Trước những khoảng trống kèm theo các hệ lụy mà việc sở hữu chéo và thao túng ngân hàng gây ra cho hệ thống tài chính. Luật các Tổ chức tín dụng 2024 ( Luật TCTD 2024) với những điểm mới nổi bật và sau hơn 01 năm áp dụng đã giúp từng bước siết chặt kiểm soát sở hữu chéo và mối quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với người có liên quan.
Siết cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp
Sở hữu chéo và thao túng ngân hàng từng được xem là căn bệnh trầm kha. Theo đó, thời gian qua thị trường tài chính đã chứng kiến những vụ việc ngân hàng - doanh nghiệp - nhóm cổ đông lớn đã sử dụng sở hữu chéo để tạo ra các nhóm lợi ích khép kín, gây ra hàng loạt hệ lụy như thao túng tín dụng, nợ xấu dây chuyền, thậm chí là phá sản hệ thống.
Luật TCTD 2024, được đánh giá là bước tiến quan trọng nhằm tăng cường kiểm soát hệ thống ngân hàng, đặc biệt là đối với tình trạng thao túng ngân hàng và sở hữu chéo. Luật TCTD 2024 ra đời kịp thời với những quy định siết chặt giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân và tổ chức tại các ngân hàng, yêu cầu minh bạch hóa người sở hữu cuối cùng, đồng thời trao thêm quyền cho Ngân hàng Nhà nước trong việc giám sát, kiểm tra, thậm chí buộc thoái vốn nếu phát hiện vi phạm.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định: “Các quy định mới về kiểm soát sở hữu chéo của Luật TCTD 2024 là bước tiến rất tích cực. Việc mở rộng khái niệm người có liên quan và yêu cầu công khai dòng tiền sở hữu sẽ giúp hạn chế đáng kể hiện tượng lách luật, sở hữu gián tiếp thông qua các pháp nhân trung gian.”
Cụ thể, việc giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần chặt chẽ hơn, theo đó, Luật TCTD 2024 đã giảm mạnh tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân và tổ chức tại một tổ chức tín dụng. Trong đó, cá nhân chỉ được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, những tăng cường siết kiểm tra sở hữu gián tiếp qua người có liên quan được tăng cường. Tổ chức chỉ được sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ, nếu như trước đây là 15%.
Đặc biệt, luật mới cấm việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại với nhau và hạn chế tối đa việc sở hữu cổ phần lẫn nhau giữa ngân hàng với doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn tài chính. Ví dụ như trường hợp của VietABank, trong đó Việt Phương Group và ông Phương Hữu Việt nắm giữ trực tiếp và gián tiếp trên 17% cổ phần VietABank thông qua các pháp nhân trung gian – một tỷ lệ vượt trần cho phép theo luật mới.
Sau khi Luật TCTD 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Viet Phương Group và các bên liên quan đã phải thoái bớt 17 triệu cổ phiếu tại VietABank để tuân thủ quy định trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, theo kết luận của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, tính hết năm 2023 thì có ít nhất 7 trường hợp vi phạm giới hạn sở hữu cổ phần tại các ngân hàng.
Luật TCTD 2024 cũng mở rộng khái niệm người có liên quan và kiểm soát sở hữu gián tiếp. Không chỉ giới hạn ở vợ, chồng, cha mẹ, con cái mà còn bao gồm các doanh nghiệp mà cá nhân/người thân sở hữu từ 5% trở lên. Các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính mà cá nhân/người thân có quyền kiểm soát. Các pháp nhân có giao dịch tín dụng đặc biệt với tổ chức tín dụng. Điều này giúp bịt lỗ hổng sở hữu chéo trá hình – tức là việc sử dụng các pháp nhân độc lập nhưng trên thực tế chịu sự chi phối của cùng một nhóm cổ đông.
Minh bạch với chế tài mạnh tay
Luật TCTD 2024 bổ sung các chế tài mạnh mẽ để xử lý các hành vi thao túng, sở hữu vượt giới hạn thông qua các cá nhân, tổ chức trung gian hoặc sân sau. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để lành mạnh hóa hệ thống, từng bước gỡ bỏ các mối quan hệ chằng chịt về lợi ích nhóm, đảm bảo sự công bằng và an toàn cho thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Theo luật TCTD 2024 mới, các cổ đông lớn phải: Công khai danh tính, sở hữu trực tiếp và gián tiếp và cam kết nguồn tiền mua cổ phần là hợp pháp. Đặc biệt là chịu sự giám sát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước trong mọi giao dịch với tổ chức tín dụng, và Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp giám sát đặc biệt đối với các ngân hàng có cấu trúc sở hữu phức tạp, có dấu hiệu thao túng từ nhóm cổ đông.
Đồng thời kiểm soát chặt cho vay đối với cổ đông và người có liên quan, trong đó, thực hiện quy định về hạn mức cho vay đối với cổ đông lớn và người có liên quan. Tổng dư nợ cấp tín dụng cho cổ đông lớn và người có liên quan không vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Phải được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên phê duyệt công khai.
Luật TCTD 2024 với những quy định mới về kiểm soát sở hữu chéo và người có liên quan từ khi áp dụng đến này được tròn 1 năm đã bước đầu tạo ra những chuyển động quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Việc buộc các nhóm cổ đông lớn thoái vốn, minh bạch danh tính, nguồn tiền và hạn chế sở hữu gián tiếp là bước tiến cần thiết để củng cố an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, kiểm soát sở hữu chéo là cuộc chiến dài hơi, cần sự quyết liệt của các cơ quan quản lý, sự tuân thủ nghiêm túc của các tổ chức tín dụng và sự hỗ trợ từ hệ thống pháp luật đồng bộ. Như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – Nguyễn Thị Hồng đã thông tin việc kiểm soát sở hữu chéo rất khó khăn, nhất là khi cổ đông và người có liên quan cố tình che giấu, nhờ đứng tên hộ cổ phần để lách quy định của pháp luật. Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch. Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra./.
Nguồn: https://baolamdong.vn/luat-tctd-2024-ky-2-siet-chat-so-huu-cheo-voi-che-tai-chat-che-cu-the-va-xu-ly-tan-goc-380967.html
Bình luận (0)