Cùng bà con bám đất, bám rừng
Ở bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ (Nghệ An), những thanh niên người Mông thuộc thế hệ 9X như Lỳ Bá Xênh (SN 1991), Lỳ Bá Thái (SN 1992), Lầu Y Ớt (SN 1994) được xem là những điểm sáng về tinh thần vượt khó để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Cầm những đồng tiền thẳng nếp sau khi thu hoạch gần 2 ha chè Shan tuyết, Lỳ Bá Xênh vui mừng cho biết, mỗi năm gia đình anh thu về trên dưới 70 triệu đồng từ mô hình trồng chè.
Nhiều năm qua, anh Xênh cùng bà con tại địa bàn 2 xã Huồi Tụ, Mường Lống đã được Tổng đội Thanh niên xung phong 8 hỗ trợ giống chè Shan tuyết, chuyển giao kỹ thuật canh tác đến bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, những mô hình trồng chè đặc sản dần được hình thành, mở ra hướng đi bền vững cho người dân.

Nhờ điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm và sự đồng hành kỹ thuật sát sao của Tổng đội, cây chè phát triển tốt, cho chất lượng sánh ngang với nhiều vùng chè nổi tiếng.
Để nâng tầm sản phẩm, lực lượng Tổng đội TNXP đã phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý để góp phần đưa chè Shan tuyết vươn ra thị trường, gắn với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng mang bản sắc vùng cao.
Năm 2022, niềm vui đã đến khi sản phẩm chè Shan tuyết ở xã Huồi Tụ chính thức được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho cây chè vùng cao Nghệ An.
.jpg)
Hiện tại, tổng diện tích trồng chè Shan tuyết ở 2 xã Huồi Tụ và Mường Lống đã lên tới gần 500 ha. Trong đó, có gần 400 ha đã cho thu hoạch.
Hàng năm, Tổng đội thu mua toàn bộ sản lượng chè búp tươi cho bà con. Qua sơ chế và chế biến, mỗi năm cho ra 2,5 tấn chè trà xanh cao cấp và khoảng 60 tấn chè các loại khác, với tổng giá trị ước đạt gần 3,9 tỷ đồng.Ông Phan Viết Lịch – Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 8

Không chỉ dừng lại ở việc mở lối lập nghiệp cho thanh niên và người dân địa phương vùng dân tộc thiểu số, lực lượng Thanh niên xung phong còn là chỗ dựa sẻ chia với nhiều hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn Tổng đội đứng chân.
Ví như ở xã Tam Thái, ông Xồng Xìa Pó (SN 1980) - một hộ nghèo lâu năm ở bản Huồi Sơn đã được cán bộ, đội viên Tổng đội TNXP 9 đứng ra kết nối các mạnh thường quân và trực tiếp ủng hộ ngày công, vật liệu xây dựng để chung tay cất nóc cho gia đình ông một ngôi nhà mới khang trang, ấm cúng. Hoặc như ông Lương Văn Ngoạn ở bản Văng Môn và ông Xồng Bá Lý (bản Huồi Sơn) cũng được Tổng đội TNXP 9 trao tặng mỗi hộ 10 con dê giống để phát triển kinh tế.

Anh Vương Trung Úy - Tổng Đội trưởng Tổng đội TNXP 9 cho biết, xã Tam Thái nơi Tổng đội đứng chân là địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn, nơi đây quần cư đồng bào Mông, Thái với tập quán canh tác truyền thống, điều kiện sản xuất còn nhiều hạn chế.
Nhằm chuyển giao tư duy sản xuất mới, Tổng đội đã phối hợp với Ban Quản lý Làng Thanh niên lập nghiệp triển khai các mô hình nông, lâm kết hợp như: Trồng 30 ha chè Shan tuyết, 15 ha nghệ đỏ, 80 ha lúa rẫy... Trong đó, nghệ đỏ được xây dựng thành chuỗi khép kín từ thu mua đến chế biến và tiêu thụ, với sản lượng đạt trung bình 350 tấn củ tươi mỗi năm.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Tổng đội đã đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín từ sơ chế, xay, sấy, đóng viên… Từ đó, nâng cao tính cạnh tranh và từng bước tạo dựng chỗ đứng trên thị trường tiêu dùng.
Chuyển mình thích ứng với công cuộc đổi mới
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An - Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 4 Tổng đội TNXP trực thuộc Tỉnh đoàn đang hoạt động gồm: Tổng đội TNXP 5, xã Kim Bảng; Tổng đội TNXP 8, xã Huồi Tụ; Tổng đội TNXP 9, xã Tam Thái; Tổng đội TNXP 10, xã Na Ngoi.
Đây đều là những địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh của tỉnh, nơi sinh sống của đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, lực lượng TNXP đã từng bước tạo nên diện mạo mới cho vùng đất nơi mình đứng chân.


Để thích ứng với công cuộc đổi mới, lực lượng TNXP đã mạnh dạn sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ. Các Tổng đội được đầu tư thêm máy móc, thiết bị phục vụ chế biến sâu nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh các các kênh truyền thống, nhiều sản phẩm của các Tổng đội như tinh bột nghệ, chè Shan tuyết, mật ong nghệ... hiện đã được giới thiệu, rao bán trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada…
Việc kết nối tiêu thụ qua nền tảng số không chỉ mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng ở khắp mọi miền, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm vùng cao - nơi từng bị xem là “vùng lõm” về kinh tế và công nghệ.
.jpg)
Mặt khác, các cán bộ, đội viên các Tổng đội TNXP đã chủ động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cải tạo nhiều tuyến đường nội vùng nhằm phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản của hội viên và người dân.
Các lớp hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sản xuất theo quy trình VietGAP, nâng tầm nông sản địa phương cũng đã được các Tổng đội tích cực triển khai. Từ đó, đã và đang tạo ra cú hích quan trọng, giúp hội viên yên tâm bám đất, đầu tư phát triển kinh tế lâu dài.
.jpg)
Đến nay, các Tổng đội TNXP đã phát triển bền vững gần 760 ha chè; 18 ha nghệ, mang lại giá trị hơn 25 tỷ đồng. Tổng đàn gia súc đạt 2.959 con, gia cầm đạt 37.500 con. Diện tích giao khoán bảo vệ rừng của các Tổng đội đạt hơn 17.684 ha. Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng lực lượng TNXP Nghệ An đang từng bước nỗ lực để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Đồng thời, tích cực triển khai những cách làm mới, mô hình hay để bắt nhịp với sự chuyển mình của thời đại.
Ông Hoàng Văn Đông – Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP Nghệ An, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 5
Nguồn: https://baonghean.vn/ky-niem-75-nam-ngay-truyen-thong-luc-luong-thanh-nien-xung-phong-viet-nam-15-7-1950-15-7-2025-nhung-nguoi-xanh-hoa-dat-bien-cuong-10302322.html
Bình luận (0)