Tranh thờ ra đời xuất phát từ lòng biết ơn của các tộc người dành cho đấng thần linh, che chở, bảo vệ cho họ sau những cuộc thiên di đầy sóng gió. Ở các tỉnh miền núi phía bắc, tranh thờ hiện diện và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của nhiều dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chay, Sán Chỉ… Từ các nghi lễ cầu mùa, tạ ơn, cấp sắc, Tết nhảy, tới phong tục trong đám tang, đám chay của gia đình, dòng họ… tranh thờ đều được treo ở vị trí trang nghiêm nhất, như sự hiện diện, chứng giám của các vị thần.
Anh Lý Sinh Tình, người thôn Yên Sơn, một trong ba thôn người Dao thuộc xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội), chia sẻ, sau gần bảy năm tách khỏi nhà thờ tổ, năm nay gia đình anh mới sắm đủ các bộ tranh thờ như Tam Thanh, Hành sư… để tổ chức Tết nhảy - một nghi lễ đặc biệt nhằm tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Tranh thờ là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ Tết nhảy, bởi qua đó thần linh sẽ chứng giám cho lòng thành của gia đình. Để có bộ tranh thờ này, anh đã phải lặn lội lên tận Tuyên Quang đặt vẽ, rồi nhờ thầy cúng khai quang.
Tranh thờ của đồng bào các dân tộc rất đa dạng, ngoài ý nghĩa tâm linh, còn giúp con người ta hướng thiện và thể hiện khát vọng trong cuộc sống. Như bộ tranh “Thập điện Diêm Vương” của người Nùng mang đậm tính giáo huấn, nhấn mạnh luật nhân quả: Ai làm điều ác sẽ bị đày xuống địa ngục, từ đó nhắc nhở con người hướng đến điều thiện lành. Còn với người Sán Chay lại thể hiện ước vọng mùa màng qua bộ tranh “Thần Nông và Địa Trạch”, thường xuất hiện trong các nghi lễ cầu mùa, mong năm mới no đủ, sung túc...
Nét đặc sắc trong phong cách vẽ tranh thờ cũng góp phần tạo nên giá trị cho di sản. Với lối tả thực, các nghệ nhân vẽ theo quan niệm tín ngưỡng trong dân gian, cộng đồng, chứ không đi theo các quy luật của hội họa. Trên cùng một khuôn tranh, có thể bắt gặp nhiều vị thần, ma quỷ và cả con người, tùy theo trí tưởng tượng của người vẽ. Nhờ đó, tranh thờ trở nên kỳ bí, khác biệt và là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào.
“Cách đây vài chục năm, tranh thờ cổ đã bị mang ra buôn bán. Có cả một làng ở Thanh Oai (Hà Nội) chuyên đi lên vùng cao để thu mua các đồ dùng đặc trưng của người dân tộc, bao gồm cả tranh thờ. Sau đó, họ mang về bán cho các cửa hàng đồ cổ. Tôi nhớ một cửa hàng trên phố Hàng Bún, lúc cao điểm, họ có khoảng 2.000 bức tranh thờ cổ. Bây giờ, trong các bản làng, tranh thờ cổ thật sự không còn nhiều”, đó là lời chia sẻ của ông Phạm Đức Sỹ - nhà nghiên cứu và sưu tầm tranh thờ cổ.
Là “báu vật” của bản làng, vậy lý do nào khiến tranh thờ cổ dễ dàng từ bản xuống phố. Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, tranh thờ cổ chủ yếu được gìn giữ bởi các thầy mo, thầy cúng, nhưng sau khi họ mất đi, không có người kế thừa công việc. Con cháu cũng không hiểu hết giá trị của các bộ tranh nên mang bán. Một số người dân lại thích sử dụng tranh mới, do các bức tranh cổ trải qua thời gian rất dễ bị mục nát. Thế nên, nếu có người thu mua tranh thờ cổ với giá cao, thì bà con sẵn sàng bán.
Tranh thờ trong tâm thức của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao miền núi phía bắc được coi là sợi dây kết nối giữa con người với thần linh.
Với nhận thức hạn chế của người dân, cùng việc tranh thờ cổ chưa được xem trọng ở nhiều địa phương, những năm qua, tranh thờ cổ bị buôn bán công khai mà chưa có một phương án bảo vệ loại hình di sản này. Để tìm hiểu rõ hơn câu chuyện buôn bán tranh thờ, chúng tôi tìm đến cửa hàng chuyên bán đồ dân tộc trên phố Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội), ngay khi bước vào cửa hàng, đã thấy các bộ tranh thờ được bày bán la liệt. Khi biết chúng tôi có ý định mua để mang đi nước ngoài, chủ cửa hàng giới thiệu rất chuyên nghiệp. Các bộ tranh thờ ở đây đều có tuổi đời từ vài chục năm đến cả trăm năm và chủ yếu của các dân tộc như: Dao, Tày, Nùng... Giá của một bộ tranh bảy tờ là khoảng 19 triệu đồng. Còn với các bức tranh lẻ, thì dao động khoảng 2,9 triệu đồng/tờ.
Thấy chúng tôi vẫn còn đang băn khoăn vì không biết mua tranh thờ cổ có vi phạm pháp luật không; nếu mang ra nước ngoài thì có bị cơ quan chức năng tịch thu, giữ lại không?... Chủ cửa hàng khẳng định: “Tôi bán tranh thờ nhiều năm nay, phần lớn là cho du khách mang đi nước ngoài. Nên yên tâm là loại tranh này mua bán thoải mái, không bị cấm”.
Nếu được đặt đúng vị trí trong các nghi lễ của người dân vùng cao, đó là những bức tranh gửi gắm niềm tin của cả cộng đồng. Còn tại các cửa hàng, đó đơn giản chỉ là những bức tranh độc đáo, lạ lẫm và có chút kỳ bí trong mắt du khách. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng nhớ lại, trước đây, khi tôi còn làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, để bảo vệ các bộ tranh thờ cổ, tôi phải đóng dấu “Di sản văn hóa phi vật thể” lên đó, thế là khách nước ngoài hay những người buôn tranh không thể mua được. Làm như vậy mới giữ được những bộ tranh thờ cổ hàng trăm năm tuổi ở lại với bản làng.
Là một nhà nghiên cứu dành nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, trong những chuyến điền dã, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn từng chứng kiến một cộng đồng người Dao, suốt 60 năm nay không còn giữ tranh thờ. Mọi nghi lễ của bà con đều không có tranh. Sự mai một đến mức phai mờ bản sắc như vậy khiến ông trăn trở: “Cần sớm có cơ chế phân biệt rõ giữa tranh thờ cổ cần bảo vệ và tranh mới sáng tác có thể mua bán. Làm rõ ranh giới này sẽ góp phần bảo vệ tranh thờ cổ khỏi tình trạng mua bán tràn lan”.
Từ bao đời, tranh thờ là cầu nối giữa con người với thần linh, mang theo niềm tin vào những điều tốt lành. Để niềm tin ấy còn mãi, tranh thờ phải được sống trong chính không gian văn hóa bản làng và được chính người dân, những người thực hành tín ngưỡng gìn giữ. Ngoài việc nâng cao nhận thức cho đồng bào, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, để tranh thờ được hồi sinh.
Nguồn: https://nhandan.vn/khong-gian-cho-tranh-tho-cua-dong-bao-vung-cao-post881211.html
Bình luận (0)