Việc xây dựng dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa các cam kết quốc tế, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý để Việt Nam chủ động ứng phó với các rủi ro an ninh phi truyền thống trong thương mại quốc tế. Dự thảo được xây dựng công phu, có tính hệ thống, bám sát thực tiễn và hài hòa với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực thi, cần tiếp tục hoàn thiện trên một số phương diện.
Là quốc gia có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Trong bối cảnh các hình thức phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và công nghệ lưỡng dụng có xu hướng gia tăng, các quốc gia đều siết chặt kiểm soát thương mại chiến lược như một phần quan trọng trong chính sách an ninh - thương mại. Với vị trí địa chính trị quan trọng và tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu cao, Việt Nam cần một khung pháp lý thống nhất, minh bạch để kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng lưỡng dụng.
Dự thảo Nghị định đã bám sát các quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Luật Thương mại, Luật Đầu tư và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Thỏa thuận Wassenaar. Đây là điều kiện tiên quyết để Việt Nam khẳng định vai trò là một quốc gia có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Rõ ràng trong khái niệm và phạm vi điều chỉnh. Dự thảo đã định nghĩa cụ thể các khái niệm then chốt như “hàng hóa lưỡng dụng”, “người sử dụng cuối”, “chương trình tuân thủ nội bộ (ICP)”,… điều mà nhiều văn bản pháp quy hiện hành chưa đề cập đến một cách rõ ràng. Phạm vi áp dụng được giới hạn hợp lý, tránh chồng chéo với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Đáng chú ý, với cơ chế phân cấp và phối hợp liên ngành: Việc phân quyền cho các bộ ngành (Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Ngoại giao, Y tế...) trong xây dựng Danh mục hàng hóa lưỡng dụng và quản lý theo lĩnh vực chuyên môn là hợp lý. Điều này tạo điều kiện để kiểm soát hàng hóa theo đúng tính chất kỹ thuật - công nghệ, đồng thời phát huy vai trò điều phối trung tâm của Bộ Công Thương.
Cùng với đó, việc khai báo điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (vnsw.gov.vn) giúp giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao tính minh bạch, dễ giám sát và truy vết.
Khuyến khích tuân thủ thông qua ICP, cơ chế miễn khai báo cho doanh nghiệp xây dựng và được phê duyệt ICP là một sáng kiến mang tính khuyến khích chủ động tuân thủ, một bước chuyển từ quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với xu hướng quản trị hiện đại.
Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược. Ảnh: Linh Nhi |
Còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện
Dù các quy định đã được thiết kế rất rõ ràng, tuy nhiên cần làm rõ tiêu chí đánh giá ICP. Mặc dù Phụ lục III quy định chi tiết các bộ quy trình trong ICP, nhưng tiêu chí đánh giá tính đầy đủ, hiệu quả của chương trình này chưa thực sự cụ thể. Cần bổ sung hướng dẫn đánh giá định lượng ví dụ: số lần đào tạo định kỳ/năm, số cán bộ chuyên trách, thời gian lưu trữ hồ sơ... để tạo sự đồng nhất trong thực thi và kiểm tra.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm năng lực thực thi của cơ quan hải quan và các bộ liên quan. Việc phân quyền cho nhiều bộ ban hành Danh mục hàng hóa lưỡng dụng tiềm ẩn nguy cơ phân mảnh nếu thiếu cơ chế điều phối và chuẩn hóa danh mục mã hồ sơ. Đồng thời, cần đầu tư nâng cao năng lực nhận diện, phân tích kỹ thuật của lực lượng hải quan tại cửa khẩu để tránh gian lận, giả khai báo.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được cân nhắc, bởi đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa - nhóm doanh nghiệp thường thiếu nguồn lực để xây dựng ICP cần có cơ chế hỗ trợ chuyển giao mẫu quy trình, đào tạo, hoặc mô hình ICP mẫu phù hợp. Điều này tránh nguy cơ quy định trở thành rào cản kỹ thuật đối với khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng hội nhập sâu.
Cùng với đó, cần cân đổi để hài hòa với các FTA thế hệ mới. Dự thảo nghị định cần rà soát lại để bảo đảm không mâu thuẫn với cam kết mở cửa thương mại hàng hóa và minh bạch thủ tục theo các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt ở các điều khoản về quy trình kiểm soát, thời gian xử lý hồ sơ.
Để Nghị định khi ban hành có thể phát huy vai trò là công cụ quản lý hiệu quả, đồng thời không gây gánh nặng hành chính quá mức cho doanh nghiệp, cần:
Thứ nhất, ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết các thủ tục, biểu mẫu, thời gian xử lý nhằm tránh tình trạng mỗi bộ áp dụng một cách khác nhau.
Thứ hai, tăng cường số hóa quy trình giám sát, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan như Bộ Công Thương - Hải quan - Công an - Quốc phòng.
Thứ ba, tổ chức tập huấn định kỳ cho doanh nghiệp và cơ quan thực thi về hàng hóa lưỡng dụng, kiểm soát giao dịch nhạy cảm.
Thứ tư, đưa quy định về chế tài xử lý vi phạm mang tính răn đe mạnh mẽ hơn vào nghị định hoặc một văn bản liên quan.
Kinh nghiệm quốc tế và tính hội nhập của dự thảo
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng xuyên quốc gia ngày càng phức tạp, việc xây dựng hệ thống kiểm soát thương mại chiến lược là một tiêu chí then chốt để các quốc gia được đánh giá là có “năng lực tuân thủ quốc tế” (compliance capacity). Dự thảo Nghị định của Việt Nam đang từng bước tiếp cận các chuẩn mực này, song vẫn cần nhìn rộng hơn để học hỏi và điều chỉnh chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tại Hoa Kỳ, mô hình kiểm soát gắn với an ninh quốc gia. Theo đó, Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng với cơ chế “Export Administration Regulations” (EAR) và danh mục “Commerce Control List” (CCL). Mọi mặt hàng có khả năng hỗ trợ phát triển vũ khí hủy diệt, công nghệ cao, thậm chí trí tuệ nhân tạo, đều nằm trong diện kiểm soát. Điểm đáng chú ý là Mỹ áp dụng cơ chế hậu kiểm và chế tài rất mạnh, cùng với việc duy trì “Danh sách thực thể” (Entity List) để cấm giao dịch với các bên bị nghi ngờ.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc sử dụng mô hình hỗn hợp công nghệ - pháp lý. Là thành viên của Thỏa thuận Wassenaar, Hàn Quốc xây dựng hệ thống kiểm soát chiến lược dựa trên nền tảng Luật Kiểm soát Thương mại Quốc tế, phân loại hàng hóa theo danh mục lưỡng dụng quốc gia, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp xây dựng hệ thống kiểm toán nội bộ bắt buộc khi tham gia giao dịch hàng hóa công nghệ cao. Hàn Quốc cũng đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để nhận diện rủi ro trong khai báo xuất nhập khẩu.
Còn Singapore là hài hòa pháp lý và thuận lợi hóa thương mại. Cụ thể, Singapore áp dụng mô hình “Strategic Goods Control Act” với cơ chế khai báo trước - xét duyệt sau - hậu kiểm kỹ thuật số. Đặc biệt, nước này cho phép doanh nghiệp tiếp cận bộ công cụ xác định hàng hóa lưỡng dụng trực tuyến (Online Self-Assessment Tool), đồng thời hướng dẫn rất cụ thể cách xây dựng ICP. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa tuân thủ, vừa duy trì tốc độ giao dịch thương mại nhanh chóng.
Từ kinh nghiệm quốc tế, có thể rút ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam:
Một là, hài hòa danh mục hàng hóa lưỡng dụng với hệ thống CCL của Mỹ, EU và các nước ASEAN để dễ dàng kết nối và truy vết giao dịch xuyên biên giới.
Hai là, thiết lập hệ thống danh sách thực thể đáng ngờ (danh sách đen) để cảnh báo sớm các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm phổ biến vũ khí hoặc chuyển giao công nghệ nhạy cảm.
Ba là, đầu tư nền tảng số và hệ thống đánh giá rủi ro tự động để nâng cao năng lực phát hiện sai phạm, giảm lệ thuộc vào quy trình kiểm tra thủ công.
Bốn là, xây dựng bộ công cụ “tự đánh giá trực tuyến” cho doanh nghiệp về tính lưỡng dụng của hàng hóa, gắn với hướng dẫn minh bạch và cập nhật thường xuyên.
Năm là, tăng cường hợp tác kỹ thuật với các tổ chức quốc tế như UNODA, EU P2P, Cục Công nghiệp và An ninh Hoa Kỳ (BIS) để nâng cao trình độ thể chế và đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu.
Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là một bước đi đúng hướng, thể hiện rõ tinh thần chủ động hội nhập và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương nhạy cảm. Với một số điều chỉnh hợp lý, văn bản này sẽ trở thành công cụ đắc lực giúp Việt Nam đảm bảo an ninh quốc gia, thực thi cam kết quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Nguồn: https://congthuong.vn/kiem-soat-thuong-mai-chien-luoc-huong-di-can-thiet-trong-hoi-nhap-382954.html
Bình luận (0)