Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chiếc máy may của cha

BPO - Quê tôi ở dải đất cuối miền Trung, ngôi nhà của ông bà nội ven biển. Ông bà chỉ có 3 người con, cha tôi và cô, chú. Cuộc sống của gia đình chủ yếu dựa vào những ngày lênh đênh trên biển, cha tôi chỉ được học hết lớp 5 (hệ 10/10), rồi ở nhà cùng ông nội đi biển. Cuộc sống vất vả nhưng gia đình luôn đầy ắp tiếng cười nếu không có tiếng bom giặc bắn phá dải đất quê hương.

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước28/04/2025

Năm 1965, cha tôi viết đơn tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. Khi đi khám tiêu chuẩn, cha không đủ cân nặng nên bị trả về và cha lại tiếp tục viết đơn tình nguyện. Lá đơn thứ ba gửi đi thì cha tôi được gọi và được phân vào đoàn quân viện trợ cho chiến trường miền Nam. Trong một lần chiến đấu, cha bị bom vùi tưởng đã không còn cứu được, may mà đồng đội chạy qua giẫm phải người cha mới biết mà cứu.

Sau chiến tranh, cha may mắn trở về, rồi cha cưới mẹ và chúng tôi lần lượt ra đời. Những năm cuối thập niên 80, cha mẹ dắt díu đàn con nhỏ vào Nam lập nghiệp. Không thể kể hết những khó khăn, vất vả ngày đầu cha mẹ cắm cột mốc đầu tiên trên vùng đất mới. Cha mẹ khai phá đất hoang trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc. Vì hoàn cảnh khó khăn nên chị lớn phải bỏ học từ năm lớp 6, còn 3 anh em tôi được học hành đến nơi, đến chốn. Mẹ tôi mất sớm vì cơn sốt rét rừng, bao nhiêu gánh nặng cơm áo đè lên vai cha, cảnh "gà trống nuôi con" khiến người ta thương cảm. Nhà có 5 miệng ăn, chỉ trồng trọt, chăn nuôi là không đủ, cha làm thuê giáp vòng làng xóm.

Chẳng hiểu nghe ai, cha đạp xe ra chợ cách nhà 10km để xin học may quần áo. Lúc bấy giờ tiệm may là thứ xa xỉ, cả một vùng chúng tôi sinh sống chỉ có một tiệm may. Chúng tôi cứ đứa nhỏ nối đứa lớn, đồ chị mặc chật thì nhường lại cho em, đứa lớn trông coi đứa nhỏ. Ban ngày cha đi làm thuê, tối đến lại đạp xe 10km để đi học may. Chủ tiệm may cũng là một người đàn ông, cảm thương hoàn cảnh của cha nên nhận lời giúp đỡ, chỉ lấy ít tiền học phí gọi là, còn dặn cha tôi lúc nào rảnh cứ ra học.

Vì không có máy thực hành nên cha đã phải cố gắng gấp đôi người khác. Sau 1 năm theo học, thầy dạy để lại cho cha chiếc máy may cũ. Thầy bảo cha cứ vừa học vừa làm bao giờ có tiền trả thầy cũng được. Một thời gian dài, cứ ngày đi làm thuê, tối về cha lại cặm cụi bên chiếc máy may. Tiền bạc chưa dư giả nhưng bù lại chị em tôi được mặc những bộ đồ lành lặn hơn.

Rồi cha mở tiệm may nhỏ tại nhà. Ngày ấy các tiệm may chưa nhiều nên công việc của cha cũng trôi chảy, đặc biệt vào dịp đầu năm học và gần tết Nguyên đán, cha thức đến gần sáng để kịp đồ giao cho khách. Vất vả là thế nhưng niềm vui đong đầy trong ánh mắt cha bởi các con có tiền để mua cặp sách, được đến trường học chữ. Suốt tuổi thơ, tiếng đạp máy may của cha trở thành âm thanh quen thuộc, đến nỗi đêm nào không nghe thấy tôi đều trằn trọc khó ngủ.

Năm 18 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ, cha rất hãnh diện vì điều đó. Cha bảo con hãy đi và trải nghiệm cuộc sống, những kỷ luật trong quân đội sẽ rèn giũa con mạnh mẽ hơn. Cha ngày ngày vẫn làm bạn cùng chiếc máy may, khác một điều là cha đã sắm được chiếc máy may mới chạy bằng mô-tơ. Cha còn nhận thêm cả học trò, hai chị gái lớn cũng từ chiếc máy may cũ của cha mà thành nghề, mở được tiệm riêng. Tôi xuất ngũ và tiếp tục học lên đại học, sau đó về công tác tại một cơ quan nhà nước. Cha luôn bảo các con làm nghề gì cũng được, miễn là hạnh phúc với công việc của mình, cha vẫn còn tiệm may để các con trở về nếu ngoài kia giông bão quá.

Chiếc máy may cũ đến nay vẫn được cha để ở nơi trang trọng nhất trong tiệm may như người bạn tri kỷ gắn bó với cha hơn nửa đời người. Bây giờ mắt đã kém, cha không thể tự may đồ được nữa, tiệm được giao lại cho chị gái tôi tiếp tục làm nghề. Cha là một người giản dị với những công việc rất đỗi bình thường, tài sản của cha chỉ là  tấm Huân chương kháng chiến hạng Ba, là chiếc máy may gắn bó một thời đói khổ và đặc biệt là những đứa con ngoan. Cảm ơn cha đã vừa là cha vừa là mẹ nâng bước con đi trong suốt cuộc đời.

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email [email protected], Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/172111/chiec-may-may-cua-cha


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm