Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ký ức đẹp về bàn thắng của HLV Mai Đức Chung sau ngày đất nước thống nhất

(Dân trí) - Cựu HLV đội Tổng Cục Đường Sắt và đội tuyển Việt Nam, ông Trần Duy Long trải lòng với phóng viên Dân trí về ký ức trận đấu bóng đá lịch sử năm 1976, sau ngày đất nước thống nhất.

Báo Dân tríBáo Dân trí29/04/2025

Ngày 7/11/1976, trận cầu lịch sử giữa hai miền sau ngày non sông liền một dải diễn ra giữa đội Tổng Cục Đường Sắt và Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất. Tiền đạo Mai Đức Chung là người ghi bàn mở tỷ số ở phút 28 trong trận đấu ấy. Sau đó, đến phút 54, tiền vệ Lê Thụy Hải ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0 cho đội Tổng Cục Đường Sắt.

HLV của đội Tổng Cục Đường Sắt khi đó là ông Trần Duy Long. Sang đến năm 1977, đội tuyển Việt Nam được thành lập, ông Trần Duy Long trở thành HLV trưởng đầu tiên của đội tuyển Việt Nam sau ngày đất nước Thống Nhất. Ông Trần Duy Long giữ vị trí này cho đến những năm đầu thập niên 1990.

Ký ức đẹp về bàn thắng của HLV Mai Đức Chung sau ngày đất nước thống nhất - 1

HLV Trần Duy Long (bìa trái) và cầu thủ Mai Đức Chung (hàng đứng, thứ 6 từ trái sang), trước trận cầu lịch sử trên sân Thống Nhất năm 1976 (Ảnh: NVCC).

Rời khỏi vị trí HLV đội tuyển quốc gia, ông Trần Duy Long sau đó có thời gian giữ vị trí Phó Chủ tịch (PCT), rồi Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TPHCM (HFF). Mãi đến năm 2014, ở tuổi 74, ông mới chính thức "ở ẩn".

Hiện nay, dù đã 85 tuổi (sinh năm 1940), nhưng Long vẫn còn nặng lòng với bóng đá nước nhà, vẫn nhớ như in kỷ niệm về trận cầu lịch sử trên sân Thống Nhất năm nào. Ông Trần Duy Long trò chuyện với phóng viên Dân trí về trận cầu này, về khoảng thời gian nắm đội tuyển Việt Nam và về người học trò kiệt xuất Mai Đức Chung.

Ký ức không thể phai mờ

Gần 50 năm sau trận cầu lịch sử trên sân Thống Nhất giữa hai đội bóng thuộc hai miền của đất nước, cảm giác của ông về trận cầu đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất như thế nào?

- Đôi lúc, khi hồi tưởng lại, tôi ngỡ trận đấu ấy như thể mới ngày hôm qua. Năm đó, tôi cùng đội Tổng Cục Đường Sắt vừa đi tập huấn tại Trung Quốc trở về thì nhận được chỉ thị của cấp trên, chúng tôi sẽ di chuyển vào TPHCM đá trận đấu đầu tiên giữa hai đội bóng giữa hai miền.

Nghe tin đó, cảm xúc của tôi khó tả lắm. Tôi biết chúng tôi là đội may mắn được lựa chọn trong số vài đội bóng ở miền Bắc khi đó, nên đi kèm với vinh dự là trách nhiệm.

Tôi cũng hình dung khi vào đến miền Nam rồi, chúng tôi không chỉ đấu một trận, mà sẽ đá nhiều trận, phục vụ bà con ở các địa phương khác nhau. Thế nên, một trong những việc mà tôi nói với các cầu thủ của mình phải chuẩn bị kỹ, đó là thể lực và tác phong. 

Rồi ngày vào đến miền Nam, vào đến TPHCM, ngày trận đấu diễn ra, ông cảm nhận được gì?

- Khi đó, chúng tôi được tạo điều kiện di chuyển bằng máy bay. Vào đến nơi, toàn đội được bố trí ở khách sạn thuộc khu ngoại giao tại TPHCM. Anh em cầu thủ vì thế càng ý thức được vinh dự và trách nhiệm của từng người càng lớn.

Ký ức đẹp về bàn thắng của HLV Mai Đức Chung sau ngày đất nước thống nhất - 2

Ông Trần Duy Long khi còn là cầu thủ, hồi những năm 1960 - 1970 (Ảnh: NVCC).

Ngày bóng lăn trên sân Thống Nhất vào tháng 11/1976, tôi không biết cụ thể có bao nhiêu người dự khán trận đấu, nhưng khán giả đông, đông lắm (theo một số tài liệu, số khán giả có mặt trong trận đấu ngày hôm đó lên đến 30.000 - 40.000 người). Khán giả ngồi chật kín các khán đài, họ còn ngồi tràn xuống cả khu vực đường chạy xung quanh mặt sân.

Trước tình cảm của người hâm mộ miền Nam, tôi dặn với các cầu thủ rằng "Các em vào đây đá bóng phục vụ khán giả, các em phải thể hiện chuyên môn tốt nhất, không một ai được phép có thái độ cay cú ăn thua, không đá thô bạo. Cầu thủ nào thô bạo, tranh cãi gay gắt ở trên sân, anh thay ra ngay, để người khác bình tĩnh hơn vào đá".

Với chúng tôi ngày đó, việc được gặp anh em đồng nghiệp ở hai miền mới là quý nhất, chứ không phải chuyện thắng thua ở một hay một vài trận đấu. Tôi cũng chưa bao giờ cho rằng chúng tôi thắng đội Cảng Sài Gòn trong trận cầu lịch sử sân Thống Nhất năm 1976 vì chúng tôi mạnh hơn họ.

Chúng tôi thắng vì chúng tôi có thể lực tốt hơn, chúng tôi may mắn tập luyện và thi đấu cọ xát thường xuyên hơn so với anh em cầu thủ miền Nam ở cùng thời điểm.

Người học trò xuất sắc, người bạn tâm giao Mai Đức Chung

Có tài liệu ghi rằng, sau khi tiền đạo Mai Đức Chung ghi bàn mở tỷ số cho đội Tổng Cục Đường Sắt trong trận đấu với Cảng Sài Gòn, khán giả trên sân Thống Nhất đã đứng dậy vỗ tay đến hơn 5 phút, thông tin này liệu có chính xác, thưa ông?

- Đúng là như thế, điều này khiến đội khách là chúng tôi hết sức bất ngờ. Ngay sau khi Mai Đức Chung đánh đầu ghi bàn, khán giả trên sân Thống Nhất đồng loạt đứng dậy vỗ tay rất lâu. Thời điểm đó tôi không rõ những tràng pháo tay và những tiếng hò reo trên các khán đài kéo dài bao lâu, chỉ biết là lâu lắm, kéo dài lắm. Sau này, có người nói với tôi rằng khán giả vỗ tay hơn 5 phút.

Tình cảm của khán giả không chỉ xuất hiện ở trận đấu với đội Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất, mà sau trận đấu đó, chúng tôi đi thi dọc các tỉnh miền Nam. Ở Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp (mỗi trận, Tổng Cục Đường Sắt thắng 2-0), Cần Thơ (đội Tổng Cục Đường Sắt thắng 3-1), khán giả đều dành những tình cảm nồng hậu cho chúng tôi.

Ở các địa phương nói trên, khán giả ngồi sát vạch vôi ở xung quanh chu vi sân. Ngay phía sau lớp khán giả đấy là những chiếc xe buýt, với lớp lớp người hâm mộ ngồi trên mui xe xem chúng tôi thi đấu. Phía sau nữa mới là các khán đài.

Chưa hết đâu, các địa phương, anh em cầu thủ, rồi người hâm mộ sau trận đấu vây quanh những Mai Đức Chung, Hoàng Gia, Lê Thụy Hải, Lê Khắc Chính hỏi chúng tôi thích ăn gì, thế là bữa cơm nào họ cũng đãi chúng tôi canh chua cá lóc hay cá trê kho tộ, những món đặc sản của người dân miền Nam.

Không lâu sau những trận cầu lịch sử nói trên, ông trở thành HLV của đội tuyển Việt Nam. Là HLV đầu tiên của đội tuyển quốc gia sau ngày đất nước thống nhất, việc cầm quân khi đó có những khó khăn gì?

- Mọi việc khó khăn nhiều chứ. Thứ nhất, ngày đó tôi không có nhiều thông tin về tất cả các cầu thủ ở khắp đất nước. Việc đi lại xem các trận đấu ở trong nước cũng không dễ như bây giờ, do giao thông chưa thuận tiện.

Tôi làm HLV đội tuyển quốc gia được 3 năm thì giải vô địch quốc gia đầu tiên, sau ngày đất nước thống nhất (ngày đó gọi là giải bóng đá A1 toàn quốc) mới ra đời, nên việc tuyển chọn cầu thủ cho đội tuyển quốc gia càng không dễ dàng.

Ký ức đẹp về bàn thắng của HLV Mai Đức Chung sau ngày đất nước thống nhất - 3

HLV Trần Duy Long dẫn dắt đội tuyển Việt Nam hồi những năm 1990 (Ảnh: NVCC).

Hơn nữa, ngày đó, đội tuyển Việt Nam rất ít có các trận đấu quốc tế, nên có thể nói đội tuyển của chúng ta khi đó không mạnh.

Trong suốt thời gian cầm quân ở đội Tổng Cục Đường Sắt và đội tuyển Việt Nam, đâu là những kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông?

- Trận đấu đánh dấu sự thống nhất đất nước với đội Cảng Sài Gòn năm nào dĩ nhiên là một trong những kỷ niệm cực kỳ đáng nhớ. Kỷ niệm khác là lần đội tuyển Việt Nam gây bất ngờ cho đội tuyển Trung Quốc tại vòng loại World Cup 1998. Trận đấu này diễn ra ở sân Thống Nhất vào năm 1997.

Trận này đội tuyển Trung Quốc thắng 3-1, nhưng việc đội tuyển Việt Nam chọc thủng lưới họ khi đó gây chấn động cả châu Á.

Ở thời điểm đó, tiền đạo Lê Huỳnh Đức là người đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, ghi bàn vào lưới đội tuyển Trung Quốc ở một giải chính thức. Cũng ở thời điểm đó, họ rất mạnh (Trung Quốc vào chung kết Asiad năm 1994, giành Huy chương đồng Asiad 1998).

Dù vậy, sản phẩm của tôi khiến tôi ưng ý nhất, đó là Mai Đức Chung. Cậu ấy làm việc chung với tôi hơn 10 năm, từ năm 1973 cho đến năm 1984, từ đội Tổng Cục Đường Sắt, cho đến đội tuyển quốc gia. Giữa tôi và Mai Đức Chung không chỉ là tình thầy trò, mà còn là tình bạn.

Ký ức đẹp về bàn thắng của HLV Mai Đức Chung sau ngày đất nước thống nhất - 4
Ký ức đẹp về bàn thắng của HLV Mai Đức Chung sau ngày đất nước thống nhất - 5

Sau này, nhìn Mai Đức Chung thành công, giúp bóng đá Việt Nam vươn ra thế giới, tôi tự hào lắm. Trong giới thể thao Việt Nam nói chung, chỉ có hai người từng vinh dự nhận được danh hiệu Anh hùng Lao Động trong thời kỳ đổi mới suốt 50 năm qua. Người đầu tiên là ông Hoàng Vĩnh Giang (cố Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội) và người còn lại là ông Mai Đức Chung.

Lời khen cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam

50 năm qua, chứng kiến nhiều thăng trầm của bóng đá nước nhà, ông đánh giá bóng đá Việt Nam, đội tuyển Việt Nam giữa ngày đó với bây giờ khác nhau như thế nào?

- Càng về sau này bóng đá Việt Nam càng phát triển tốt hơn, song hành với sự phát triển về kinh tế của đất nước. Cầu thủ Việt Nam hiện nay được đào tạo bài bản hơn, có kỹ thuật tốt hơn, tầm vóc tốt hơn, đời sống kinh tế tốt hơn cầu thủ ngày trước.

Theo quan điểm của tôi, dù có thăng trầm, nhưng nhìn xuyên suốt, chiến lược phát triển của bóng đá Việt Nam những năm sau này rất hợp lý, chúng ta đang đi đúng hướng. Về công tác đào tạo trẻ, chúng ta nằm trong nhóm tốt nhất Đông Nam Á.

Hiện nay, việc các đội tuyển trẻ của Việt Nam có vé dự giải châu Á ở các lứa tuổi khác nhau đã là chuyện thường xuyên xảy ra. Ngày đó, như tôi đã nói, việc đội tuyển Việt Nam ghi bàn vào lưới đội tuyển Trung Quốc đã có thể gọi là thành tích lịch sử. Giờ đây, đội tuyển Việt Nam thắng luôn đội tuyển Trung Quốc (vòng loại World Cup 2022).

Ký ức đẹp về bàn thắng của HLV Mai Đức Chung sau ngày đất nước thống nhất - 6

Bóng đá Việt Nam phát triển ổn định nhờ khâu đào tạo trẻ tốt (Ảnh: Hướng Dương).

Việc chúng ta ghi bàn vào lưới các đội hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran, Iraq cũng là việc thường xuyên xảy ra. Đó là bước tiến rất lớn mà những ai theo dõi bóng đá Việt Nam đừng nên phủ nhận.

Điều đó có nghĩa là bóng đá Việt Nam đang phát triển đúng hướng và sẽ còn đạt được những kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới?

- Về vấn đề này, tôi có lời khen với các anh ở VFF nhiệm kỳ hiện nay và một số nhiệm kỳ liền kề trước đó. Chúng ta chưa có vé dự vòng chung kết (VCK) World Cup bóng đá nam, nhưng chúng ta đã có vé dự World Cup bóng đá nữ, World Cup bóng đá trẻ. Bóng đá cũng là môn thể thao được xã hội hóa tốt nhất, chứng tỏ chúng ta có chiến lược tốt.

Vài chục năm trước, chúng ta xem bóng đá trong nước còn canh cánh lo chuyện tiêu cực. Hiện tại, chúng ta đâu còn lo việc này nữa đâu. Đời sống cầu thủ tốt lên, đâu còn ai dại gì đến tiêu cực để tiêu tan sự nghiệp.

Dĩ nhiên, để bóng đá Việt Nam tốt hơn nữa, cần thêm thời gian và cần thêm sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác, như việc thể thao nói chung, bóng đá nói riêng xuất hiện ở học đường, rồi chuyện nâng cao tầm vóc của vận động viên (VĐV).

Những việc này càng là việc cần đến thời gian và cần đến nguồn lực chung của toàn xã hội. Tôi tin rằng với sự phát triển chung của đất nước, chúng ta rồi cũng sẽ làm được những việc ấy.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi và chúc ông luôn dồi dào sức khỏe!

Ông Trần Duy Long khởi đầu sự nghiệp cầu thủ năm 1957, trong màu áo đội Thanh Niên Hồng Quảng (tiền thân của CLB Than Quảng Ninh). Ông Long khoác áo đội bóng này trong hai năm. Sau đó, từ năm 1959 - 1968, ông Trần Duy Long thi đấu cho đội Trường huấn luyện TDTT Trung ương.

Ký ức đẹp về bàn thắng của HLV Mai Đức Chung sau ngày đất nước thống nhất - 7

Ông Trần Duy Long được AFC trao tặng danh hiệu Ngôi sao vàng, dành cho những cầu thủ có đóng góp lớn trong lịch sử bóng đá châu Á.

Từ năm 1968 đến 1973, ông Long được cử sang học Đại học TDTT Kiev (Ukraine ngày nay, thời điểm đó thuộc Liên Xô), chuyên khoa bóng đá. Sau khi ra trường, ông Long về nước trở thành HLV kiêm cầu thủ của đội Tổng Cục Đường Sắt. Ông gắn bó với đội bóng này từ năm 1973 đến 1984. Từ năm 1976, ông Trần Duy Long chuyển hẳn sang công tác huấn luyện.

Sau khi rời ghế HLV đội tuyển Việt Nam năm 1997, ông Trần Duy Long được Sở TDTT TPHCM biệt phái sang Liên đoàn bóng đá TPHCM (HFF). Ông lần lượt giữ các vị trí Ủy viên Ban chấp hành (BCH) HFF, Phó chủ tịch, quyền Chủ tịch. Từ năm 2011 đến 2014, ông Trần Duy Long là Chủ tịch HFF.

Ông Trần Duy Long từng được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) trao tặng danh hiệu ngôi sao vàng năm 2009, dành cho những cầu thủ có đóng góp nổi bật cho sự phát triển của bóng đá châu Á. Cựu quyền Chủ tịch VFF (nhiệm kỳ 4, từ năm 2001 đến 2005) Trần Duy Ly chính là em trai của ông Trần Duy Long.

Nguồn: https://dantri.com.vn/the-thao/ky-uc-dep-ve-ban-thang-cua-hlv-mai-duc-chung-sau-ngay-dat-nuoc-thong-nhat-20250428022415325.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm