Kính mát giúp bảo vệ mắt và vùng da quanh mắt khỏi tia UV - Ảnh: OCULASE
Video đăng trên Instagram ngày 14-4, hiện đã thu hút hơn 130.000 lượt thích, dường như là các đoạn trích chỉnh sửa từ một cuộc phỏng vấn dài hơn với ông Andreas Moritz - bác sĩ thực hành Ayurveda (hệ thống y học cổ truyền Hindu), đã qua đời năm 2012.
Video này cũng xuất hiện trên TikTok vào tháng 5.
Trong video, ông Moritz nói: "Khi kính mát lần đầu ra mắt, các ca ung thư bắt đầu gia tăng mạnh… Mọi thứ liên quan đến nó đều gắn với ung thư".
Ông tiếp tục: "Bạn cần tiếp xúc với tia cực tím (UV). Việc này giúp não sản xuất một loại hormone kích thích tạo melanin - sắc tố bảo vệ da. Nếu không tạo ra hormone đó, da sẽ dễ tổn thương dưới ánh nắng".
Ông nói thêm: "Nếu bạn đeo kính mát, cơ thể sẽ tưởng là trời tối. Khi đó nó không tạo ra hormone sản xuất melanin để bảo vệ da".
Moritz dường như cho rằng cơ thể có thể chống lại ung thư da nhờ melanin, và nếu đeo kính mát - ngăn tia UV - thì hormone kích thích sản xuất melanin sẽ không được tạo ra, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư.
Video chứa nội dung liên quan đến kính mát và việc tăng nguy cơ ung thư đã bị Instagram gắn nhãn thông tin sai sự thật - Ảnh: INSTAGRAM
Tổ chức kiểm chứng Full Fact ngày 4-7 cho biết không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ cho tuyên bố nói trên.
Như chúng ta đã biết từ trước, tia UV trong ánh nắng Mặt trời, đặc biệt là tình trạng rám nắng do tia UV gây ra, làm tăng nguy cơ ung thư da.
Tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh (CRUK) cho biết 9 trong số 10 ca ung thư hắc tố da - loại ung thư da nguy hiểm nhất - có thể ngăn ngừa được nếu chúng ta tránh ánh nắng Mặt trời cũng như việc tắm nắng.
Trong khi đó, melanin là một sắc tố được sản xuất tại chỗ trong các tế bào hắc tố nằm trong các lớp sâu hơn của da.
Đó là lý do vì sao chúng ta có thể rám nắng ở những phần da đưa ra ánh nắng chứ không bị ở phần da được che chắn.
Một làn da rám nắng sẽ không thể bảo vệ da hoàn toàn khỏi các tác hại từ Mặt trời.
Theo các chuyên gia Full Fact, kính mát có thể lọc tia UV và giúp bảo vệ mắt cùng vùng da quanh mắt.
Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) cũng khuyến cáo người dân nên đeo kính mát khi ra ngoài. Tuy nhiên chưa có bằng chứng chắc chắn cho thấy kính mát bảo vệ được các vùng da khác trên cơ thể.
Ngoài ra Full Fact cho biết không rõ ông Moritz đang đề cập đến loại hormone nào liên quan đến quá trình sản xuất melanin.
Một số nghiên cứu hạn chế cho thấy chuột được chiếu tia UVB vào mắt có thể sản sinh nhiều hormone kích thích tế bào hắc tố hơn - yếu tố điều chỉnh việc sản xuất melanin.
Tuy vậy không có bằng chứng xác đáng nào cho thấy kính mát ảnh hưởng đáng kể đến việc tạo melanin ở người hay khả năng bảo vệ da.
Bác sĩ Gus Gazzard, giáo sư nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt Moorfields (Anh), khẳng định không có cơ sở khoa học nào chứng minh kính mát làm tăng nguy cơ ung thư.
Tiến sĩ Rubeta Matin, bác sĩ da liễu tại Anh, cũng nói với Full Fact rằng không có bằng chứng vững chắc nào cho thấy đeo kính mát làm tăng nguy cơ ung thư da như mô tả trong video.
Nguồn: https://tuoitre.vn/kinh-mat-co-the-gay-ung-thu-20250706064314989.htm
Bình luận (0)