Tại hội thảo "Thắp lửa cùng tiến lên 2025" do Mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới EdulightenUp phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển quản lý giáo dục tổ chức mới đây, chuyên đề "Tương lai của giáo dục trong thời đại AI" thu hút sự quan tâm của gần 250 đại biểu, trong đó phần lớn là nhà giáo từ các trường học trên cả nước.
Tại đây, Thùy Dương, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ cách đây khoảng 2 tuần em được cô giáo giao nhiệm vụ "bẫy" AI. Kết quả, em đã được cô cho điểm 10 vì đặt câu hỏi "bẫy" thành công. Câu trả lời đã cho thấy AI rất định kiến về việc học múa chỉ dành cho nữ giới…
Thùy Dương chia sẻ về việc đặt câu hỏi "bẫy" AI
ẢNH: T.M
Hội thảo nhắc đến vấn đề đang nóng của giáo dục hiện nay, đó là Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, khuyến khích học sinh tự học thay vì tối ngày học thêm với giáo viên. Muốn làm được điều đó thì giáo viên phải giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh tự học và AI sẽ hỗ trợ đắc lực điều đó nếu thầy và trò biết tận dụng đúng cách.
Nhiều câu hỏi băn khoăn nên cho học sinh tiếp cận công nghệ từ lớp mấy thì phù hợp, bắt đầu từ lớp 1, lớp 2 có sớm quá không? Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cho rằng sẽ rất khó có câu trả lời thật chính xác trong bối cảnh trẻ em "mở mắt ra" xung quanh đã là những thiết bị công nghệ. Vấn đề là ta phải đối thoại và tìm cách "lái" nó bằng cách xây dựng năng lực sử dụng AI càng sớm càng tốt…
Trách nhiệm và đạo đức khi sử dụng AI
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nêu vấn đề: "Dạy học theo hướng cá nhân hóa là đòi hỏi trong đổi mới giáo dục. Vậy AI có vai trò như thế nào trong nhiệm vụ này?", đồng thời lo ngại nếu không làm chủ được công nghệ, liệu có xảy ra tình trạng chúng ta đang "hạ trần" của người học bằng sự giới hạn trong hiểu biết của giáo viên?
Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận tại hội thảo. Ông Kiều Mạnh Toàn, đại diện Microsoft Việt Nam, nhấn mạnh khi tận dụng AI, tạo điều kiện cho giáo dục công bằng cần thiết kế toàn diện, hướng tới cá nhân hóa việc học dựa trên nhu cầu cá nhân của học sinh với nội dung phù hợp và huấn luyện có mục tiêu để hỗ trợ cải thiện; tăng tốc học tập cho học trò bằng cách cung cấp trải nghiệm tương tác, phân tích dữ liệu hiệu quả và tùy chỉnh nội dung.
Ông Toàn cũng nêu tầm quan trọng của việc khuyến khích nhà nhà giáo và học sinh sử dụng có trách nhiệm và thúc đẩy học tập một cách hiệu quả.
Đại biểu thảo luận sôi nổi về vai trò của AI trong giáo dục
ẢNH: T.M
Ông Nguyễn Ngọc Quế, Tổng giám đốc Edmicro, cho rằng AI chắc chắn không giải quyết được vấn đề cảm xúc liên quan đến trực giác của con người, AI không thể tạo ra công thức vật lý mới.... Tuy nhiên, việc đưa AI vào giáo dục chỉ là điều sớm muộn, không thể tránh khỏi. "Đối thoại với AI" là điều rất cần làm như một cách để chúng ta làm chủ công nghệ.
"Nếu giáo viên dùng AI để ra đề, học sinh dùng AI để làm bài rồi giáo viên lại dùng AI để chữa bài thì giáo dục sẽ đi về đâu?", ông Quế nêu vấn đề và cho rằng, để giáo dục cá nhân hóa thì người thầy phải nắm được "quá khứ" của mỗi học trò, người học phải là trung tâm trong mô hình "lớp học đảo ngược". Dữ liệu của người học phải được cập nhật thường xuyên trong môi trường số. Trên cơ sở đó, người dạy có vai trò là người hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá.
Ông Lê Ngọc Tuấn, khối Giáo dục FPT, cho biết rất cần trang bị cho học sinh và giáo viên về cách hỏi. Giáo viên cũng phải đặt câu hỏi ngược để dẫn dắt học trò thay vì cách hỏi bài truyền thống. Thầy cô và học sinh đều cần được phổ cập như nhau trong sử dụng AI.
Theo ông Tuấn, đạo đức và trách nhiệm trong sử dụng AI rất quan trọng. Cần có những quy tắc khi sử dụng AI để áp dụng với cả giáo viên và học sinh. Điều này để tránh "lén lút" sử dụng AI mà không được sự cho phép.
Nguồn: https://thanhnien.vn/khi-hoc-tro-duoc-giao-nhiem-vu-bay-ai-185250401173332155.htm
Bình luận (0)