Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lãi suất liên ngân hàng vọt lên 6,45%, doanh nghiệp...

Chỉ trong vòng một tuần, lãi suất vay qua đêm giữa các ngân hàng đã tăng phi mã từ 1,62% lên 6,45%/năm – mức cao nhất trong nhiều tháng qua. Động thái này khiến giới...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng03/07/2025

Chỉ trong vòng một tuần, lãi suất vay qua đêm giữa các ngân hàng đã tăng phi mã từ 1,62% lên 6,45%/năm – mức cao nhất trong nhiều tháng qua. Động thái này khiến giới doanh nghiệp lo ngại “cơn sóng” lãi vay mới sẽ sớm lan rộng, đẩy chi phí vốn lên cao và tạo thêm áp lực cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh sau khi chạm đáy 16 tháng

Sau thời gian dài lao dốc, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ đảo chiều, tăng vọt tại tất cả các kỳ hạn. Đây là cú xoay trục đáng chú ý, diễn ra chỉ một tuần sau khi mặt bằng lãi suất chạm mức thấp nhất trong vòng 16 tháng.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất vay qua đêm giữa các ngân hàng kỳ hạn ngắn nhất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng mạnh từ 1,66%/năm (phiên 23/6) lên tới 6,45%/năm vào ngày 30/6, tức tăng gần 5 điểm phần trăm chỉ trong 7 ngày.

Không chỉ riêng kỳ hạn qua đêm, lãi suất các kỳ hạn dài hơn cũng tăng đồng loạt: Kỳ hạn 1 tuần vọt từ 2,3% lên 6,53%/năm; Kỳ hạn 2 tuần tăng từ 3,87% lên 5,62%/năm; Kỳ hạn 1 tháng tăng từ 3,45% lên 5,18%/năm

Đà tăng mạnh mẽ này phản ánh rõ nét áp lực thanh khoản trong hệ thống ngân hàng – vốn đang trong trạng thái eo hẹp. Để hỗ trợ thị trường, NHNN đã nhanh chóng bơm ròng hơn 90.000 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) trong vòng một tuần qua, cho thấy phản ứng linh hoạt của nhà điều hành trước nhu cầu cấp bách về vốn ngắn hạn.

Trước đó, vào ngày 24/6, NHNN từng tái khởi động kênh phát hành tín phiếu nhằm hút bớt tiền về. Tuy nhiên, ngay sau đó, cơ quan này đã tạm dừng hoạt động này và chuyển sang tăng cường bơm vốn qua OMO động thái cho thấy ưu tiên ổn định thanh khoản đang được đặt lên hàng đầu.

Lãi suất liên ngân hàng là chỉ báo quan trọng về “sức khỏe” dòng tiền trong hệ thống ngân hàng. Đây là mức lãi suất mà các nhà băng sử dụng khi vay mượn lẫn nhau để bù đắp thiếu hụt dự trữ bắt buộc tại NHNN.

Khi lãi suất trên thị trường 2 (liên ngân hàng) tăng cao, điều đó đồng nghĩa với việc nguồn cung vốn ngắn hạn bị co lại, một tín hiệu thường đi kèm với khả năng điều chỉnh tăng lãi suất huy động và cho vay trên thị trường 1 (dân cư).

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số chuyên gia cho rằng việc lãi suất VND tăng mạnh trên thị trường liên ngân hàng cũng giúp thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD, từ đó làm giảm áp lực lên tỷ giá.

Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, tính đến tháng 6/2025, lãi suất hoán đổi (swap rate) giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức gần bằng 0% tại nhiều kỳ hạn. Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực lên tỷ giá chưa quá căng thẳng và NHNN vẫn đang kiểm soát tốt biến động trên thị trường ngoại hối.

Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng (VIRA) cho biết hiện có khoảng 143.222 tỷ đồng đang lưu hành qua kênh cầm cố OMO, bên cạnh đó là 22.500 tỷ đồng tín phiếu NHNN còn lưu thông trên thị trường. Những con số này cho thấy nhà điều hành vẫn đang chủ động cân đối lượng tiền bơm hút để điều tiết mặt bằng lãi suất một cách linh hoạt.

Từ đầu năm đến giữa tháng 6, NHNN từng theo đuổi mục tiêu hạ lãi suất liên ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm chi phí vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Tuy nhiên, bước sang cuối tháng 6, bối cảnh đã thay đổi đáng kể. Đà tăng của lãi suất trên thị trường 2 cho thấy chính sách tiền tệ đang bước vào giai đoạn chuyển động mới, có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mặt bằng lãi suất thị trường 1 trong thời gian tới.

Lãi suất liên ngân hàng vọt lên 645 doanh nghiệp thấp thỏm lo chi phí vốn tăng vọt
NaN

 Nguy cơ tăng và kỳ vọng được “ghìm giữ”

Đà tăng chóng mặt của lãi suất liên ngân hàng đang làm dấy lên mối lo ngại về một chu kỳ tăng lãi suất cho vay mới điều có thể giáng đòn trực tiếp lên hoạt động của doanh nghiệp đang khát vốn mở rộng sản xuất.

Ông Lê Ngọc Phương, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bao bì tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, đơn hàng từ các đối tác lớn đang phục hồi, buộc doanh nghiệp phải đẩy mạnh nhập nguyên vật liệu và đầu tư mở rộng nhà xưởng. Tuy nhiên, nguồn lực tự có không đủ, nên phần lớn kỳ vọng đều dồn vào vốn tín dụng từ ngân hàng.

“Chúng tôi theo dõi rất sát diễn biến lãi suất. Khi thấy lãi suất vay qua đêm giữa các ngân hàng tăng vọt, ai cũng lo ngại sắp tới mặt bằng cho vay sẽ bị kéo lên. Không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng, ngay cả các khoản vay hiện hữu cũng có thể đội chi phí lên đáng kể nếu lãi suất điều chỉnh theo biến động thị trường,” ông Phương chia sẻ.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều tổ chức tài chính và chuyên gia cho rằng áp lực tăng lãi vay hiện tại vẫn ở mức kiểm soát được.

Theo nhận định của các chuyên gia VnDirect, NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục kiên định với định hướng giữ lãi suất ở mức thấp, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Các chỉ số tài chính trong quý I/2025 cũng cho thấy khu vực doanh nghiệp đang thận trọng hơn trong việc vay vốn: chi phí lãi vay bình quân giảm còn 6,1% (giảm 0,5 điểm % so với quý trước), trong khi tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) cũng hạ còn 71,9%.

“Dù chính sách đang tạo dư địa cho vay, nhưng doanh nghiệp vẫn dè dặt. Nhu cầu tín dụng thực tế vẫn ở mức thấp do quá trình tái cơ cấu tài chính chưa hoàn tất và môi trường kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều biến động,” báo cáo của VnDirect nêu.

Thị trường hiện cũng chưa xuất hiện tín hiệu tăng lãi suất huy động một cách rõ rệt. Mức lãi suất tại các ngân hàng thương mại lớn vẫn giữ ở ngưỡng khá thấp:Tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng: 0,1 – 0,2%/năm; Kỳ hạn 1 – dưới 6 tháng: 3,2 – 4%/năm; Kỳ hạn 6 – 12 tháng: 4,5 – 5,5%/năm; Trên 24 tháng: 6,9 – 7,1%/năm

Lãi suất cho vay trung bình đối với các khoản vay mới và dư nợ hiện hữu vẫn dao động quanh mức 6,6 – 8,9%/năm chưa có dấu hiệu bị đẩy lên đáng kể.

Về chính sách vĩ mô, báo cáo mới nhất của UOB cho rằng lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt, ở mức 3,24% (so với mục tiêu 4,5% năm nay), qua đó củng cố khả năng duy trì hoặc thậm chí nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. UOB dự báo NHNN có thể giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%/năm đến cuối năm.

Nếu tình hình kinh tế có dấu hiệu suy yếu mạnh hoặc Fed bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất USD, lãi suất tái cấp vốn tại Việt Nam có thể giảm xuống 4%, thậm chí 3,5%/năm với điều kiện tỷ giá được giữ ổn định.

Tuy nhiên, áp lực đối với tỷ giá và rủi ro từ bên ngoài vẫn là những yếu tố cần được theo dõi sát sao. Sự suy yếu của VND trong thời gian gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn trong việc nới lỏng.

Tóm lại, dù mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đang “nóng lên”, nhưng khả năng lan rộng sang thị trường dân cư vẫn chưa đáng ngại trong ngắn hạn. Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ “mặt bằng thấp” cho lãi vay, ít nhất là cho đến khi áp lực lạm phát và tỷ giá có chuyển biến rõ rệt hơn.

Nguồn: https://baolamdong.vn/lai-suat-lien-ngan-hang-vot-len-6-45-doanh-nghiep-thap-thom-lo-chi-phi-von-tang-vot-380966.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm