Dấu ấn hạ tầng giao thông Đất Tổ
Nút giao IC7 nằm trên địa bàn tỉnh kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuận tiện cho Nhân dân đi lại, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Kết nối hành trình về Đất Tổ
Nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, Đồng bằng Sông Hồng và vùng Tây Bắc, tỉnh Phú Thọ có vị trí địa lý mang ý nghĩa là trung tâm tiểu vùng Tây - Đông - Bắc; cách trung tâm Hà Nội khoảng 80km về phía Bắc, cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 60km. Phú Thọ có hệ thống giao thông đa dạng gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy, giúp địa phương thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch, tạo mối giao lưu kinh tế giữa các khu vực trong tỉnh, liên tỉnh.
Toàn tỉnh có tổng chiều dài đường bộ gần 13.000km, trải rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi, từ trung tâm tỉnh lỵ đến huyện, xã, thôn bản; có 9 tuyến đường quốc lộ đi qua với 531,1km, quy mô đa số đạt cấp IV và cấp III với bề rộng mặt đường từ 5,5-11m và 100% đã được cứng hóa; 54 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 786km, gần 1.200km đường huyện, đường đô thị. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, có 12 cầu lớn bắc qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy và trên 400 cầu trên các tuyến quốc lộ, đường địa phương.
Phú Thọ đã xây dựng hệ thống giao thông đối ngoại và hàng loạt con đường kết nối liên vùng lấy thành phố Việt Trì là điểm nhấn “xanh - sạch - đẹp” có quy hoạch mang vóc dáng hiện đại. Những cung đường được đưa vào khai thác đã tăng tính kết nối giữa các huyện, thành, thị, hình thành liên kết vùng, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế giá trị văn hóa vùng Đất Tổ.
Giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã huy động hàng nghìn tỷ đồng đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, nhiều công trình quan trọng hoàn thành, đưa vào sử dụng. Điển hình như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua tỉnh dài 62km và năm nút giao (IC7, IC8, IC9, IC10, IC11) kết nối với thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, các huyện: Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hòa; 22km đường Hồ Chí Minh; 21,1km đường quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì, đường Trường Chinh kết nối Khu công nghiệp (KCN) Thụy Vân với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC-7, đường Phù Đổng, đường Vũ Thê Lang, đường Nguyễn Tất Thành đoạn từ nút giao với đường Hùng Vương đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Ông Baek in Sub - Tổng Giám đốc Công ty CP Kapstex Vina, KCN Thụy Vân, thành phố Việt Trì, chuyên sản xuất sản phẩm từ plastic, chia sẻ: “Sở dĩ tôi lựa chọn thành phố Việt Trì là điểm dừng chân để đầu tư sản xuất kinh doanh vì nơi đây hệ thống giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, môi trường đầu tư ổn định... Đây là điều kiện hết sức quan trọng để nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tiến hành đầu tư, tăng vốn đầu tư và gắn bó lâu dài với Phú Thọ”.
Thực tế đã chứng minh, các tuyến giao thông đối ngoại của tỉnh với các khu vực lân cận được mở thông, tạo điều kiện cho tỉnh có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, là điểm nhấn để thu hút đầu tư. Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ trọng tâm tháo gỡ “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng (GPMB); tập trung tối đa nguồn lực, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm.
Nhờ đó, 17/20 dự án đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành như: Cầu Vĩnh Phú nối tỉnh Phú Thọ với tỉnh Vĩnh Phúc; đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B, quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái; cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ...
Các tuyến giao thông đối ngoại của tỉnh với các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang) được mở thông, đưa vào khai thác sử dụng, góp phần mở rộng không gian phát triển của các địa phương trên địa bàn tuyến đường đi qua, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng của từng địa phương và của cả tỉnh.
Các tuyến đường giao thông trên địa bàn thành phố Việt Trì được đầu tư đồng bộ.
Mở lối bước vào kỷ nguyên vươn mình
Tại buổi làm việc với tỉnh Phú Thọ ngày 7/3 về tình hình triển khai kịch bản tăng trưởng năm 2025, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng... Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Phú Thọ có tiềm năng lợi thế và dư địa phát triển rất lớn nên ngoài việc chú trọng phát triển trong tỉnh, Phú Thọ phải đảm nhiệm sứ mệnh “cầu nối” cho các tỉnh trên trục hành lang kinh tế Lào Cai-Hà Nội- Hải Phòng. Để làm được điều đó một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Phó Thủ tướng yêu cầu đó là tỉnh Phú Thọ chú trọng sớm hoàn thành hạ tầng giao thông chiến lược làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, phục vụ nhu cầu của Nhân dân.
Ngay trong trung tuần tháng 3, kiểm tra thực địa 3 dự án còn lại gồm: Đường Âu Cơ; Đường giao thông kết nối từ đường tỉnh 323 đến quốc lộ 2, huyện Phù Ninh và Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B, quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi Yên Bái, đồng chí Bùi Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các sở, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ cùng nhau, quán triệt tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”; “làm việc 3 ca, 4 kíp”; “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất định phải hoàn thành, bàn giao, đưa vào khai thác sử dụng cả 3 công trình trên trong năm 2025.
Những con đường kết nối vùng miền đã khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; rút ngắn khoảng cách - rộng mở tương lai, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thu hút đầu tư... Sự phát triển đồng bộ của hạ tầng giao thông đã thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Điều đó được minh chứng sinh động, cụ thể bằng những con số, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng mà tỉnh đã đạt được trong năm 2024. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,53%, cao nhất trong 15 năm qua, nằm trong nhóm 10/63 địa phương có tốc độ tăng cao của cả nước, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Tiếp nối đà phát triển, với sự chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, kinh tế của tỉnh vẫn tiếp đà tăng trưởng ấn tượng, tạo động lực để vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm. Trong quý I/2025, tỉnh thu hút mới 7 dự án trong nước, vốn đăng ký 295,5 tỷ đồng; 5 dự án vốn FDI, vốn đăng ký 7,86 triệu USD.
Với vai trò cơ quan tham mưu, Sở Xây dựng đã sớm đề xuất bổ sung, điều chỉnh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ qua địa bàn tỉnh vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Với những cách làm sáng tạo và vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách, hệ thống kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị của Phú Thọ đã có bước phát triển đáng kể. Ngoài những dự án giao thông lớn đang được triển khai, giao thông nội thị cũng được tỉnh tập trung đầu tư, cải tạo... đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đến nay, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tích hợp các quy hoạch Quốc gia về lĩnh vực GTVT đồng thời định hướng phát triển mạng lưới giao thông của địa phương kết nối với hệ thống giao thông Quốc gia. Theo đó, hệ thống đường bộ sẽ hình thành 2 tuyến cao tốc dài 122,5km gồm cao tốc Nội Bài - Lào Cai có quy mô 6 làn xe; cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Đến năm 2030, 100% các tuyến đường đô thị được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, hiện đại, đến năm 2050 đáp ứng thực hiện được tổ chức giao thông thông minh. Đặc biệt, việc phát triển hệ thống đường GTNT sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu để phát triển hạ tầng giao thông gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đường thủy nội địa thực hiện theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, trong đó có 3 tuyến vận tải thủy chính trên sông Hồng, sông Đà và sông Lô qua địa bàn đạt cấp II và III. Nâng cấp hệ thống cảng thủy nội địa hiện có và đầu tư xây dựng mới một số cảng nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo bám sát định hướng của quy hoạch cấp Quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng. Tăng cường ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong phát triển hệ thông giao thông thông minh; điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thời gian, chi phí đi lại, thuận tiện và thân thiện với môi trường, nhất là hệ thống giao thông kết nối phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nhóm phóng viên kinh tế
Nguồn: https://baophutho.vn/ky-ii-phat-trien-giao-thong-ket-noi-de-dat-to-vuon-minh-231421.htm
Bình luận (0)