Trong dòng chảy phát triển mạnh mẽ ấy, hoạt động nghệ thuật giữ vai trò then chốt kết nối truyền thống với hiện đại, bồi đắp tinh thần dân tộc và nuôi dưỡng khát vọng hùng cường.
Tại hội thảo khoa học “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” do Hội đồng Lý luận Trung ương vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia chỉ rõ, những giá trị nhân văn được chuyển tải qua tác phẩm nghệ thuật góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc; đồng thời phản ánh niềm tin và khát vọng đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đã hội tụ đủ điều kiện để bước vào một kỷ nguyên phát triển toàn diện. Với bản chất sâu sắc và gần gũi, các tác phẩm nghệ thuật, từ trang sách, vở diễn đến mỗi giai điệu âm nhạc… là nơi hội tụ tâm hồn dân tộc.
Đó là tiếng nói của lương tri, là sức mạnh tinh thần giúp người Việt Nam vượt qua nghịch cảnh, hướng tới những giá trị nhân bản và tiến bộ. Khi đời sống nghệ thuật gắn bó chặt chẽ với thực tiễn, nó không chỉ phản ánh hiện thực mà còn góp phần kiến tạo một nền tảng văn hóa vững chắc cho sự nghiệp hiện đại hóa và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, song hành với thời cơ là không ít thách thức. Một trong những nguy cơ lớn hiện nay là xu hướng thương mại hóa nghệ thuật, chạy theo thị hiếu tầm thường và xem nhẹ chức năng giáo dục, tư tưởng. Khi giá trị nghệ thuật bị lệch chuẩn, VHNT dễ bị biến thành công cụ giải trí đơn thuần, đánh mất vai trò khai sáng và định hướng, dẫn tới nguy cơ xói mòn các giá trị tinh thần. Nếu không nhận thức rõ ràng và sâu sắc về sứ mệnh sáng tác, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội hình thành một nền nghệ thuật xứng tầm thời đại. Vì vậy, xây dựng một hệ sinh thái VHNT sáng tạo, rộng mở, lành mạnh và giàu bản sắc chính là yêu cầu cấp bách.
Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực VHNT; đồng thời trao quyền chủ động cho các tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật trên cơ sở phát huy tự do sáng tạo có trách nhiệm. Một nền nghệ thuật phát triển không thể thiếu đội ngũ văn nghệ sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, gắn bó với vận mệnh dân tộc, dấn thân vào thực tiễn và nuôi dưỡng khát vọng cống hiến.
Cũng cần nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân nghệ sĩ, những người trực tiếp tạo ra giá trị tinh thần cho xã hội. Hơn lúc nào hết, họ phải ý thức rõ sứ mệnh cao cả của mình trong kỷ nguyên mới: không ngừng đổi mới, tìm tòi cái đẹp, dũng cảm lên tiếng vì những giá trị nhân văn và gìn giữ tinh hoa truyền thống. Chính từ sự sáng tạo đầy bản lĩnh và tình yêu nghề ấy, những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao sẽ ra đời, góp phần nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam.
Một trụ cột không thể thiếu là đầu tư cho công nghiệp văn hóa. VHNT không thể phát triển bền vững nếu chỉ sống bằng lý tưởng. Nó cần được nuôi dưỡng bằng chính sách, thể chế hợp lý, đồng thời thích ứng linh hoạt với cơ chế thị trường. Việc ưu tiên phát triển các ngành có tiềm năng thương mại và sức lan tỏa như điện ảnh, xuất bản, âm nhạc... sẽ tạo thêm động lực cho sáng tác, qua đó mở ra tiềm năng kinh tế và quảng bá hình ảnh quốc gia.
Trong bối cảnh “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên dưới đồng lòng”, việc khơi dậy cảm hứng và ý chí tự lực, tự cường trong VHNT không thể chỉ là khẩu hiệu. Đó phải là hành động cụ thể, từ chiến lược chính sách đến từng tác phẩm, từng sáng tác. Khi đời sống nghệ thuật hòa chung nhịp đập với đất nước, nó sẽ trở thành nguồn năng lượng tinh thần mạnh mẽ, đồng hành với dân tộc trên hành trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường.
Vì thế, hơn bao giờ hết, chúng ta cần có một chiến lược phát triển VHNT bài bản, vừa kế thừa truyền thống, vừa đổi mới sáng tạo, lấy con người làm trung tâm và văn hóa làm nền tảng. Đó chính là con đường để VHNT không chỉ phản ánh mà còn thúc đẩy xã hội tiến lên, góp phần xây dựng Việt Nam phát triển bền vững, giàu bản sắc và có vị thế trong cộng đồng quốc tế.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/khoi-day-khat-vong-dan-toc-tu-suc-manh-van-hoa-nghe-thuat-post804529.html
Bình luận (0)