Nối liền ký ức tự hào
Bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà là dấu ấn khó phai trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Được sáng tác vào đêm 26/4/1975, ca khúc ra đời trong bầu không khí sục sôi đầy hy vọng của cả dân tộc. Nhạc sĩ Hoàng Hà từng chia sẻ rằng, từ giữa tháng 4/1975, Hà Nội trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Mọi người dân đều dõi theo diễn biến của cuộc chiến. Thậm chí, có những ngày ông không về nhà, mà ở lại Đài Tiếng nói Việt Nam, để có thể cập nhật tin tức một cách nhanh chóng, đầy đủ nhất.
Khi hay tin quân ta đang tiến thẳng về Sài Gòn, cảm xúc trong lòng nhạc sĩ Hoàng Hà trào dâng mạnh mẽ, thôi thúc ông viết nên những giai điệu đầy xúc động, khắc họa trọn vẹn niềm hạnh phúc vô bờ bến khi ngày thống nhất đất nước đến rất gần: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.
Nhạc sĩ Hoàng Hà trong chương trình 30 năm Đoàn giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh tư liệu
Mỗi độ tháng 4 về, khúc ca “Đất nước trọn niềm vui” lại ngân vang, trở thành biểu tượng âm nhạc thiêng liêng, không thể thiếu trong tâm thức người Việt. Suốt nửa thế kỷ, bài hát không chỉ khắc họa khoảnh khắc lịch sử trọng đại khi non sông thu về một mối, mà còn là sợi dây tình cảm bền chặt, nối liền ký ức hào hùng của quá khứ với niềm hân hoan của hiện tại. Giọng ca đầy nội lực, truyền cảm của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng, như: Tạ Minh Tâm, Trọng Tấn, Tùng Dương, Đăng Dương… trở thành “chất xúc tác” đặc biệt, đưa những giai điệu và ca từ ấy thấm sâu vào trái tim của biết bao thế hệ người nghe.
Nghe lại những ca từ “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay rợp trời non sông”, chúng ta như được sống lại khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc. Hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trong tiếng reo hò vang dội của Nhân dân, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc lập trở thành biểu tượng bất diệt của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông.
Vang mãi bản hùng ca
“Đêm hoa đăng những môi cười là đóa hoa đời tươi thắm tuyệt vời/ Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ quốc muôn đời/ Trọn vẹn cả non sông thống nhất/ Rạng rỡ Việt Nam”. Lời ca giản dị mà chứa đựng sức mạnh đoàn kết phi thường của dân tộc Việt Nam. Sau bao nhiêu năm chia cắt, Bắc - Nam liền một dải, non sông thu về một mối. Niềm vui thống nhất ấy không chỉ là niềm vui của một ngày chiến thắng, mà còn là sự khẳng định sức mạnh của tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, khát vọng hòa bình của cả dân tộc.
“Trong tim mỗi người dân Việt Nam lại trào dâng niềm biết ơn vô hạn đối với những người đã làm nên trang sử vàng chói lọi này. “Đất nước trọn niềm vui” không chỉ là một bài hát, nó là một chứng nhân lịch sử, một bản hùng ca về tinh thần bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam. Đó còn là niềm tin về một Việt Nam hùng cường trong tương lai” - bà Đoàn Thị Phượng (68 tuổi, cán bộ hưu trí, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Lời bài hát “Đất nước trọn niềm vui”. Ảnh tư liệu
“Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi nghe lại ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”, tôi cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết giá trị của độc lập, tự do và thống nhất. Niềm tự hào về một Việt Nam anh hùng, kiên cường, giàu lòng nhân ái càng thêm lớn mạnh trong trái tim tôi. Bài hát như một lời nhắc nhở về trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc giữ gìn, phát huy thành quả cách mạng, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc. Âm hưởng của “Đất nước trọn niềm vui” sẽ còn mãi vang vọng, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho mỗi người con đất Việt trên đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - anh Nguyễn Văn Vinh (phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) bày tỏ.
Trong không khí cả nước chuẩn bị đón mừng lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, ngồi nghe ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”, khóe mắt ông Vương Trọng Trẻ (hội viên cựu chiến binh) rưng rưng. “Bao ký ức một thời khói lửa, những tháng ngày gian khổ mà hào hùng lại ùa về trong tâm trí tôi. Lời ca “Ta đi trong muôn ánh sao vàng...” tái hiện lại hình ảnh đoàn quân giải phóng năm xưa, tiến về Sài Gòn giữa rừng cờ hoa và tiếng reo hò của đồng bào” - ông Trẻ bồi hồi.
Mỗi khi nghe ca khúc, ông xúc động nhớ lại đồng đội đã ngã xuống, hy sinh thầm lặng để non sông liền một dải. Âm hưởng của bài hát vừa là niềm vui chiến thắng, vừa là sự tri ân sâu sắc đối với người đã góp phần làm nên trang sử vàng của dân tộc, để hôm nay họ được chứng kiến một đất nước hòa bình, thống nhất và ngày càng phát triển. Niềm tự hào, xúc động hòa quyện, tạo nên khoảnh khắc lắng đọng, thiêng liêng trong trái tim người lính năm xưa.
“Chúng tôi, thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình, hôm nay được lắng nghe khúc ca khải hoàn, càng thêm thấu hiểu giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do mà cha ông đã đổ bao xương máu để giành lại. Hình ảnh người lính cụ Hồ kiên cường, bất khuất, tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trở thành nguồn sức mạnh, niềm cảm hứng bất tận cho tuổi trẻ hôm nay. Chúng tôi xin nguyện tiếp bước truyền thống vẻ vang, ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến tài năng, nhiệt huyết để xây dựng Việt Nam ngày càng phồn vinh, xứng đáng với những hy sinh to lớn của thế hệ đi trước” - Trần Thanh Thùy (sinh viên Trường Đại học An Giang) xúc động.
THU THẢO
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/khuc-ca-thong-nhat-vong-mai-muon-doi-a419625.html
Bình luận (0)