Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lễ hội Tổng Nam Phù là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Việt NamViệt Nam15/04/2025


Điểm đặc sắc của Lễ hội Tổng Nam Phù không chỉ nằm ở chiều dài lịch sử với truyền thống hơn 900 năm, mà còn ở sự lan tỏa rộng khắp cả không gian và tâm thức cộng đồng. Sáu ngôi chùa linh thiêng trải dài trên địa bàn huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín đã tạo nên một hệ thống liên kết tâm linh vững chắc, biểu tượng của sự hòa hợp, đoàn kết gắn bó cộng đồng bền chặt từ bao đời.

Huyện Thanh Trì hiện có 154 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 88 di tích được xếp hạng (65 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 23 di tích xếp hạng cấp thành phố). Huyện có 45 lễ hội truyền thống, tiêu biểu trong đó là Lễ hội Tổng Nam Phù – nghi lễ thiêng liêng nhằm tri ân Nhị vị Bồ Tát Lý Từ Thục và Lý Từ Huy, hai công chúa triều Lý đã từ bỏ vinh hoa cung cấm để tu hành, hoằng dương Phật pháp và mang lại cuộc sống an hòa cho nhân dân.

Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao Quyết định công nhận ghi danh Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo huyện Thanh Trì và Thường Tín

Tương truyền từ thời Lý Thánh Tông, hai người con song sinh của ông là công chúa Lý Từ Thục và công chúa Lý Từ Huy đến tuổi cập kê nhưng không chịu lấy chồng mà rời cung điện đến chùa Tự Khoát (chùa Hưng Phúc, xã Ngũ Hiệp) tu tập.

Vua cha vì quá thương các con đã cho đốt chùa để hai nàng trở về. Nhưng ý chí không hề lay chuyển, hai nàng lại về xã Đông Mỹ lập chùa Hưng Long tu tập. Vua cha không biết làm cách nào đành cho hai con chút tiền vàng để làm kế sinh nhai.

Thấu hiểu nỗi khổ của dân Tổng Nam Phù đang sống trong cảnh đói nghèo, Nhị vị Công chúa đã thực hành hạnh Bồ Tát, cấp lại cho dân hơn 3.000 mẫu ruộng, hướng dẫn canh tác lúa nước, trồng dâu nuôi tằm và truyền dạy các nghề thủ công truyền thống, như: Làm bánh ở Tranh Khúc, nghề bún, đậu phụ ở Đông Phù, đan lát ở Tự Khoát, làm lược ở Tương Trúc…

Lễ hội Tổng Nam Phù

Năm Ất Hợi (1095) niên hiệu Hội Phong thứ 4, hai bà thấy sự tu hành đã đạt tới chính quả bèn cho hạ thông lập am dưới đất nơi giáp ranh giữa hai làng Đông Phù (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì) và làng Ninh Xá (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) để chuẩn bị về cõi niết bàn.

Hai bà tắm gội sạch sẽ rồi cùng hai vị thị giả mang hương nến, trầu cau xuống am thu thần thị tịch. Đến khi dân của 10 làng không nghe thấy tiếng mõ cùng hương khói bốc lên là lúc hai bà đã hóa về cõi Phật.

Làng Ninh Xá ở gần đó biết sớm nhất nên được vinh là chủ lăng và được làm chủ chính trong lễ rước kiệu trong ngày hội. Nơi đây được Nhân dân trong vùng xây thành lăng gọi là lăng Liên Hoa rất linh thiêng.

Để tỏ lòng tri ân công đức to lớn của Nhị vị Bồ Tát, nhân dân địa phương đã tạc tượng thờ tại chùa Hưng Long, chùa Hưng Phúc, chùa Phổ Quang, chùa Thanh Liên, chùa Linh Quang. Đến đời Lê Sơ, hai công chúa được sắc phong làm Đại Thánh Bồ Tát.

Cứ mỗi độ tháng Ba âm lịch, trên khắp vùng Tổng Nam Phù lại rộn ràng trong không khí linh thiêng và trang nghiêm của lễ hội truyền thống – một trong những nét văn hóa tâm linh đặc sắc, độc đáo của vùng đất Thanh Trì – Thường Tín. Được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng Ba âm lịch hằng năm, lễ hội là dịp để nhân dân thành kính tưởng nhớ và tri ân Nhị vị Đại Thánh Bồ Tát – hai vị thiền sư hóa thân vì dân, để lại dấu ấn đậm sâu trong đời sống tâm linh người Việt suốt hơn chín thế kỷ.

Điểm đặc sắc của Lễ hội Tổng Nam Phù không chỉ nằm ở chiều dài lịch sử với truyền thống hơn 900 năm, mà còn ở sự lan tỏa rộng khắp cả không gian và tâm thức cộng đồng. Sáu ngôi chùa linh thiêng, gồm: Chùa Hưng Phúc, Thanh Liêm (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì); Hưng Long (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì); Long Khách, Kim Cương (xã Duyên Hà,  huyện Thanh Trì) và chùa Phổ Quang (thôn Ninh Xá, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín), trải dài trên địa bàn huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín đã tạo nên một hệ thống liên kết tâm linh vững chắc, biểu tượng của sự hòa hợp, đoàn kết gắn bó cộng đồng bền chặt từ bao đời.

Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Lễ hội Tổng Nam Phù, trong thời gian qua, UBND huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nghiên cứu, khảo sát, tập hợp tư liệu lịch sử; xây dựng hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền đề nghị ghi danh Lễ hội truyền thống Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 19/2/2025, Lễ hội truyền thống Tổng Nam Phù đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Vừa qua,  huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín đã tổ chức long trọng Lễ kỷ niệm 930 năm Nhị vị Đại Thánh Bồ Tát nhập niết bàn (1095-2025) và công bố Quyết định ghi danh Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tới dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, đại diện Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa, Lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì, huyện Thường Tín và đông đảo bà con nhân dân xã Ngũ Hiệp, Đông Mỹ, Duyên Hà, Ninh Sở và khách thập phương…

Lễ hội Tổng Nam Phù được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là minh chứng cho những giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ, là biểu tượng cho sự gắn kết cộng đồng, nơi truyền thống được tôn vinh và giá trị văn hóa được thắp sáng hôm nay và mai sau.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Thị Hồng Thu – Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) cho biết, trong thời gian tới, các xã tiếp tục chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lễ hội truyền thống Tổng Nam Phù nói riêng và các di sản văn hóa nói chung theo phương châm: Lấy người dân là trung tâm, chủ thể của các hoạt động; biến di sản thành tài sản phục vụ phát triển kinh tế của mỗi địa phương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thanh Bình



Nguồn: https://sovhtt.hanoi.gov.vn/le-hoi-tong-nam-phu-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm