Đến năm 2024, gần 60% thí sinh lựa chọn bài thi khoa học xã hội, trong khi bài thi khoa học tự nhiên chỉ còn hơn 40%. Còn nhớ những năm 2000, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) phải tuyển sinh khối A (Toán, Lí, Hóa) vì ít thí sinh thi khối C (Văn, Sử, Địa) nhưng chỉ hơn chục năm sau, gió đổi chiều. Các trường kĩ thuật, công nghệ, kinh tế phải lồng ghép các môn khoa học xã hội vào tổ hợp xét tuyển vì số lượng thí sinh thi khoa học tự nhiên giảm dần; hơn 200 tổ hợp mới phát triển từ 4 khối truyền thống (A, B,C,D) để phục vụ nhu cầu tuyển sinh của các trường, trong đó có một nguyên nhân sâu xa là thí sinh dần quay lưng với các môn khoa học tự nhiên.
Điều này xuất phát từ thực tế bài thi khoa học xã hội trong kì thi của THPT quốc gia hay kì thi tốt nghiệp THPT dễ đạt điểm cao hơn bài thi khoa học tự nhiên. Nhưng quan trọng hơn, vì mục tiêu tuyển sinh, trường đại học không còn giữ được mục tiêu, định hướng ban đầu; sự dễ dãi trong tuyển sinh, chiều theo thí sinh nên mới có những tổ hợp lạ, tổ hợp để tuyển sinh bằng mọi giá.
Câu chuyện lựa chọn môn thi là tấm gương phản chiếu số phận của nhóm ngành khoa học cơ bản. Nó cũng lay lắt như chính các môn khoa học tự nhiên. Trước mùa tuyển sinh, những cái tít như: Thí sinh thờ ơ với ngành khoa học cơ bản; Khó tuyển sinh ngành khoa học cơ bản… lại xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mà khó khăn thật, mỗi ngành chỉ tuyển 30 chỉ tiêu hoặc 50 chỉ tiêu nhưng số thí sinh nhập học chỉ 5-6 em dù điểm xét tuyển đầu vào không cao và học phí ở mức thấp nhất trong các ngành đào tạo.
Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu 35% sinh viên học ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học) để đáp ứng nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ cao khi Việt Nam gia nhập thị trường vi mạch - bán dẫn toàn cầu. Bộ GD&ĐT lạc quan tin tưởng con số này.
Đối với đào tạo sau đại học, các ngành STEM khó tuyển sinh hơn gấp nhiều lần đào tạo hệ đại học. Những năm gần đây, tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ liên tục sụt giảm, chỉ đạt 30-50% chỉ tiêu. Sự sụt giảm này sẽ bị trả giá trong thời gian tới, khi không có nhân lực để thực hiện yêu cầu của sự phát triển. GS.TS Chử ĐứcTrình (Trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, ngành bán dẫn rất kén người làm. Muốn làm được phải giỏi về các môn khoa học tự nhiên như Vật lí, Hóa học, Sinh học. Chính vì vậy, khi Bộ GD&ĐT xây dựng quy chuẩn chương trình đào tạo ngành này, ông đề xuất thí sinh phải đạt từ 8 điểm/môn thi. Trong lúc vừa đề xuất chính sách, các trường đại học vẫn phải vừa tự thân vận động để có thể thu hút được thí sinh đến với ngành khoa học cơ bản.
Từ 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội đã miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên theo học 18 ngành khoa học cơ bản tại các đơn vị trực thuộc. Năm 2025, Trường Đại học Công nghệ đã miễn học phí, cấp sinh hoạt phí hằng tháng cho học viên (thạc sĩ) và nghiên cứu sinh (tiến sĩ). Những giải pháp hỗ trợ người học của các đơn vị đào tạo không ngoài mục đích lấy lại vị thế cho các ngành khoa học cơ bản. Bởi đây là xương sống của nền kinh tế, được các doanh nghiệp săn đón từ khi ngồi trên ghế nhà trường nhưng lại…“khát” người học.
Nguồn: https://tienphong.vn/lay-lai-vi-the-post1730481.tpo
Bình luận (0)