BHG - Chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quang Bình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, áp dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, góp phần cải thiện thu nhập, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Xã Xuân Giang có 2 chuỗi liên kết nuôi lợn, trâu và 2 dự án sinh kế cộng đồng nuôi dê, lợn. Đồng thời, có 8 mô hình nuôi gà quy mô từ 500 - 7.000 con; 3 mô hình nuôi lợn nái sinh sản; 3 mô hình nuôi lợn thịt từ 50 con trở lên, mang lại thu nhập bình quân cho các hộ từ 150 - 750 triệu đồng/năm. Tổng đàn trâu, bò gần 1.000 con; đàn dê 600 con; đàn lợn 4.254 con; đàn gia cầm hơn 94.000 con. Với thế mạnh chăn nuôi rất lớn, xã khuyến khích các hộ dân tham gia thực hiện các chuỗi liên kết chăn nuôi khoa học, bài bản, chủ động trong việc chuẩn bị con giống tốt, nguồn thức ăn và phòng, chống dịch bệnh để nâng cao giá trị kinh tế.
Gia đình anh Lê Quang Huy, thôn Mới, xã Xuân Giang (Quang Bình) nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao. |
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Lê Quang Huy, thôn Mới, xã Xuân Giang được đánh giá là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu. Khởi nghiệp từ năm 2019 với chỉ dưới 10 con lợn, anh dần mở rộng quy mô lên hàng chục con lợn thịt thương phẩm mỗi lứa. Chuồng trại được xây dựng bán công nghiệp, có hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Thức ăn được sử dụng trong chăn nuôi là cám trộn với bột ngô, men vi sinh, giúp đàn lợn phát triển tốt, chất lượng thịt thơm ngon. Hiện mỗi năm anh xuất bán khoảng 18 - 20 tấn lợn hơi, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Không chỉ vậy, anh còn trở thành đại lý chuyên cung cấp nguồn cám, phục vụ nhu cầu chăn nuôi của bà con trong vùng.
Cũng như nhiều chị em phụ nữ, chị Hoàng Thị Quyết đã mạnh dạn tham gia vào nhóm sinh kế chăn nuôi gà thôn Tân An, thị trấn Yên Bình. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ của dự án và các lớp tập huấn kỹ thuật, chị từng bước nắm vững kiến thức về chọn giống, cách chăm sóc đàn gà và kỹ năng quản lý kinh tế hộ. Ban đầu, chị nuôi thử nghiệm 100 con gà đen bản địa. Đây là giống gà có sức đề kháng tốt, thịt giàu dinh dưỡng, thơm ngon, mềm ngọt, giá bán thường cao hơn so với một số loại gà khác và được thị trường ưa chuộng. Với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, khi có vốn quay vòng, chị tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô lên 700 con, trừ chi phí cho lãi 30 triệu đồng, nhờ đó cuộc sống của gia đình chị Quyết khấm khá hơn từng ngày.
Thời gian qua, huyện Quang Bình đã ban hành và thực hiện hiệu quả các cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Công tác tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh được triển khai đồng bộ, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Huyện cũng tích cực đưa khoa học kỹ thuật, thụ tinh nhân tạo, nâng tầm vóc, thể trạng đàn trâu, bò. Ngoài các mô hình, huyện chủ trương phát triển kinh tế hộ đa lĩnh vực, tạo ra thu nhập thường xuyên, phù hợp với điều kiện về đất đai, trình độ sản xuất của người dân. Tính đến nay, toàn huyện có gần 19.000 con trâu, bò; 11.000 con dê; hơn 54.000 con lợn và 815.000 con gia cầm. Tỷ trọng giá trị chăn nuôi chiếm khoảng 40% trong cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202504/kinh-te-ho-phat-trien-nho-chan-nuoi-dung-huong-8fb69a3/
Bình luận (0)