chính thức với 7 ủy viên do đồng chí Lê Hữu Lập làm Bí thư Tỉnh bộ. Cuối năm 1928, đồng chí được điều động vào Kỳ bộ Trung Kỳ nhận công tác mới.

Tháng 3/1930, tại Hội nghị đại biểu Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở U-Đôn (Thái Lan) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã quyết định chuyển tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội thành tổ chức cộng sản. Do công lao đóng góp tích cực cho việc thành lập Đảng Cộng sản, đồng chí Lê Hữu Lập đã trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Đến thăm Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập (xã Hoa Lộc), nhìn ngắm chiếc Án thư mà đồng chí đã sử dụng trong những ngày đầu hoạt động cách mạng càng hiểu lý do ông tổ chức Hội đọc sách báo cách mạng để truyền thụ những kiến thức đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc về thời cuộc. Nghe câu chuyện về hai lần Lê Hữu Lập về thăm nhà, cũng là hai lần không chỉ gia đình mà cả dân làng được một phen hỗn loạn khi giặc Pháp lùng sục khắp làng vây bắt ông. Đến nỗi Lê Hữu Lập có nói với bố và anh trai: Con về lần này thì lần sau con không dám về nữa. Con về mà cả nhà, cả dòng họ phải khổ. Đây là lần cuối con về thăm nhà. Từ đó, ông đi biền biệt, sau này gia đình mới nhận được tin ông đã mất ở Nghệ An.

37 tuổi đời, Lê Hữu Lập đã dành toàn bộ những ngày tháng tuổi trẻ sôi nổi của mình để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Hoạt động và sự cống hiến của đồng chí Lê Hữu Lập đã góp phần viết nên những trang sử mở đầu rực rỡ trong lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa.

Nơi gác chuông vọng vang

Ngược dòng lịch sử, giai đoạn 1930-1945, trước Cách mạng Tháng Tám, cả nước chìm trong nghèo đói, sự áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến lên đến đỉnh điểm. Nhiều cuộc đấu tranh nhỏ lẻ của Nhân dân đã diễn ra. Trong bối cảnh đó, các chi bộ đảng cộng sản lần lượt ra đời.

Ngày 10/10/1930, tại Gác chuông chùa Trần tổng Ngọ Xá, đại diện xứ ủy Trung Kỳ đã về Hà Trung cùng với các đồng chí ở địa phương tổ chức hội nghị thành lập chi bộ cộng sản Hà Trung. Đây là một trong 6 chi bộ Đảng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ra đời vào năm 1930.

Trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, khó khăn thiếu thốn, luôn bị kẻ thù rình rập và kiểm soát gắt gao, việc in và rải truyền đơn cách mạng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và tính toán hết sức cẩn trọng. Chỉ trong một thời gian ngắn các đảng viên cộng sản Hà Trung đã lo đủ dụng cụ, giấy mực và địa điểm an toàn để in truyền đơn.

Sau khi in xong, truyền đơn được mang về cất giấu bí mật tại nhà đồng chí Đào Văn Tỵ ở làng Trần, tổng Ngọ Xá (nay thuộc xã Hà Trung). Tại vườn Trầu chi bộ đã tổ chức một cuộc họp để bàn kế hoạch rải truyền đơn một cách chu đáo, an toàn để đảm bảo thắng lợi.

Do thời gian và chiến tranh, chùa Trần đã có thời kỳ trở thành phế tích. Những công trình kiến trúc đồ sộ xưa như: chùa, nhà tổ, cây cổ thụ, tượng phật, hồ, giếng nước... đều trong ký ức của người dân. Nhưng, gác chuông vẫn còn đó với những thanh âm nhắc nhớ mọi người về một thời kỳ anh dũng và kiên cường, một thời kỳ nhờ có chi bộ cộng sản mà người dân hiểu rằng phải có tranh đấu, có hy sinh mới có ngày tự do, hạnh phúc.

Làng cách mạng

Trên mảnh đất xứ Thanh, mỗi ngôi làng, mỗi tấc đất đều in hằn dấu chân cách mạng. Không trực tiếp làm cách mạng, nhưng mỗi người dân là một chiến sĩ, một pháo đài, sẵn sàng bảo vệ thành quả của Đảng.

Làng Phong Cốc những năm 1930 chìm trong nghèo đói nhưng tinh thần cách mạng hừng hực khí thế. Đầu tháng 7/1930, với ảnh hưởng của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh một số đảng viên tích cực và trung kiên của tổ chức Tân Việt cũ như các đồng chí Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ và Lê Văn Thiệp sau một thời gian liên hệ với nhau đã tự động nhóm họp ở làng Phong Cốc để thống nhất chủ trương tuyển chọn những đảng viên Tân Việt ưu tú nhất ở các địa phương để chuyển sang tổ chức và hoạt động cộng sản. Trong giai đoạn 1936-1939, Nhân dân nơi đây đã nổi dậy tiến hành phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ. Chiếc gậy song - hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh hiện nay - đã kể lại chuyện ông Nguyễn Hữu Ngoạn, một người dân làng Phong Cốc, đã dùng chống lại Tây đoan khi chúng đến khám xét làng tìm tài liệu cách mạng. Hay chiếc ấm tích của ông Trịnh Xuân Liên, dùng cất giấu tài liệu của đồng chí Nguyễn Xuân Thúy năm 1936... Những hình ảnh rất đời thường, rất mộc mạc nhưng nhắc nhở chúng ta sự kiện ngày 14/9/1936, tên Tây đoan Béc-nác-đơ (Bernardet) và một toán lính tiến vào làng Phong Cốc lấy cớ bắt rượu lậu, thuốc lào để tìm kiếm, phát hiện tài liệu và cơ sở cách mạng ở đây. Trong khi chúng đang lục soát nhà một gia đình cạnh nhà đồng chí Trịnh Xuân Liên - nơi cất giữ tài liệu bí mật của Đảng, một số thành viên Ban cán sự Tương tế Ái hữu của làng đã kịp thời chuyển số tài liệu này đi nơi khác an toàn, đồng thời cử người đánh trống liên thanh để báo động cho quần chúng kéo đến ngăn chặn hành động của lính Pháp...

Chính sự đoàn kết, sự khôn khéo của người dân làng Phong Cốc mà tên thực dân Béc-nác-đơ dù được bọn thống trị che chở nhưng cuối cùng vẫn bị kết án 5 tháng tù treo và bị trục xuất khỏi xứ Trung kỳ. Thắng lợi ấy khiến quần chúng Nhân dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Một lá thư nhiều sự gửi gắm

Đến Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, đọc lại “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng thêm hiểu thời khắc lịch sử năm 1945. Đó là thời điểm quyết định vận mệnh dân tộc, “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” đã truyền đi khắp nơi trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám kêu gọi tất cả người dân “Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”.

Lời kêu gọi ấy đã thôi thúc Nhân dân cả nước đồng loạt vùng lên, tiến hành tổng khởi nghĩa. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Thanh Hóa đã diễn ra nhanh, gọn, chỉ trong vòng 1 tuần và tập trung chủ yếu trong hai ngày 18 và 19/8/1945. “Đó là một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền mau lẹ, ít đổ máu và ít thiệt hại. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có sự đóng góp to lớn của Thanh Hóa - tỉnh đất rộng, người đông, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Đó cũng là thắng lợi của ý chí và tinh thần quật khởi của toàn dân vì mục tiêu độc lập dân tộc!” (PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học - nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Hơn hết, kể từ đây Nhân dân Thanh Hóa hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng cả nước đoàn kết chống lại hai kẻ thù lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Mỗi hiện vật một câu chuyện riêng. Chúng là những “nhân chứng” vô hình, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá khứ, kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai. Đó không chỉ là câu chuyện hoạt động của các chiến sĩ cách mạng mà còn là chuyện về đất và người Thanh Hóa vượt qua đêm trường tăm tối, dưới ánh sáng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã dám đứng lên, tham gia cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Bài và ảnh: Kiều Huyền

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/khi-hien-vat-nbsp-ke-chuyen-lich-su-255358.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm