Công ty Liên Minh Xanh tạo ra những sản phẩm mang giá trị riêng |
Khu vực kinh tế tư nhân, trọng tâm là DNNVV có đóng góp quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội và được xác định ở vị thế trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.
Thúc đẩy nhiều lĩnh vực phát triển
Thực tế cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. Điều đó cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định trong một chỉ thị liên quan: “Khu vực kinh tế tư nhân, trong đó trọng tâm là DNNVV chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế. Các DNNVV là lực lượng chủ yếu khai thác các thị trường ngách, huy động tối đa nguồn lực trong dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các DNNVV có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Với tính chất quy mô nhỏ và vừa, DNNVV luôn thể hiện sự linh hoạt, năng động, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo. Ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, DNNVV vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng và đất nước”.
Công ty Liên Minh Xanh hỗ trợ cộng đồng phát triển và bảo vệ các loại thảo dược dưới tán rừng |
Trong kỷ nguyên mới, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân càng được khẳng định không chỉ ở phạm vi quốc gia mà ngay cả các địa phương cũng chú trọng và có những cơ chế, chính sách để ưu tiên phát triển.
Tại thành phố Huế hiện có hơn 7.600 DN, trong đó, có khoảng hơn 6.200 DN đang hoạt động, với 97% là DNNVV. Các DN này đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế và các khoản thu khác. Chỉ tính riêng trong năm 2024, nguồn thu ngân sách từ DNNVV hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm 70% trong tổng thu ngân sách địa phương. Từ nguồn thu này, địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, kinh tế tư nhân có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy nhiều lĩnh vực dịch vụ, sản xuất phát triển. Đồng thời, thông qua việc hình thành các mối liên kết theo chuỗi giá trị, DNNVV đã tạo nên hệ sinh thái cùng phát triển.
Điển hình như hệ sinh thái của Công ty Liên Minh Xanh (ở quận Phú Xuân) - DN chuyên sản xuất các sản phẩm tinh dầu và các sản phẩm từ thảo dược thiên nhiên. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN này không chỉ tạo nên việc làm cho đội ngũ nhân sự với 9 lao động, mà trong quá trình phát triển, công ty đã liên kết với cộng đồng cư dân bản địa, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu ổn định cho người dân địa phương theo hướng “cộng sinh”.
Doanh nghiệp chủ động tiếp cận các đối tác |
Ông Phạm Nguyễn Thành, Giám đốc Công ty Liên Minh Xanh cho hay, công ty không chủ trương phát triển các vùng nguyên liệu mà khuyến khích cộng đồng cùng tham gia phát triển vùng nguyên liệu. Thông qua việc hợp tác với người dân thuộc 4 nhóm cộng đồng bảo vệ rừng thuộc Khu bảo tồn Sao La và 2 nhóm cộng đồng bảo vệ rừng ở xã A Roàng (A Lưới) và Thượng Long (Phú Lộc) trong phát triển vùng nguyên liệu, công ty góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời, thông qua việc liên kết này còn giúp cộng đồng có trách nhiệm hơn trong khai thác và bảo vệ nguồn dược liệu tự nhiên. Công ty cũng hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, điều hành, kinh doanh cho các HTX, tổ hợp tác tham gia liên kết để những đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất không chỉ là đối tác cung ứng nguyên liệu, sản xuất sản phẩm, mà còn phát triển vững mạnh cùng DN.
Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức KMI: “Một DN phát triển không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân họ, mà còn kéo theo nhiều đơn vị khác cùng đi lên”.
Quy mô, số lượng chưa tương xứng
Có thể nói, DNNVV đang đóng góp lớn cho kinh tế, xã hội thành phố, song phải thừa nhận trong mối tương quan chung với cả nước và các địa phương trong khu vực, thì số lượng DN đang hoạt động hiện nay trên địa bàn TP. Huế vẫn khá khiêm tốn cả về quy mô, ngành nghề, lĩnh vực...
Số liệu từ Sở Tài chính cho thấy, đến cuối năm 2024, số lượng DN đang hoạt động tại TP. Huế chỉ có 6.105 DN, tăng 2.084 DN so năm 2020. So sánh số lượng DN đang hoạt động năm 2024 tại các địa phương lân cận, Huế đang nằm trong nhóm có lượng DN hoạt động thấp nhất, chỉ cao hơn Quảng Trị, Quảng Bình và bằng 20% số DN của TP. Đà Nẵng, bằng 39% Nghệ An và 64% Quảng Nam. Điều này cho thấy, kinh tế Huế vẫn chưa thật sự sôi động và chưa thu hút được nhiều DN đến đầu tư.
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài chính thông tin, tình hình phát triển DN tại TP. Huế đang chậm hơn so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Giai đoạn từ năm 2021-2024, có 2.910 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 24.014 tỷ đồng, chỉ bằng 20% so với TP. Đà Nẵng về lượng và 32% về vốn; 63% so với tỉnh Quảng Nam về lượng và 74% về vốn.
Bên cạnh đó, số DN thành lập mới trong những năm gần đây cũng không nhiều. Năm 2021, số DN thành lập giảm do ảnh hưởng của COVID-19 chỉ còn 623 DN thành lập mới (giảm 9,7% so với cùng kỳ), đến năm 2022 với kỳ vọng vực dậy sau COVID-19, song số DN đăng ký thành lập mới dù có chuyển biến nhưng cũng chỉ có 821 DN. Dù vậy, tỷ lệ này cũng tăng cao nhất từ trước đến nay, với 32%.
Với diễn biến phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và những khó khăn của tình hình trong nước hiện nay, dự kiến số lượng DN đăng ký mới còn tiếp tục giảm. Thực tế cũng cho thấy, năm 2024, số DN thành lập mới cũng chỉ là 788 DN. Điều đó kéo theo tốc độ tăng DN trung bình giai đoạn 2020-2024 chỉ đạt 5,2%/năm, thấp hơn so với mặt bằng chung của toàn quốc và nhiều tỉnh, thành trong khu vực.
Cùng với đó, số lượng DN giải thể, tạm ngưng trên địa bàn khá lớn. Có thời điểm, số DN rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN thành lập mới càng tạo nên áp lực lớn trong việc giải quyết bài toán phát triển DN năm 2025 và những năm tiếp theo.
Theo số liệu từ Cục Thống kê thành phố vừa công bố, 3 tháng qua, TP. Huế có 176 DN thành lập mới trong khi số DN giải thể là 28 DN và 456 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động. Trong ngắn hạn có thể thấy, số lượng DN trên địa bàn có khả năng thu hẹp cả về quy mô lẫn số vốn. Từ đây đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển nội tại của mỗi DN và chính sách để kinh tế tư nhân mà nòng cốt là DNNVV phát huy được vị thế là “động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước” như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết: "Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", nhất là khi Huế có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển cả về quy mô lẫn số lượng DNNVV.
(Còn tiếp)
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/kinh-te-tu-nhan-vuot-rao-de-vuon-ra-bien-lon-bai-1-khang-dinh-vi-the-cua-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-152838.html
Bình luận (0)