Những đôi tay chai sạn vá lành từng mắt lưới, giữ sinh kế cho ngư dân Nghệ An
Gắn bó lâu đời với các làng biển Nghệ An, nghề vá lưới không chỉ là nét truyền thống mà còn là một phần thiết yếu trong chuỗi dịch vụ hậu cần nghề cá. Giữa lúc sản lượng khai thác suy giảm, giá vật tư đầu vào tăng cao, nghề vá lưới càng cho thấy vai trò bền bỉ trong việc giữ sinh kế, giữ chân người dân với biển, đồng thời, tạo thêm giá trị cho ngành khai thác thủy sản ven bờ và xa bờ.
Báo Nghệ An•15/07/2025
Sau mỗi chuyến biển dài ngày, tàu cá cập bến mang theo những vàng lưới bị rách, sờn. Ngư dân khẩn trương tháo lưới để giao cho các tổ vá, chuẩn bị cho hành trình kế tiếp. Ảnh: T.P
Những người thợ vá lưới phần lớn là phụ nữ đang kiểm tra mức độ hư hỏng của vàng lưới. Công đoạn đánh giá ban đầu quyết định thời gian và chi phí sửa chữa. Ảnh: T.P
Dụng cụ vá lưới đơn giản, gồm kim nhựa, dao nhỏ, sợi cước, chì… nhưng đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm lâu năm để làm chủ từng công đoạn vá. Ảnh: T.P
Tỉ mỉ và kiên nhẫn là những đức tính làm nên “thương hiệu” của các thợ vá lưới. Ảnh: T.P
Đôi bàn tay chai sạn nối lại từng mắt lưới bị rách do va vào đá, rác biển hay những con cá lớn phá hỏng, góp phần bảo vệ tài sản của ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi xa. Ảnh: T.P
Vá một mắt lưới rách tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu không đúng kỹ thuật sẽ khiến cả chuyến biển thất thu. Mỗi nút cước là một điểm tựa cho ngư dân yên tâm vươn khơi. Ảnh: T.P
Ở các địa phương như Quỳnh Phú, Tân Mai… hàng chục tổ vá lưới hoạt động theo hình thức tự quản hoặc nhận đơn hàng từ chủ tàu cá. Mỗi tổ có từ 5-20 người, chủ yếu là lao động nữ. Ảnh: T.P
Nghề vá lưới gắn bó với bao thế hệ làng chài nơi đây, vừa tạo thu nhập, vừa góp phần giữ nhịp sinh kế vùng biển. Ảnh: T.P
Không phân biệt tuổi tác, nghề vá lưới quy tụ người trẻ lẫn người già. Mỗi ngày, một người thợ có thu nhập đều đặn từ 200.000 - 250.000 đồng. "Tôi làm nghề vá lưới đã hơn 20 năm, nhận vá lưới cho nhiều chủ tàu cá. Tùy theo yêu cầu, tôi có thể làm ngay tại cảng, trong xưởng hay tại nhà. Nghề này có nhiều công đoạn, như cắt lưới hỏng, thay chì, thao lưới, tăng dây… Nghề này không nặng nhọc, nhưng phải ngồi nhiều nên hay đau lưng, mỏi gối. Mỗi ngày làm khoảng 8 tiếng, thu nhập từ 200.000 - 250.000 đồng". Ảnh: T.P
Vàng lưới sau khi vá được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng trước khi đưa trở lại tàu cá. Có vàng dài tới 200m, rộng hơn 2.000m², phải cần cả tuần để xử lý xong. Ảnh: T.P
Lưới đã hoàn tất sửa chữa được đưa trở lại tàu cá. Đây là mắt xích cuối cùng trong dịch vụ hậu cần nghề cá, giúp tiết kiệm chi phí, kéo dài tuổi thọ ngư cụ. Chủ tàu cá NA90969TS, ông Lê Hồng Nam cho biết: “Tàu của tôi là tàu sắt công suất lớn, chuyên đánh bắt xa bờ dài ngày tại vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Sau mỗi chuyến biển, việc kiểm tra, sửa chữa và bổ sung lưới là công đoạn bắt buộc để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Nhờ có các tổ thợ vá lưới mà chúng tôi luôn yên tâm về chất lượng ngư cụ. Các chị làm việc rất chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu, thao lưới nhanh chóng, chính xác, giúp tàu không bị gián đoạn hành trình”. Ảnh: T.P
Bình luận (0)