Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kích cầu tiêu dùng trong nước, củng cố sức mạnh nội tại của nền kinh tế

Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị nhấn mạnh các giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8%, theo tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động phức tạp và các chính sách bảo hộ từ các nước lớn gia tăng, Chỉ thị này đặt ra các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, hướng tới đảm bảo tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt mức tăng 12% trong năm.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng04/04/2025

Nguồn Internet
Khuyến khích cầu tiêu dùng trong nước sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bộ Công Thương cho biết, ba tháng đầu năm 2025, tình hình chính trị và kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong và ngoài nước. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp từ Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/03/2025 và Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 15/01/2025 của Thủ tướng, cùng các nhiệm vụ cụ thể trong Chỉ thị mới.

Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương được giao nhiều trọng trách: Vụ Kế hoạch – Tài chính và Quản lý doanh nghiệp chủ trì đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 25/NQ-CP, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đạt 8%. Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phối hợp với Sở Công Thương và doanh nghiệp triển khai các chương trình kết nối cung cầu, đẩy mạnh “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và OCOP để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nội địa, nhất là khi các thị trường xuất khẩu lớn áp dụng chính sách bảo hộ. Tổ chức hội nghị đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn, xây dựng chính sách kích cầu tiêu dùng, kết hợp thương mại truyền thống và điện tử, đồng thời đảm bảo cung ứng xăng dầu liên tục cho sản xuất và tiêu dùng.

Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với địa phương và hiệp hội tổ chức các chương trình xúc tiến quy mô lớn, liên kết vùng, kết hợp thương mại với đầu tư, văn hóa, du lịch, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chủ lực khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quảng bá, phân phối hàng hóa và tổ chức xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới. Cục Phòng vệ thương mại hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế. Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cục Xuất nhập khẩu và Vụ Phát triển thị trường nước ngoài tập trung đa dạng hóa thị trường, tận dụng FTA/CEPA, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật và chính sách bảo hộ từ các nước lớn như EU, Hoa Kỳ.

Cùng với đó, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cũng được yêu cầu kết nối doanh nghiệp sản xuất và phân phối, triển khai xúc tiến thương mại để đạt mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ. Các địa phương khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, triển khai chương trình khuyến mại trực tuyến, thực hiện “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra giá cả, chất lượng sản phẩm, kết hợp xúc tiến thương mại với du lịch, văn hóa để quảng bá đặc sản địa phương.

Các tập đoàn, doanh nghiệp ngành Công Thương cũng được giao nhiệm vụ tham gia kết nối cung cầu, mở rộng mạng lưới phân phối đến nông thôn, miền núi, ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông, thực hiện kế hoạch sản xuất và nguồn cung xăng dầu theo phân giao. Các hiệp hội ngành hàng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đổi mới công nghệ, mở rộng phân phối nội địa và tổ chức khuyến mại hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế nhận định, với các giải pháp cụ thể và toàn diện, Chỉ thị của Bộ Công Thương không chỉ nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước mà còn củng cố sức mạnh nội tại của nền kinh tế trước áp lực quốc tế. Việc kết hợp thương mại truyền thống, điện tử và chuyển đổi số hứa hẹn tạo động lực mới để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% và tổng mức bán lẻ 12% trong năm 2025.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/kich-cau-tieu-dung-trong-nuoc-cung-co-suc-manh-noi-tai-cua-nen-kinh-te-162306.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm