Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lên cao thắp nắng - Báo Quảng Bình điện tử

Việt NamViệt Nam01/04/2025


(QBĐT) - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm vào ngày đầu tiên của tháng tư dương lịch. (2001). Thời điểm này, theo âm lịch, mặc dù còn cách tiết lập hạ một quãng thanh minh nữa, nhưng khắp nơi ánh nắng vàng đã chan hòa như lời ru nhẹ nhàng nối mùa xuân sang mùa hạ: “Em vào mùa hạ nắng thắp trên cao/Và mùa xuân nào ngẩn ngơ tình mới” (Tôi ru em ngủ).

 

Sinh hữu hạn, tử bất kỳ. Sống trong cõi hồng trần cuồn cuộn này, Trịnh Công Sơn hẳn không biết, không chuẩn bị được cho mình ngày rời cõi thế, nhưng việc ông bất kỳ ra đi vào tiết xuân phân cứ khiến tôi cứ tin rằng, chỉ là ông đang thực hiện một chuyến đi dài để lên cao thắp nắng cho các ca khúc bất hủ của mình, tiếp tục làm người hát rong “hát lên những linh cảm” từ những giấc mơ thấm đẫm nhân văn về tình yêu, về thân phận con người, quê hương đất nước và cả về hòa bình, như ông từng bộc bạch với mọi người mà thôi.

Hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được vinh danh  trên trang Google search tại Việt Nam (Ảnh chụp lại màn hình)
Hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được vinh danh trên trang Google search tại Việt Nam (Ảnh chụp lại màn hình)

Cũng như những người Việt Nam khác, tôi luôn đồng cảm với nhạc Trịnh, bởi trong từng cảm xúc của mình, tôi tìm thấy từ các ca khúc của ông những ngụ ngôn, những triết lý nhẹ nhàng, hồn hậu, nhưng không kém nồng nàn, tha thiết về cuộc sống. Âm nhạc Trịnh Công Sơn, với khả năng của mình, tôi chỉ có thể lắng nghe, thấu cảm và ngưỡng mộ, chứ không thể lạm bàn; tuy nhiên, âm nhạc của ông lại “hôn phối” hạnh phúc và thăng hoa cùng một thứ mà tôi biết: Ca từ cùng với những cách sử dụng ca từ thật đắc địa vào âm nhạc.

 

Hầu hết các nhà nghiên cứu và bạn hữu nghệ thuật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều cho rằng phần ca từ trong các ca khúc của ông tự thân là những bài thơ tình chỉnh thể tuyệt vời, theo đó, bên cạnh danh xưng nhạc sĩ khả kính, họ còn trìu mến tôn phong ông là nhà thơ của thế kỷ XX(1), hơn thế, nhạc sĩ Văn Cao còn gọi ông là người ca thơ. Và chính những bài thơ-ca từ này là nơi mà tôi có thể dựa vào để bộc bạch vài cảm nhận thiển cận về một khía cạnh nào đó, chẳng hạn: Nắng trong ca khúc của Trịnh Công Sơn.

 

Trong ca từ của người ca thơ Trịnh Công Sơn, biểu tượng “nắng” xuất hiện rất nhiều, “dày đặc ở 52/288 ca khúc, chiếm tỷ lệ 22,8% và trở thành biểu tượng nghệ thuật đặc sắc đa nghĩa”(2). Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sử dụng tài tình từ vựng “nắng” trong ca từ các ca khúc của mình, với rất nhiều các chức năng ngữ pháp của nó, thật mềm mại, tự nhiên: Kết hợp với danh từ (dòng sông nắng, vườn xưa nắng…), với tính từ (nắng đầy, nắng quạnh hiu…), với động từ (nắng vội, nắng hờn ghen…)(3)… Đó là những cách thức ẩn dụ, so sánh, nhân hóa… đa dạng, góp phần tạo nên những giá trị, những hiệu ứng âm nhạc độc đáo và riêng có, khiến biểu tượng nắng trong ca từ của Trịnh Công Sơn cũng có đủ các cung bậc tình cảm ái, ố, hỷ, nộ giống như con người, đầy tâm trạng, nhưng vẫn thật lạc quan với cuộc đời: Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy/Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi (Bên đời hiu quạnh).

 

Chỉ thống kê và phân tích biểu tượng “nắng” trực tiếp có trong ca từ của Trịnh Công Sơn theo góc nhìn tham chiếu nhằm để so sánh, liên kết với các hiện tượng tự nhiên khác tràn ngập trong ca khúc của ông như những biểu tượng văn hóa: Bầu trời, mặt trời, đá, núi, biển, sông, ngày, mùa…, là thao tác khoa học cần thiết và có giá trị phát hiện của các nhà ngôn ngữ học. Còn khi lắng lòng nghe các ca khúc của Trịnh Công Sơn từ khía cạnh xúc cảm, thụ hưởng, thì hầu hết các ca khúc của ông mà tôi biết, hoặc nhẹ nhàng, hoặc mãnh liệt cũng đều tỏa nắng đến người nghe, tỏa nắng cho đời, mặc dù ở những ca khúc này không đề cập đến ánh nắng vật chất mà chỉ là ông đã “nắng hóa” khát vọng yêu thương của mình: “Có khi nắng khuya chưa lên, mà một loài hoa chợt tím” (Chiều một mình qua phố), hoặc: “Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên/Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình/tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống/Vì đất nước cần một trái tim (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui).

 

Chúng ta đã nghe nói nhiều về hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn. Hình ảnh góp phần gợi ý cho nhạc sĩ sáng tác ca khúc “Huyền thoại mẹ” là bức ảnh mẹ Nguyễn Thị Suốt, người mẹ  anh hùng từ quê hương Bảo Ninh “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” (Tố Hữu) được trưng bày trong Bảo tàng tổng hợp tỉnh, với tóc bay trong gió, “dưới mưa bom không ngại”, hiên ngang chèo đò đưa bộ đội qua sông, mà nhạc sĩ lần đầu tiên được chiêm ngưỡng(4).

 

Hẳn nhiên, hình tượng người mẹ huyền thoại mà sau đó tác giả phải hằng đêm “chong đèn ngồi nhớ lại/từng câu chuyện ngày xưa” để xây dựng nên trong ca khúc nổi tiếng này là kết quả của sự khái quát từ cuộc đời, từ tấm gương các bà mẹ Việt Nam anh hùng một đời thầm lặng hy sinh vì chồng con, vì nhân dân, vì đất nước, được ngưng đọng vào ca từ, khúc thức, và từ đó tỏa nắng mênh mông, nên đã làm xao xuyến biết bao thế hệ người nghe: “Mẹ là gió uốn quanh/Trên đời con thầm lặng/Trong câu hát thanh bình/Mẹ là gió mong manh/Mẹ là nước chứa chan/Trôi dùm con phiền muộn/Cho đời mãi trong lành/Mẹ chìm dưới gian nan…

 

Xem ra, bên cạnh sự lạc quan, mạnh mẽ, biểu tượng nắng trong ca khúc Trịnh Công Sơn, ở nhiều chỗ ta còn thấy phảng phất hương vị thiền, bởi trong từng lời ca nghe thật gần gũi với lời dạy của Đức Phật về cách sống: Người có nhân cách giống như ánh mặt trời có thể chiếu rọi thập phương, nhân cách một người có ấm áp, nhân hậu mới có ích cho đời, cho người. Đó đồng thời cũng là sự gần gũi, tự nhiên với số đông người Việt nghe nhạc Trịnh vậy.

 

Đến nay, đã mười tám năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thực hiện chuyến đi dài lên cao thắp nắng và nhạc Trịnh vẫn vang lên gần gũi, ấm áp quanh ta. Có vẻ như nhạc sĩ càng đi xa vào thiên cổ thì âm nhạc của ông càng tỏa nắng và không thể thay thế. Mới đây, nhân ngày là sinh nhật lần thứ 80 của Trịnh Công Sơn (28/2/2019), trang Google search tại Việt Nam, đã trân trọng vinh danh nhạc sĩ trên trang chủ với tư cách là nhạc sĩ có đóng góp âm nhạc quan trọng cho cộng đồng, cho nhân loại, bằng bức ký họa chân dung ông cùng với cây đàn ghi ta thân thuộc, đầy thần thái.

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên logo quen thuộc của một trong những công cụ tra cứu thông tin rộng lớn toàn cầu. Vinh dự này là niềm vui cho những người yêu quý nhạc Trịnh, nhưng lại không làm ta quá bất ngờ, bởi trước đó chúng ta từng biết ông là người Đông Nam Á đầu tiên được Liên hiệp quốc trao tặng giải thưởng âm nhạc cao quý “Vì một thế giới hòa bình-World Peace Music A ward” (2004), ca khúc Trịnh Công Sơn được dịch, phổ biến nhiều ở nước ngoài và được đông đảo công chúng đón nhận; ngoài ra, một số nước châu Âu như Ý, Canada, Đức còn xây dựng thư viện Trịnh Công Sơn… Ông quả là một nhạc sĩ Việt Nam có tầm ảnh hưởng quốc tế thật rộng rãi.

 

Thế nên, tôi chợt ngộ ra rằng, bên cạnh các giá trị âm nhạc thuần Việt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà mỗi người, theo cách riêng của mình đắm say thưởng thức và cảm nhận, có lẽ từ nay, tôi phải tập lắng nghe thêm tính thời đại trong các ca khúc bất hủ của ông.

Trần Hùng

 

(1) Hoàng Phủ Ngọc Tường, GS. Hoàng Ngọc Hiến, GS. Dương Viết Á….

(2),(3) Bích Hạnh: “Trịnh Công Sơn, hạt bụi trong cõi thiên thu”-NXB Từ điển Bách khoa-2011.

(4) Nhạc sĩ Dân Huyền, báo “Dân trí”, số thứ 7 ngày 8/3/2014.

 

 

 



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202504/len-cao-thap-nang-2225323/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm