Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian

(Dân trí) - Hành trình chuyển mình của ngành hoa Việt bắt đầu từ những bước đi âm thầm trong phòng thí nghiệm, lan tỏa đến ruộng đồng, thung lũng, cao nguyên - và giờ đây, bay vào vũ trụ.

Báo Dân tríBáo Dân trí29/04/2025

Nửa thế kỷ trước, đất nước bước ra từ chiến tranh với một nền nông nghiệp còn nghèo nàn, tự cung tự cấp. Hoa - trong tâm thức người Việt - khi ấy đơn thuần là những nhành đào, cành quất, cúc vàng dịp Tết, được trồng nhỏ lẻ để "cho có không khí".

Hoa khi ấy chỉ đơn giản là một biểu trưng tinh thần, gần như không ai nghĩ đến chuyện sản xuất hoa như một ngành hàng có thể làm giàu. Lại càng không ai nghĩ đến hoa như một sản phẩm xuất khẩu.

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian (Video: Khánh Vi).

Thế nhưng hôm nay, câu chuyện ấy đã khác.

Từ vài nghìn hecta phân mảnh với những giống hoa truyền thống, Việt Nam đã hình thành hàng chục nghìn hecta vùng chuyên canh hoa, có nơi thu nhập gấp 5-7 lần trồng lúa.

Người làm nông Việt làm chủ quy trình khép kín từ phòng thí nghiệm đến sản xuất thành phẩm nhiều giống hoa "quý tộc" nhập ngoại. Ở nhiều vùng trồng hoa, việc người nông dân đổi đời, có nhà lầu, xe hơi đã trở nên phổ biến.

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 1

Khoa học chính là xung lực của cuộc chuyển mình ấy.

Cuộc trò chuyện với PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau - Quả - là lát cắt chân thực về một ngành từng bị bỏ quên ở thời "cơm độn hạt bo bo", nay đang trở thành một trong những mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam.

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 3

Bức tranh ngành hoa Việt Nam trước đây như thế nào thưa ông?

- Người Việt mình vốn rất yêu hoa. Điều đó thể hiện rõ ngay từ thời kỳ gian khó nhất - khi còn chiến tranh, khi bữa cơm còn độn sắn, độn khoai - nhưng mỗi dịp Tết, người dân vẫn giữ nếp mua một cành đào, cành mai, lọ cúc về chưng trong nhà.

Trên bàn thờ tổ tiên, trong mâm lễ ngày xuân, khắp chợ cùng quê… đâu đâu cũng có hoa. Hoa không chỉ là món trang trí, mà là phần hồn của văn hóa Việt.

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 5

Tuy nhiên, nếu nói về ngành hoa - xét trên bình diện sản xuất nông nghiệp và kinh tế - thì trước đây chúng ta thực sự rất nghèo. Nghèo từ giống, nghèo về kỹ thuật, nghèo cả về tư duy sản xuất.

Khoảng năm 1995, diện tích trồng hoa của cả nước mới chỉ khoảng 4.500ha - bao gồm mọi loại hoa, và chủ yếu là vài giống truyền thống như đào, quất, thược dược, cúc, vạn thọ, mai… Sản xuất còn manh mún, thiếu quy hoạch, chưa hình thành chuỗi giá trị từ giống - vùng trồng - kỹ thuật - tiêu thụ.

Đặc biệt, khâu sau thu hoạch như bảo quản, đóng gói gần như bị bỏ ngỏ vì sản phẩm chỉ bán quanh làng, chưa có nhu cầu đưa đi xa, càng chưa nghĩ đến chuyện xuất khẩu.

Vì vậy, dù người Việt yêu hoa, nhưng ngành hoa Việt lại rất yếu.

Với xuất phát điểm khiêm tốn như vậy, khi chúng tôi - những người làm nghiên cứu - bắt đầu dấn thân vào ngành hoa, gần như mọi thứ đều từ con số "0".

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 7

Nhưng cũng chính vì vậy, mà mỗi bước đi của chúng tôi - từ khảo sát, chọn tạo giống, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình đến kết nối doanh nghiệp - đều được đặt trên một nền tảng rõ ràng, bài bản.

Và chính sự bền bỉ ấy, sau nhiều năm, đã góp phần làm nên cuộc chuyển mình đáng kể cho ngành hoa Việt. Từ "nghèo" về mọi mặt, nay đang dần khẳng định vị thế là một ngành kinh tế có giá trị cao và tiềm năng lớn.

Từ một xuất phát điểm rất nghèo đó, ngành hoa Việt đã chuyển mình như thế nào?

- Thay đổi bắt đầu từ hai chữ then chốt: khoa học.

Từ chỗ gần như không có gì - không giống, không kỹ thuật, không quy trình - chúng tôi bắt đầu từng bước nhỏ, nhưng làm thật, làm đến nơi đến chốn.

Cá nhân tôi đến với ngành này cũng rất tình cờ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi trở về quê và nhìn thấy một vùng quê quá nhiều nhọc nhằn: đất thì nghèo, người thì nhàn rỗi mà vẫn đói. Tôi quyết định thi vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam với một ước mơ duy nhất: học để về giúp quê hương.

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 9

Lúc ấy, ngành hoa gần như không ai làm. Không giáo trình, không thầy hướng dẫn chuyên ngành. Tôi chọn nghiên cứu hoa vì nghĩ rằng: người Việt vốn có truyền thống yêu hoa, yêu cái đẹp, khi kinh tế của đất nước phát triển hơn, thì nhu cầu về hoa cũng sẽ gia tăng.

Những năm đầu thập niên 2000, Viện Nghiên cứu Rau - Quả bắt đầu tiếp cận các công nghệ mới như: lai tạo giống, gây đột biến, nuôi cấy mô, và sau đó là ứng dụng công nghệ sinh học để cải tiến giống hoa.

Song song với đó là việc xây dựng vùng trồng chuyên canh, thay đổi nhận thức của người dân từ trồng hoa chơi Tết sang sản xuất hoa hàng hóa. Chúng tôi đi khắp các làng hoa như Nhật Tân, Ngọc Hà, Tây Tựu… về Đà Lạt, vào miền Tây để khảo sát, học hỏi rồi chuyển giao kỹ thuật mới: từ nhà màng, tưới nhỏ giọt, đến quy trình chăm sóc, xử lý sau thu hoạch.

Một bước tiến lớn là khi chúng tôi đưa thành công hoa ôn đới về miền Bắc. Trước kia, không ai nghĩ hoa lily, hoa tulip, hay hoa đồng tiền chất lượng cao có thể trồng được ở đây. Nhưng chúng tôi đã học công nghệ ở Hà Lan, Pháp, rồi mang về cải tiến theo điều kiện Việt Nam. Đến nay, hoa lily sản xuất ở miền Bắc không hề thua kém hoa nhập, thậm chí đã đi đến thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngành hoa cũng bắt đầu ứng dụng chuyển đổi số: từ quản lý giống, theo dõi sinh trưởng cây trồng, cho đến phần mềm giám sát sâu bệnh, dinh dưỡng. Những công nghệ tưởng chừng chỉ có ở các nước phát triển, giờ đã có mặt trong từng trang trại hoa ở Văn Giang (Hưng Yên), Mê Linh (Hà Nội), Sa Đéc (Đồng Tháp), Đà Lạt...

Nói đơn giản: trước đây chúng ta trồng hoa bằng kinh nghiệm; giờ đây, người nông dân điều khiển quy trình canh tác bằng điện thoại, bằng AI, bằng IoT, và họ có thể lãi cả tỷ đồng chỉ trên diện tích vài sào đất. Đó là bước chuyển mình rất căn bản - từ tư duy, đến công cụ sản xuất.

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 11
Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 13

Ngành hoa hiện nay đang mang lại hiệu quả kinh tế như thế nào cho người trồng, thưa ông?

- Có thể khẳng định rằng, trong các lĩnh vực của nông nghiệp, hoa là một trong những ngành hàng có giá trị kinh tế cao nhất trên cùng một đơn vị diện tích. Chỉ cần vài sào đất, nếu đầu tư bài bản và áp dụng kỹ thuật tốt, người nông dân hoàn toàn có thể đổi đời - và thực tế, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện như thế.

Ví dụ, ở Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) - một vùng đất từng chuyên trồng rau và ngô - chỉ trong vòng 10-15 năm, đã chuyển mình thành làng hoa triệu phú. Một hộ gia đình trồng 1.000m² lan hồ điệp, mỗi năm có thể thu hoạch khoảng 30.000 cây, với giá bán trung bình 100.000-120.000 đồng/cây, doanh thu đạt 3-3,5 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/vụ. Có những nhà trồng 2-3 sào, thu lãi ròng hơn 2 tỷ đồng/năm.

Tại Bình Khê (Đông Triều, Quảng Ninh), người dân trồng mai Yên Tử - một giống mai bản địa quý hiếm mà viện giúp nghiên cứu và nhân giống - cũng đang thu về hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi vụ. Nhiều hộ gia đình sở hữu những gốc mai trị giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/cây, thậm chí có người trở thành "đại gia mai" với vườn mai trị giá lên tới 20-30 tỷ đồng.

Ở Quảng Chính (Quảng Xương, Thanh Hóa), sau khi chuyển đổi từ đất trồng lúa nghèo sang trồng đào cảnh, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật mà chúng tôi chuyển giao, hiệu quả kinh tế đã tăng gấp 5-6 lần so với cây lúa. Một cây đào 2 năm tuổi, bán được 2-3 triệu đồng vào dịp Tết, trong khi chỉ chiếm diện tích 4 -5m².

Ở các vùng như Tây Tựu, Mê Linh (Hà Nội) hay Sa Đéc, nhiều hộ đã gắn bó với hoa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ không chỉ sản xuất để bán, mà còn kết hợp làm du lịch nông nghiệp, mở homestay, cho thuê không gian check-in, tổ chức sự kiện… nâng hiệu quả lên gấp 2-3 lần trồng hoa thuần túy.

Tại Đồng bằng sông Hồng, chúng tôi hỗ trợ mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn sen và lay ơn gắn với du lịch tại Hưng Hà (Thái Bình).

Mùa hè, ruộng trũng trồng sen, thu hoạch hoa sen, hạt sen, ngó sen, lá sen... Đến mùa thu, bơm/tháo nước, đất trồng sen chuyển sang trồng lay ơn, thu hoa vào dịp Tết Nguyên đán. Cả hai mùa đều làm du lịch, đều có hoa đẹp cho du khách trải nghiệm. Mỗi hecta có thể cho thu nhập từ 600 triệu đồng và thậm chí lên tới 1,1 tỷ đồng/năm, trong khi chi phí đầu tư không tăng nhiều.

Tại Hoa Lư (Ninh Bình) - đặc biệt ở vùng ven Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, mô hình trồng sen kết hợp du lịch đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân.

Mỗi mùa sen từ tháng 5 đến tháng 7, những đầm sen trải dài dưới chân núi đá vôi tạo nên khung cảnh thơ mộng hiếm có. Người dân địa phương tận dụng lợi thế này để phát triển dịch vụ chèo thuyền ngắm sen, chụp ảnh, thưởng thức trà sen, bán các sản phẩm từ sen như ngó, hạt, trà ướp sen… Nhiều hộ gia đình còn thiết kế lều gỗ, cầu tre, trang trí thêm tiểu cảnh để phục vụ du khách chụp ảnh và nghỉ dưỡng.

Theo thống kê sơ bộ, mỗi vụ sen có thể đem lại doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha, trong đó khoảng 40-50% đến từ các dịch vụ du lịch đi kèm. Đây là minh chứng sống động cho việc: một cây trồng truyền thống nếu được đầu tư đúng hướng - có thể "nở hoa" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 15

Từ những làng quê nghèo chỉ có nhà cấp 4, giờ đây đã có những hộ dân sở hữu biệt thự, xe hơi, cho con học đại học - thậm chí đi du học - bắt đầu chỉ từ những ruộng hoa. Đó không còn là giấc mơ.

Ngành hoa, vì thế, không chỉ là cái đẹp. Nó đã trở thành sinh kế vững chắc, nguồn tài sản lớn và khát vọng làm giàu chân chính của hàng vạn nông dân Việt Nam.

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 17

Với sự phát triển mạnh mẽ như vậy, liệu Việt Nam có tiềm năng trở thành một cái tên lớn trên bản đồ xuất khẩu hoa trong khu vực và trên thế giới, cạnh tranh với Thái Lan hay thậm chí là Hà Lan?

- Không chỉ dừng lại ở tiềm năng. Tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên thành trung tâm xuất khẩu hoa hàng đầu khu vực Đông Nam Á nếu chúng ta tháo gỡ được một vài nút thắt quan trọng.

Một minh chứng rõ ràng cho tiềm năng xuất khẩu chính là hoa lan hồ điệp - loại hoa từng được coi là "đặc sản nhập khẩu" mỗi dịp Tết. Theo Hiệp hội Hoa lan Đài Loan (Trung Quốc), trước những năm 2020 Việt Nam đứng thứ ba thế giới về lượng nhập khẩu lan hồ điệp, chỉ sau Mỹ và Nhật.

Cách đây chưa đầy 10 năm, phần lớn lan hồ điệp tiêu thụ ở Việt Nam đều phải nhập khẩu, giá thành cao, chi phí vận chuyển lớn, chưa kể rủi ro về thời gian. Nhưng hiện nay, viện chúng tôi cùng một số doanh nghiệp trong nước đã làm chủ được các công nghệ từ tạo giống, nhân giống, đến thâm canh, chăm sóc, xử lý ra hoa, đóng gói, vận chuyển.

Điều đáng tự hào là chất lượng những cành/cây hoa lan hồ điệp được sản xuất ở Việt Nam, đẹp hơn, bền hơn lan hồ điệp nhập ngoại. Hiện nay chúng tôi cùng một số nhà vườn đang xúc tiến làm các thủ tục xuất khẩu hồ điệp vào thị trường Mỹ.

Năm 2022, một cột mốc quan trọng đã được thiết lập: lần đầu tiên, hoa lily cắt cành do doanh nghiệp Việt phối hợp với viện được xuất khẩu thử nghiệm sang Nhật Bản với 5.000 cành. Phía bạn đánh giá cao: Hoa lily Việt có chất lượng tương đương với hàng Hà Lan, thời gian bảo quản tốt, giá cả cạnh tranh hơn.

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 19

Đà Lạt, thủ phủ hoa của Việt Nam, cũng đang khẳng định vị thế trong khu vực. Với hơn 3.000ha trồng hoa công nghệ cao, áp dụng quy trình khắt khe theo chuẩn châu Âu, nơi đây đã xuất khẩu thành công hoa cắt cành, giống hoa sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

Bên cạnh đó, các vùng hoa như Sa Đéc, Văn Giang, Hà Nội, Quảng Ninh cũng đã bắt đầu thâm nhập các thị trường lân cận như Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, mở ra nhiều triển vọng mới.

Những nút thắt quan trọng mà ông nói đến để Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu hoa của khu vực là gì?

- Nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng - từ 4.500ha năm 1995 lên khoảng 50.000ha hiện nay, hay doanh thu tăng gấp 40 lần sau chưa đầy 30 năm - thì đó là bước tiến đáng ghi nhận. Nhưng sản xuất thôi là chưa đủ. Để hoa Việt thực sự có thương hiệu quốc tế, cần đồng bộ nhiều yếu tố:

- Quy hoạch vùng trồng chuyên nghiệp, có truy xuất nguồn gốc minh bạch.

- Bộ giống hoa đạt chuẩn quốc tế: sạch bệnh, có bản quyền, chất lượng ổn định.

- Chuỗi liên kết khép kín: từ sản xuất - sơ chế - kiểm dịch - logistics - bảo quản - đến thị trường.

- Doanh nghiệp đầu tàu đóng vai trò dẫn dắt, vì nông hộ nhỏ lẻ không thể tự xuất khẩu.

- Và quan trọng không kém: Sự vào cuộc của Nhà nước, thông qua cơ chế chính sách hỗ trợ, xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường.

Nếu làm được những điều đó, tôi tin không chỉ vượt Thái Lan, mà Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu hoa lớn của châu Á trong thập kỷ tới.

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 21
Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 23

Sự kiện 169 hạt sen Việt Nam được đưa vào vũ trụ trong chuyến bay cùng nữ phi hành gia gốc Việt Amanda Nguyễn đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Là người trực tiếp phụ trách quá trình chọn lọc giống, ông có thể chia sẻ ý nghĩa khoa học của hành trình đặc biệt này?

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 25

- Đây không phải là một hoạt động mang tính phô trương hay đơn thuần để gây chú ý truyền thông. Việc đưa hạt sen Việt vào không gian là một dự án nghiên cứu có định hướng khoa học rõ ràng, có chiến lược dài hạn và giá trị ứng dụng thực tiễn sâu sắc.

Sen - như bạn biết - là một loài cây vừa gắn liền với đời sống tinh thần, văn hóa người Việt, vừa có giá trị kinh tế cao và đa dụng: từ ẩm thực, dược liệu đến cảnh quan.

Nhưng trên hết, sen là một trong số ít các loài thực vật có khả năng "ngủ sinh học" cực kỳ đặc biệt. Tức là hạt sen có thể tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mà vẫn giữ được khả năng nảy mầm.

Chính nhờ đặc tính ấy, sen trở thành ứng viên lý tưởng cho các thí nghiệm trong điều kiện môi trường cực đoan như không gian - nơi có vi trọng lực, bức xạ cao và biến đổi nhiệt liên tục.

Khi nhận được hạt sen từ không gian vũ trụ đó trở về Trái Đất, chúng tôi sẽ quan sát quá trình nảy mầm, tăng trưởng, biến dị di truyền (nếu có), từ đó đánh giá ảnh hưởng của môi trường không gian tới vật liệu sinh học.

Biết đâu, chính từ sự thay đổi này, chúng tôi sẽ chọn lọc được một giống sen mới có sức sống vượt trội - nảy mầm nhanh hơn, kháng bệnh tốt hơn, hoa bền hơn hoặc có hương thơm đặc biệt hơn.

Đây không chỉ là nghiên cứu cho cây sen, mà còn một trong những hướng nghiên cứu hứa hẹn cho tương lai. Từ những mảnh ruộng lầy lội, giống sen bản địa có thể vươn tới không gian, mang theo khát vọng của người Việt trong hành trình chinh phục tri thức và mở rộng chân trời nông nghiệp.

Nửa thế kỷ sau chiến tranh và câu chuyện ngành hoa Việt chạm tới không gian - 27

Xin cảm ơn PGS. TS Đặng Văn Đông về cuộc trò chuyện!

Nội dung: Minh Nhật

Ảnh: Minh Nhật

Video: Khánh Vi

Thiết kế: Khương Hiền

Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/nua-the-ky-sau-chien-tranh-va-cau-chuyen-nganh-hoa-viet-cham-toi-khong-gian-20250427214508240.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm