Sau 28 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và vượt bậc về mọi mặt, trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Đóng góp vào thành công đó, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân với tỷ lệ trên 90% trong hơn 17 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các DN tư nhân trên địa bàn đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh, đóng góp đáng kể vào số thu ngân sách Nhà nước hằng năm và là lực lượng tiên phong trong quá trình đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho địa phương.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, bên cạnh định hướng chung của Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù.
Điểm nhấn là các chính sách về cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian, chi phí cho DN; tạo môi trường đầu tư thông thoáng; khuyến khích DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vốn; hỗ trợ DN tiếp cận thị trường trong và ngoài nước; thường xuyên lắng nghe để kịp thời nắm bắt và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN...
Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 31/3/2023 của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 84 ngày 25/3/2024, đề ra mục tiêu hết năm 2025 có khoảng 17,5 nghìn DN đăng ký hoạt động và đến năm 2030 có 25 nghìn DN đăng ký hoạt động.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh khu vực kinh tế tư nhân để phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào GRDP toàn tỉnh đạt khoảng 55% và đạt 60 - 65% vào năm 2030.
Phấn đấu năng suất lao động khu vực kinh tế tư nhân tăng khoảng 5%/năm; hằng năm khoảng 30 - 40% DN tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của DN khu vực tư nhân; phấn đấu có nhiều DN của tỉnh tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Trong đó, đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, tập trung vào việc hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển; hỗ trợ thị trường; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực; hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.
Nhờ đó, nhiều DN đã tận dụng được cơ hội trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi sản xuất của các nhà đầu tư FDI. Không ít doanh nhân đã gặt hái thành công nhờ đổi mới tư duy, sáng tạo và xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, từng bước tạo dựng thương hiệu.
Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco), thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên). Thành lập năm 2002, với kinh nghiệm gia truyền hơn 60 năm nuôi ong, Honeco đã tạo dựng được niềm tin và uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm của công ty hiện được xuất khẩu ra một số nước trong khu vực.
Honeco được đánh giá là thương hiệu dẫn đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư bài bản trong khâu chế biến sản phẩm. Công ty hiện liên kết với hơn 50 trang trại nuôi ong trong nước, cho thu hoạch hàng nghìn tấn mật ong mỗi năm.
Công ty có 3 nhà xưởng được xây dựng hiện đại, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trên diện tích gần 20 nghìn m2, công suất hoạt động trên 500 tấn mật ong/tháng. Hiện nay, Honeco không chỉ cung cấp mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa chất lượng cao mà còn đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm mật ong chế biến độc đáo từ nông sản, thảo dược và hoa quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, như tacumin; mật ong quế; mật ong chanh leo; mật ong quất; mật ong gừng sả; mật ong đông trùng hạ thảo...
Trung thành với triết lý kinh doanh “Chất lượng sản phẩm là sinh mệnh của công ty”, phương châm “Vì sức khỏe cộng đồng” và mục tiêu xây dựng Honeco trở thành biểu tượng niềm tin cho các sản phẩm ngành ong cao cấp của Việt Nam, công ty đã và đang áp dụng quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế FSSC 22000.
Nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật và đổi mới công nghệ sản xuất, Honeco vinh dự được nhận nhiều giải thưởng, bằng khen, chứng nhận uy tín cho chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình, như: Nhiều sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia nhiều năm liền; giải Bạc chất lượng Quốc gia; Huy chương Vàng vì sức khỏe cộng đồng; Sản phẩm chất lượng cao ASEAN...
Năm 2024, Honeco duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc; đạt doanh thu 30,4 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ), nộp ngân sách Nhà nước 1,7 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Những bước phát triển vượt bậc của khu vực kinh tế tư nhân thể hiện sự bám sát, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh theo định hướng của Trung ương. Kinh tế tư nhân “phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới” và “không chỉ là động lực quan trọng mà còn cần được tạo điều kiện để tham gia vào các lĩnh vực chiến lược” như lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”.
Với những bứt phá đạt được, kỳ vọng trong thời gian tới, kinh tế tư nhân sẽ ngày càng phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, trách nhiệm xã hội, góp phần tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và xây dựng một Việt Nam năng động, hội nhập, phát triển.
Việt Sơn
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126200/Kinh-te-tu-nhan---Luc-luong-tien-phong-trong-ky-nguyen-moi
Bình luận (0)