Học bổng đang là một trong những chính sách của các cơ sở giáo dục đại học thu hút sinh viên tài năng. Những gói học bổng “khủng” không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ tài chính, mà còn cung cấp cho người học nhiều cơ hội được đào tạo để phát triển toàn diện.
Như chương trình Ươm tạo tài năng từ bậc THPT của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU 12+) hướng đến phát hiện, thu hút, đào tạo và hướng nghiệp sớm cho học sinh giỏi cấp THPT. Mục tiêu của chương trình nhằm tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế trong tương lai, đặc biệt các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học cơ bản.
Không chỉ riêng Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng chính sách học bổng để tăng chất lượng đầu vào, nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của đất nước. Có thể kể đến quỹ học bổng Ươm mầm tài năng Toán và AI trị giá 25 tỷ đồng, kéo dài đến năm 2026 của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Tương tự, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng trao học bổng với mức 50 - 70 triệu đồng cho tân sinh viên theo diện được tuyển thẳng, đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế. Những chính sách học bổng này, không chỉ hướng tới mục đích phát triển lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo, mà còn đáp ứng nhu cầu nhân lực mũi nhọn hướng đến chuẩn quốc tế.
Ở hướng khác, một số cơ sở đại học xây dựng chính sách học bổng để thu hút người học vào những ngành “hẹp” nguồn tuyển để giải quyết bài toán lệch pha trong cung cầu. Ngành đào tạo thuộc khối Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường những năm gần đây đều trong tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu.
Trong khi đây là những ngành truyền thống và nhu cầu nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao rất lớn. Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, đã xây dựng các chính sách thu hút đối với ngành nghề khó tuyển như học bổng đặc thù, cam kết việc làm đối với người học.
Chính sách học bổng của mỗi trường đã thể hiện được phần nào chiến lược phát triển riêng. Đó có thể là ưu tiên hỗ trợ cho sinh viên vượt khó học giỏi, hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo hay tập trung phát triển nhân lực cho các ngành mũi nhọn để đáp ứng tốc độ phát triển của lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, trong cơ cấu gói học bổng của các cơ sở giáo dục đại học, đều có sự hài hòa giữa chính sách khuyến học và khuyến tài.
Nhiều sinh viên nghèo, nhất là sinh viên năm thứ nhất có thể nhập học, trang trải được học phí cũng như sinh hoạt phí nhờ các nguồn học bổng hỗ trợ. Một số quỹ học bổng ưu tiên xét duyệt cho sinh viên năm 1 - 2 với quan điểm sinh viên từ năm thứ 3 trở lên có thể khắc phục khó khăn về tài chính thông qua các cơ hội làm thêm.
Trong khi đó, những sinh viên năm thứ nhất sẽ có nhiều bỡ ngỡ khi vừa thay đổi môi trường sống, cơ hội tìm kiếm việc làm thêm vì vậy khó khăn hơn. Tiêu chí bình xét học bổng, không chỉ dành cho những sinh viên có điểm đầu vào cao, mà còn hỗ trợ cho những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, hoạch định mục tiêu học tập rõ ràng.
Trong xu hướng đẩy mạnh tự chủ đại học, đặc biệt tự chủ tài chính, học phí là nguồn thu đáng kể không chỉ với đại học ngoài công lập, mà còn cả hệ thống đại học công lập.
Những gói học bổng khuyến học hướng tới hỗ trợ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhóm người yếu thế trong xã hội là phương cách để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm cộng đồng. Đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học bổng giúp họ giảm bớt rào cản tài chính, tạo cơ hội công bằng trong hưởng thụ giáo dục để có điều kiện vươn lên bằng chính học vấn, tri thức.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/khuyen-hoc-va-khuyen-tai-post740913.html
Bình luận (0)