Sức sống lạ kỳ
Đầu tiên phải điểm danh sân khấu Idecaf với vở Phép lạ hay 12 bà mụ bởi sức sống kỳ lạ của các vở này.
12 bà mụ ra mắt từ cách đây 22 năm (2003), đã tái dựng tổng cộng 4 lần tại Nhà hát Bến Thành, sân khấu Idecaf, Nhà hát Thanh Niên, với các ê kíp nghệ sĩ thay đổi khác nhau, nhưng bao giờ cũng cháy vé. Vở mang màu sắc dân gian được dựng hoành tráng và rực rỡ, hoạt náo và hài hước, huy động lực lượng nghệ sĩ tên tuổi, thu hút khán giả cả người lớn lẫn thiếu nhi, từ trí thức tới bình dân, vì mỗi đối tượng đều tìm thấy những điểm hấp dẫn riêng cho mình. Nhưng ẩn phía sau đó là một thông điệp đầy tính triết lý. Các bà mụ chỉ có thể đúc ra một nửa con người thôi, nửa còn lại là do cuộc đời rèn luyện, giáo dục. Ngẫm lại, mỗi người chúng ta chỉ được cha mẹ trao cho một số phẩm chất, số còn lại thì chịu ảnh hưởng từ cuộc sống thực tế bên ngoài đó thôi.
Hòa Hiệp (trái) và NSƯT Diệu Đức trong vở Hé lô ông thần
Phép lạ (sau tái dựng lấy tựa là Hé lô ông thần) triết lý về sự sống chết. Hai chàng thanh niên cùng vào bệnh viện nhưng bị trao nhầm bệnh án. Trong khi cậu công tử nhà giàu tranh thủ những ngày còn sống để ăn chơi cho thỏa thích, thì cậu còn lại tranh thủ thực hiện những công trình mơ ước, đem lại lợi ích cho người dân. Điều đó khiến Thần Chết phải suy nghĩ lại. Vở kịch nhắc chúng ta hãy trân trọng từng phút giây sống, hãy tạo ra những giá trị cho cuộc đời. Vở tái dựng 2 lần trong 10 năm, có lượng khán giả đông đảo.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng có vở Bàn tay của trời mang triết lý giáo dục. Tên tướng cướp đã tráo con mình và con thầy đồ với hy vọng nó sẽ đổi đời. Nhưng hắn không ngờ chính đứa con mà hắn nuôi dạy theo cách xấu xa đã giết chết đứa con ruột được thầy đồ nuôi dạy tử tế, ăn học thành tài. Hắn quên rằng "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước", dù hắn có gian lận thì trời đất và luật nhân quả vẫn không sai. Vở này được đầu tư cao, nghiêm túc, và ăn khách suốt 10 năm.
Sân khấu 5B cũng khiến người xem suy ngẫm với vở Tiền là số 1. Hai vợ chồng khi nghèo khó vẫn giữ được hạnh phúc và lương thiện, nhưng khi trúng số giàu lên, rồi làm ăn phát đạt, thì bỗng thay đổi phẩm chất, trở nên gian dối, tàn nhẫn. Thật ra tiền vẫn cần thiết, nhưng mỗi người phải có bản lĩnh làm chủ đồng tiền, không khéo bị đồng tiền làm chủ thì sẽ sinh ra hệ lụy. Vở dựng rất duyên dáng, gần gũi đời thường.
Sân khấu Thế Giới Trẻ cũng có vở Ở đây ai tỉnh đáng để suy ngẫm. Một bệnh viện tâm thần có những bệnh nhân người thì bị phụ tình, người nợ nần bị truy đuổi, người dính vào ma túy… Họ đã được điều trị bằng tình thương và trở thành những con người hiền lương đúng với bản thể tinh khôi. Ngược lại, ngoài đời kia lại có những người rất tỉnh táo nhưng lại "bệnh" rất nặng do tình, tiền, danh lợi, đố kỵ… Họ "bệnh" nhưng không hề biết, và càng lún sâu vào đau khổ.
Nghệ sĩ "động não" nhiều hơn
Sân khấu Thiên Đăng mới ra đời hơn một năm nhưng đã có 2 vở kịch triết lý khá nặng ký. Chuyến đò định mệnh với tư tưởng "đáo bỉ ngạn" của Phật giáo đã nhắc nhở rằng mỗi người chúng ta muốn sống nhẹ nhàng thì phải bỏ bớt những thứ ràng buộc bên mình. Vở 13 đức thầy cũng triết lý về con người. Dù được những vị thần phụ trách tình cảm, tâm lý nhào nặn từ trên thiên đình nhưng khi con người đầu thai xuống trần vẫn bị ảnh hưởng từ giáo dục. Hai vở kịch này thực sự không dễ xem nhưng với tay nghề rất giỏi của dàn nghệ sĩ như Thành Lộc, Hữu Châu, Lê Khánh… thì Thiên Đăng lúc nào cũng cháy vé.
Lương Thế Thành (trái) và NSƯT Hữu Châu trong vở Chuyến đò định mệnh
ẢNH: H.K
NSƯT Hữu Châu nói: "Chúng ta cứ nghĩ khán giả dễ dãi, nhưng thật ra họ rất biết thưởng thức. Mỗi thể loại kịch đều có công chúng riêng, chúng ta làm kịch thế nào sẽ có khán giả thế ấy. Chuyến đò định mệnh có người còn xem tới 3 lần, và nói rằng mỗi lần xem là khám phá những khía cạnh khác nhau, hiểu thêm tầng nghĩa khác, rất thú vị. Riêng nghệ sĩ chúng tôi cũng thích diễn những vở khó như vậy, đòi hỏi mình phải phân tích sâu, động não nhiều để hiểu, để cảm, và khi thấy khán giả đón nhận như tri âm thì mình hạnh phúc vô cùng".
Diễn viên Hòa Hiệp đóng vai cậu ấm nhà giàu trong vở Hé lô ông thần, tâm sự: "Diễn vở có tính triết lý tự nhiên mình phải suy nghĩ sâu sắc theo, chấp nhận tập lâu hơn, diễn khó hơn, nhưng làm nghề cần phải rèn luyện như vậy. Theo tôi, các vở dù đậm triết lý nhưng được các sân khấu TP.HCM dựng theo cách rất đời, rất vui, nên khán giả cũng dễ dàng thấu cảm".
Nguồn: https://thanhnien.vn/kich-triet-ly-an-khach-ben-bi-185250421235248314.htm
Bình luận (0)