Ðầu tư giao thông xanh để giảm phát thải, hướng đến phát triển bền vững đang cấp thiết. Ảnh: ANH KHOA
Cần nguồn lực đầu tư lớn
Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng giảm phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050. Ðể hiện thực hóa mục tiêu này, ngày 1-10-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 cũng đã được ban hành để đảm bảo Chiến lược thực hiện đúng lộ trình. Theo đó, tăng trưởng xanh có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường chính là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh.
Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực tài chính rất lớn. Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ước tính để giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỉ USD. Còn theo ước tính của cơ quan chuyên môn, nhu cầu tài chính cho lĩnh vực môi trường đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 68,75 tỉ USD để thực hiện các cam kết môi trường (trong đó, nguồn lực quốc gia đáp ứng khoảng hơn 24,7 tỉ USD, còn lại huy động hỗ trợ từ quốc tế). Theo ước tính của các chuyên gia WB, tổng nhu cầu tài chính cần có để đạt đến mục tiêu “Zero carbon” có thể lên tới 368 tỉ USD trong giai đoạn 2022-2040, hoặc khoảng 6,8% GDP mỗi năm. Chi phí cho mục tiêu “Zero carbon” chủ yếu phát sinh từ khu vực năng lượng, đầu tư vào năng lượng và quản lý quá trình chuyển đổi sản xuất xanh… Nhu cầu tài chính của Việt Nam cần sự hỗ trợ từ bên ngoài, nguồn này có thể đến từ các nhà đầu tư tổ chức, nguồn tài trợ đa phương, song phương, cùng với khai thác đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối.
Thời gian qua, tuy tăng trưởng xanh chưa thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế quốc gia, nhưng tăng trưởng xanh đã đặt nền tảng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Các chuyên gia cho rằng, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam nếu đạt được các mục tiêu đề ra sẽ đạt được sự phát triển kinh tế bền vững thông qua giảm phát thải nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các bộ, ngành và địa phương cũng đã và đang nỗ lực để huy động nguồn lực tài chính xanh, xây dựng danh mục dự án xanh nhằm kêu gọi, huy động đầu tư. Song song đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực cải cách thể chế, xây dựng các chính sách ưu đãi để huy động nguồn lực từ các khu vực kinh tế, tạo đột phá cho tăng trưởng xanh.
Thúc đẩy tài chính xanh
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, buộc các nền kinh tế phải tăng cường các giải pháp để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực chống chịu trước các rủi ro, thách thức. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc huy động tài chính xanh trở nên cấp thiết hơn để chuyển hướng các ưu tiên đầu tư cho hạ tầng xanh, năng lượng xanh. Tín dụng từ ngân hàng là nguồn lực rất quan trọng cho các mục tiêu tăng trưởng xanh, giai đoạn 2017-2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đạt khoảng 22% mỗi năm, riêng năm 2023, tốc độ này tăng 24%. Hiện có khoảng 50 tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia cấp tín dụng xanh.
Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến 31-12-2024, dư nợ tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng cả nước đạt 679.000 tỉ đồng, tăng 9,37% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tín dụng xanh của các TCTD hiện chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30% tổng dư nợ tín dụng xanh)… NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục mở rộng tín dụng xanh để hướng đến xây dựng ngân hàng xanh, hỗ trợ cho tăng trưởng xanh.
Trên thực tế còn một số khó khăn liên quan đến việc thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, đầu tư vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon được chỉ ra là: Các bộ, ngành chưa ban hành bộ tiêu chí về danh mục xanh trong phạm vi ngành mình, vì vậy hệ thống ngân hàng chưa có cơ sở để đánh giá đầy đủ dữ liệu quy mô hoạt động tín dụng xanh đối với nền kinh tế. Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, ngành sản xuất, tiêu dùng ít carbon đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, các TCTD gặp khó khăn trong việc cân đối vốn và đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an toàn, đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định. Nhu cầu vốn cho Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030 là rất lớn, trong khi các nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư từ thị trường tài chính, thị trường tín chỉ carbon còn chưa phát triển hoặc chưa triển khai sẽ gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng… Lẽ đó, Việt Nam cần chuyển hướng chiến lược có trọng tâm hơn để đạt các mục tiêu tăng trưởng xanh.
Chuyên gia năng lượng cao cấp của WB, bà Chiara Rogate cho rằng quá trình giảm phát thải nhà kính của Việt Nam cần được xem xét toàn diện hơn và có thể ưu tiên thực hiện trên ngành giao thông. Bởi ngành năng lượng là ngành gây phát thải chủ yếu tại Việt Nam, trong đó giao thông đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ lệ 10,7% trong khí thải ngành năng lượng và 7,2% lượng khí thải của toàn nền kinh tế (năm 2021). Tính đến năm 2050, lượng khí thải này có thể tăng gấp 10 lần, nên cần có các giải pháp giảm khí thải ngành giao thông thông qua đầu tư cho ngành này. Ðể giảm phát thải ngành giao thông, Việt Nam có thể chuyển hướng sang xe điện nhằm đạt các lợi ích kinh tế, vừa cải thiện an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, tạo thêm việc làm và tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài.
Song, các chuyên gia cho rằng quá trình chuyển đổi này là rất phức tạp, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phải tạo ra môi trường phát huy được tối đa tiềm năng của khu vực tư nhân trong những ngành, lĩnh vực liên quan đến quá trình chuyển đổi này. Quan trọng nhất vẫn là giải quyết tốt các vấn đề tài chính cho đầu tư hạ tầng xanh, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xanh, trong đó có giao thông.
GIA BẢO
Nguồn: https://baocantho.com.vn/khoi-thong-nguon-luc-cho-tang-truong-xanh-a184920.html
Bình luận (0)