Reviewer "trầy vi tróc vảy" vì AI, tất tay vào yếu tố con người để sinh tồn (Video: Khánh Vi).
Hết thời "thư giãn" kiếm tiền từ TikTok
Đoàn Vân Phong (sinh năm 1998, Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu công việc sáng tạo nội dung một cách khá tình cờ. Trước đó, anh làm nghề bán hàng, rồi có cơ hội thử sức với vai trò người dẫn trong một số video review (đánh giá) sản phẩm cho các kênh công nghệ.
Nhờ tích lũy được kinh nghiệm thực tế, Phong dần nảy ra ý tưởng tự xây dựng kênh riêng của mình.

Đoàn Vân Phong (sinh năm 1998, Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu công việc sáng tạo nội dung một cách khá tình cờ.
"Công việc đầu tiên của tôi là bán hàng. Sau đó, tôi có cơ duyên được làm reviewer (người đánh giá) cho vài kênh công nghệ. Qua thời gian, khi đã có đủ kỹ năng và kinh nghiệm, tôi quyết định phát triển kênh riêng, ban đầu chỉ như một công việc bán thời gian", Phong chia sẻ.
Đến năm 2021, trong thời gian giãn cách vì dịch Covid-19, Phong chính thức lập kênh "Phong Gió". Nội dung tập trung vào các mẹo trên điện thoại, tư vấn chọn máy và những chủ đề công nghệ gần gũi với đời sống.
Giai đoạn đầu, Phong đăng 2-3 video/tuần. Khi mọi thứ ổn định hơn, Phong duy trì mức 4-5 video mỗi tuần. Sau khi hệ thống vận hành trơn tru, anh bắt đầu mở rộng sang các mảng khác, đồng thời kết hợp kinh doanh online, tạo nên một hệ sinh thái xoay quanh thương hiệu cá nhân.
"Trước đây tôi làm nội dung khá thư giãn vì đó chỉ là công việc phụ. Nhưng bây giờ, khi đã sở hữu vài kênh với hàng trăm nghìn người theo dõi, tôi phải dành nhiều thời gian hơn, trung bình 8 đến 12 tiếng mỗi ngày", anh nói.
"Trầy da, tróc vảy" vì làn sóng AI
Từ năm 2023, AI bùng nổ và nhanh chóng lan rộng vào lĩnh vực sản xuất nội dung. Phong là một trong số những nhà sáng tạo sớm áp dụng công cụ này để hỗ trợ viết kịch bản, tìm ý tưởng và kiểm tra thông tin.
Tuy nhiên, theo anh, AI không chỉ là công cụ mà còn đang trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm.


"Tôi thấy AI bây giờ là một đối thủ vô cùng đáng gờm. Ví dụ như hỏi mình tư vấn nên mua máy điện thoại nào thì bộ nhớ cũng chỉ loanh quanh 10 mẫu. Còn nếu hỏi AI thì sẽ không giới hạn.
Tuy nhiên, AI cũng là một thứ mà mọi người cần kiểm tra lại. Bây giờ, chúng ta chưa có thói quen hỏi AI về mọi việc nhưng nếu AI đi qua được giai đoạn giáo dục thị trường rồi thì ai cũng sẽ có thói quen lên AI hỏi. Lúc đấy AI sẽ thực sự là một đối thủ đáng gờm", Phong nhận định.
Phong nhìn nhận rằng, AI giúp việc tiếp cận và tạo ra nội dung trở nên dễ dàng hơn nhưng điều đó cũng khiến thị trường trở nên cạnh tranh hơn.
Những dạng video chia sẻ kiến thức hay hỏi - đáp từng là lợi thế của con người, giờ đây có thể được tạo ra nhanh chóng nhờ AI. Điều này buộc những người làm nội dung phải làm nhiều hơn để giữ chân khán giả.

Phong nhận định, AI hiện là một đối thủ đáng gờm với các reviewer.
Theo Phong, cạnh tranh trong ngành sáng tạo nội dung hiện nay đến từ hai phía: một là sự bão hòa người tham gia do nhiều người thất nghiệp hoặc chuyển hướng sang làm online; hai là công nghệ phát triển khiến rào cản kỹ thuật gần như không còn.
"Cạnh tranh bây giờ rất khủng khiếp. Ngày trước làm YouTube phải đầu tư máy ảnh, phần mềm dựng. Còn giờ, công cụ hỗ trợ quá nhiều. Làm dễ hơn, đồng nghĩa với việc ai cũng có thể làm", Phong chia sẻ.
Vì vậy, để định vị thương hiệu cá nhân giữa một rừng nội dung, anh liên tục học hỏi, cập nhật xu hướng và đầu tư vào chất lượng trải nghiệm cá nhân, thứ mà AI khó có thể thay thế.
"AI là công cụ rất hữu ích để tìm ý tưởng, mở rộng nội dung và tiết kiệm thời gian nghiên cứu. Nhưng nó không thể thay thế con người, đặc biệt là ở những thứ như cảm xúc thật, câu chuyện đời thường hay trải nghiệm cá nhân. Đó mới là điểm khác biệt mà tôi muốn giữ lại trong nội dung của mình", Phong bày tỏ.
Phong khẳng định vẫn tiếp tục làm nội dung chia sẻ nhưng là dạng nội dung có cảm xúc, có chiều sâu hơn là chỉ cung cấp thông tin thuần túy. Anh nhấn mạnh rằng người xem không còn chỉ quan tâm đến thông số kỹ thuật, mà muốn cảm nhận thật từ trải nghiệm thật.
Về mặt kinh tế, Phong thừa nhận tỉ suất lợi nhuận đã giảm đáng kể. Trước đây, chỉ cần vài video cũng đủ đảm bảo thu nhập. Nay, số lượng nội dung tăng thì chi phí sản xuất, nhân lực, thiết bị... cũng đội lên, trong khi giá đặt quảng cáo ngày càng giảm do thị trường quá nhiều người tham gia.

Phong cho biết, phải tăng cường đầu tư về công nghệ và thời gian làm việc để giữ nhịp cho kênh.
"Ngày xưa làm ít, thu được nhiều. Bây giờ muốn tăng thu nhập thì phải đầu tư thêm người, thêm thời gian mà mức giá thì lại giảm. Một chiến dịch quảng cáo chỉ có ngần ấy suất, mà người làm nội dung thì quá nhiều", anh bày tỏ.
Trong bối cảnh đó, Phong cho rằng hướng đi như affiliate marketing (tiếp thị liên kết) sẽ là một lựa chọn, nhưng đòi hỏi người làm phải thật sự nghiêm túc, hiểu sâu về sản phẩm và ngành hàng chứ không thể làm hời hợt hay chạy theo trào lưu.
Tối ưu chi phí, tập trung yếu tố con người
Thời gian đầu, Phong sản xuất video theo cảm hứng, chủ yếu là những gì mình thấy hay, thấy có ích thì quay lại và chia sẻ.
Nhưng theo thời gian, đặc biệt là từ khi AI phát triển và thị trường trở nên cạnh tranh khốc liệt, cách làm này không còn hiệu quả. Anh bắt đầu nghiêm túc xây dựng một quy trình bài bản, từ khâu lên ý tưởng, phân công người quay dựng, đến việc tối ưu thời điểm đăng tải.

Nhóm của Phong hiện tại có 3 người và làm việc đa nhiệm.
"Trước đây mình chỉ cần vài tiếng mỗi ngày là đã có video đăng đều. Nhưng giờ muốn duy trì hiệu suất và chất lượng, mỗi ngày phải làm việc 8-10 tiếng, có hôm tới khuya mới xong. Không có quy trình thì không thể theo kịp guồng quay của thị trường", anh bộc bạch.
Nhóm của Phong hiện có ba người. Mỗi người đều phải làm việc đa nhiệm, biết làm từ A đến Z, từ viết kịch bản, quay, dựng, đến xử lý hậu kỳ để tránh phụ thuộc và đảm bảo công việc không bị ngắt quãng khi thiếu người.
Cùng với việc tăng tốc sản xuất, Phong cũng buộc phải cắt giảm chi phí. Anh chuyển văn phòng về vùng ven, tự dựng clip thay vì thuê ngoài và thậm chí nhận dựng thêm video cho các bên khác để bù chi phí vận hành.
Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận giá sàn thương mại điện tử tăng cao là một rào cản nhưng đồng thời cũng là cơ chế sàng lọc tự nhiên. Những ai không nghiêm túc đầu tư, không theo kịp công nghệ, quy trình thì sớm muộn cũng bị bỏ lại phía sau.
"Cạnh tranh bây giờ không chỉ là trong nước. Nhiều nhãn hàng nước ngoài đã thuê người Việt để làm nội dung và bán hàng xuyên biên giới với chi phí thấp hơn. Nên nếu mình không thay đổi, không tối ưu thì sẽ không thể tồn tại, chứ chưa nói đến chuyện phát triển", anh thẳng thắn chia sẻ quan điểm.
"Có những video tôi đầu tư hiệu ứng, dựng 3D. Còn hôm nào mệt thì chỉ quay đơn giản. Nhưng dù hình thức thế nào, tôi luôn cố giữ phần nội dung phải có giá trị, có cảm xúc và phải là thứ người thật trải qua", Phong nói.
Sự bùng nổ nội dung trong thời gian gần đây khiến nhiều người nghĩ phải làm thật nhiều để giữ chân khán giả. Phong thì chọn hướng khác: làm đều nhưng phải giữ chất lượng.

"Nếu mình không thay đổi, không tối ưu thì sẽ không thể tồn tại, chứ chưa nói đến chuyện phát triển", anh thẳng thắn chia sẻ quan điểm.
"Tôi không muốn chạy theo cuộc đua "nhiều nhất, nhanh nhất". Vì nếu chỉ làm cho có thì lâu dài không giữ được ai cả. Mình chọn cách đầu tư vào từng sản phẩm, để mỗi video đều có chất riêng", anh bộc bạch.
Thay vì chỉ dựa vào cảm hứng như trước, giờ Phong đóng gói cảm hứng đó thành quy trình: từ bước hình thành ý tưởng, triển khai, đến hoàn thiện sản phẩm đều có kế hoạch rõ ràng. Nhóm họp bàn trước mỗi nội dung, đảm bảo sản phẩm ra đời không chỉ đủ hay mà còn đúng với giá trị mà họ muốn truyền tải.
Làm nội dung toàn thời gian, lại kiêm thêm việc bán hàng và vận hành nhóm, khiến việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân với Phong gần như là điều xa xỉ.
"Thực ra thì nói cân bằng cũng hơi lý tưởng. Tuổi trẻ mà, mình chấp nhận dành thời gian cho công việc nhiều hơn. Nhưng vẫn cố giữ một hai ngày trong tuần để gặp bạn bè, gia đình để nhắc mình vẫn là người bình thường, không biến thành cái máy", anh tâm sự.
Reviewer không còn là nghề dễ ăn
Phong bắt đầu làm nội dung vào giai đoạn thị trường còn ít cạnh tranh, kênh còn thưa, người xem dễ hào hứng với những chia sẻ đơn giản và chân thật.
"Trước đây, nghề này đúng là bán nước bọt cũng ra tiền. Mình có thời gian làm song song với công việc bán lẻ, mỗi ngày làm vài tiếng là có kết quả. Nhưng giờ thì khác hoàn toàn. Người làm quá nhiều, nền tảng thay đổi liên tục, người xem thì có quá nhiều lựa chọn. Cạnh tranh giờ khốc liệt lắm, không làm nghiêm túc là bị bỏ lại ngay", anh nói.
Với những ai đang muốn bước vào ngành, Phong thẳng thắn khuyên nên chuẩn bị kỹ cả về kỳ vọng lẫn kỹ năng. Không nên nghĩ rằng chỉ cần bật máy quay lên nói vài câu là có thể kiếm tiền.

Với những ai đang muốn bước vào ngành, Phong thẳng thắn khuyên nên chuẩn bị kỹ cả về kỳ vọng lẫn kỹ năng.
"Sản xuất nội dung đòi hỏi đầu tư cả về thời gian, thiết bị và con người. Nếu bạn chỉ giỏi một kỹ năng thì chưa đủ. Giỏi hai kỹ năng ở mức khá ví dụ như vừa biết quay dựng, vừa hiểu ngành hàng đã là lợi thế lớn. Như vậy nội dung bạn làm mới dễ có giá trị", anh thẳng thắn chia sẻ.
Với Phong, thời gian cũng là một dạng chi phí. Anh nhấn mạnh rằng khi chọn đầu tư vào sáng tạo nội dung để kiếm tiền, mỗi người cũng cần cân nhắc: rất có thể trong lúc theo đuổi công việc này, chúng ta đang bỏ lỡ những cơ hội phù hợp hơn ở các lĩnh vực khác.
"Không ai giống ai cả. Mỗi người có một thế mạnh riêng. Nhưng ai không theo kịp thì chắc chắn sẽ bị bỏ lại. Nhất là trong giai đoạn thị trường bây giờ vừa đông người chơi, vừa thay đổi nhanh, không thể làm theo kiểu chờ thời được nữa", anh chia sẻ.
Anh cũng chia sẻ một góc nhìn thú vị về tiềm năng của thị trường nội dung tại Việt Nam: với hơn 70 triệu người dùng Internet, mỗi người xem video chỉ 30 phút/ngày thôi cũng tương đương hơn 4 tỷ lượt xem/ngày trên các nền tảng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ai cũng thành công.
"Có rất nhiều view để khai thác nhưng không phải ai làm cũng có thể chạm tới. Thị trường lớn thật nhưng chỉ dành cho những người làm nghiêm túc. Trước khi nghĩ đến kiếm tiền, phải trau dồi kỹ năng trước", Phong tâm sự.
Sự bùng nổ của AI không chỉ là thách thức. Nó còn là phép thử. Chỉ những ai thật sự hiểu mình đang làm gì, có định hướng rõ ràng và sẵn sàng thích nghi, mới có thể tiếp tục bước trên con đường này.
Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/kiem-tien-40-reviewer-tray-vi-troc-vay-vi-ai-20250331110551314.htm
Bình luận (0)