Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Bình Định nhằm tạo cơ hội, tăng cường hợp tác giữa các công ty lữ hành quốc tế tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định và các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng như khai thác tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch của tỉnh trong mối liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong cả nước, nhất là khai thác tuyến đường sắt liên kết giữa các địa phương trong khu vực.
Hội thảo diễn ra với 3 phiên bao gồm: Giới thiệu về tiềm năng, sản phẩm, chính sách kích cầu du lịch Bình Định; tham luận, phát biểu của các đại biểu tham dự Hội thảo và kết nối các doanh nghiệp của Hiệp hội Du lịch Bình Định.
![]() |
Quang cảnh Hội thảo |
Trong khuôn khổ buổi hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để tỉnh Bình Định khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, lợi thế, tạo sự đa dạng sản phẩm du lịch; phối hợp chặt chẽ giữa ngành đường sắt, các đơn vị lữ hành, các khu, điểm du lịch và cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết hợp giữa vận tải đường sắt và các dịch vụ trải nghiệm đa dạng, như: Nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa, ẩm thực địa phương…
Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định cho biết: Du lịch đường sắt là một sản phẩm mới giúp du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của các vùng miền. Đây là một sản phẩm du lịch bắt đầu được du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế ưa thích.
Điểm thuận lợi của Bình Định là nằm trên cung đường sắt Bắc – Nam và có ga Diêu Trì là điểm dừng chân của các chuyến tàu. Việc tính toán khai thác các chuyến tàu chapter/toa tàu chapter để phục vụ du khách rất thuận lợi. Vì vậy, để khai thác hiệu quả hơn nữa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành đường sắt, các đơn vị lữ hành, các điểm đến du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết hợp giữa vận tải đường sắt và các dịch vụ trải nghiệm đa dạng như nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa, ẩm thực địa phương.
![]() |
Chi hội Lữ hành Bình Định và một số Hiệp hội Du lịch, Chi hội Lữ hành, doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành ký kết các thỏa thuận về liên kết phát triển sản phẩm du lịch. |
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bình Định là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sắt nhờ vào vị trí chiến lược trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, cảnh quan thiên nhiên phong phú và nhiều điểm du lịch hấp dẫn.
Trong đó, tuyến đường sắt đi qua khu vực gần biển là cơ sở để khai thác các chuyến tàu ngắm cảnh ven biển, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, những bãi biển tuyệt đẹp có thể kết nối với ga tàu thông qua hệ thống xe trung chuyển. Ngoài ra, hệ thống di sản văn hóa Chăm cùng những địa danh gắn liền với lịch sử Tây Sơn – Nguyễn Huệ cũng là điểm dừng chân không thể bỏ qua trên hành trình du lịch bằng tàu hỏa đến với Bình Định.
![]() |
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Nguồn: CTTĐT Bình Định |
Qua đây, ông Hà Văn Siêu cũng đề nghị tỉnh Bình Định cần đẩy mạnh nghiên cứu và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch như chính sách thu hút du lịch MICE; nâng cấp hạ tầng giao thông và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đường sắt; cải thiện nhà ga Diêu Trì, duy trì đội tàu Quy Nhơn - Sài Gòn; phát triển các tour tàu như "Tàu hỏa khám phá miền đất Võ" hoặc "Tàu du lịch ven biển Quy Nhơn" và kết nối với các dịch vụ du lịch và hợp tác xây dựng tour kết hợp tàu hỏa với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, để phát triển du lịch đường sắt và đạt mục tiêu trong năm 2025, địa phương này cũng cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số bằng cách sử dụng nền tảng số để quảng bá du lịch Bình Định và cung cấp thông tin chi tiết tại ga Diêu Trì.
Tăng cường các chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp, tổ chức sự kiện lớn như hội nghị xúc tiến đầu tư, nghệ thuật, bắn pháo hoa để thu hút khách du lịch cũng như tập trung phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, cần chú trọng bồi dưỡng nhân lực phục vụ du khách trên tàu và nâng cao kỹ năng về chuyển đổi số trong ngành du lịch, giúp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là du lịch bằng đường tàu hỏa là một sản phẩm rất thú vị. Nhưng để làm được một tour du lịch bằng tàu hỏa về Bình Định, ngành du lịch tỉnh, các đơn vị lữ hành, các hiệp hội liên quan cần phải ngồi lại với nhau; bàn giải pháp và xây dựng kế hoạch bài bản.
"Ngoài việc nâng cao chất lượng đoàn tàu phục du khách, trải nghiệm đường sắt cũng nên nâng cấp dịch vụ, chất lượng các toa tàu cũng phải cải thiện. Đối với cước phí vận chuyển phải cạnh tranh để thu hút được du khách. Ngành vận tải đường sắt phải có cam kết cụ thể, mức giá, tour... phải rõ ràng".
![]() |
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội thảo |
Theo ông Lâm Hải Giang chia sẻ thêm: Ở đây chúng ta bàn câu chuyện liên kết phát triển, do vậy chúng ta phải nỗ lực. Tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng các đường hoa, điểm dừng chân check in bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, mang đậm dấu ấn bản sắc riêng của Bình Định để phục vụ du khách từ TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) về Bình Định trải nghiệm du lịch. "Về phía doanh nghiệp cũng phải nỗ lực trong việc nâng cấp sản phẩm, phải lấy ngắn nuôi dài. Nhà nước sẽ hỗ trợ đồng hành, từ đó mới tạo ra được sản phẩm du lịch mới", ông Lâm Hải Giang nhấn mạnh.
Được biết, trong khuôn khổ Hội thảo lần này, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định cũng tổ chức kết nối doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm dịch vụ và ký kết giữa một số Hiệp hội du lịch, Chi hội lữ hành, doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành với Bình Định về liên kết phát triển sản phẩm du lịch.
Nguồn: https://baophapluat.vn/lien-ket-phat-trien-san-pham-du-lich-binh-dinh-va-ket-noi-san-pham-du-lich-duong-sat-da-nang-khanh-hoa-post544036.html
Bình luận (0)