Đảm bảo học sinh phát triển toàn diện
Tại Thông báo 177-TB/VPTW ngày 25/4 kết luận tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo; chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học, Tổng Bí thư Tô Lâm thống nhất chủ trương các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên; có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này. Việc dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hoá, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện.
Tổng Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian thực hiện từ năm học 2025 - 2026.
Việc dạy học 2 buổi/ngày thực hiện được như mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm cần 4 điều kiện: Cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, chương trình học và tài chính. Điều kiện tối thiểu đầu tiên cần đảm bảo học sinh được học 2 buổi/ngày là cơ sở vật chất. Tính một cách cơ học, phải có đủ 1 lớp/phòng để hoạt động dạy học diễn ra trong 1 ngày học sinh ở trường. Yêu cầu cao hơn, các trường phải được trang bị phòng học đa năng, phòng thực hành, sân chơi, bãi tập. Những tiêu chí này đã được Bộ GD&ĐT quy định khi triển khai chương trình giáo dục 2018.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại các quận nội thành của Hà Nội, việc dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học, THCS cơ bản mới chỉ đáp ứng điều kiện tối thiểu. Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho hay, diện tích trường 9.000m2 với hơn 1.000 học sinh. Nhà trường chỉ đảm bảo 1 lớp/phòng học, không có phòng chức năng, không có nhà thể chất, không có phòng thực hành vì diện tích không cho phép. Nhưng không vì thế mà không thực hiện được các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh. Nhà trường phát triển các câu lạc bộ giáo dục thể chất; trong không gian lớp học, học sinh có thể tham gia các môn nhạc, họa ngoài chương trình chính khóa để phát triển bản thân.
Trường THCS Chương Dương triển khai hoạt động trải nghiệm ngoài trường thường xuyên bằng cách chi đoàn giáo viên và học sinh phối hợp cùng với Đoàn phường, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức ngày thứ 7 hằng tuần xanh - sạch - đẹp trên địa bàn phường. Trong đó, học sinh của trường chịu trách nhiệm vệ sinh, chăm sóc cây xanh tại khu vực Bờ Vở gần trường. Học sinh đến đây dọn dẹp vệ sinh. Qua những hoạt động này, nhà trường mong muốn giáo dục ý thức trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng một nếp sống văn minh và có trách nhiệm với cộng đồng, địa phương.
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng cho biết, với chỉ đạo của Tổng Bí thư, nhà trường chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội để triển khai dạy học 2 buổi/ngày theo đúng tinh thần giảm tải, học sinh phát triển toàn diện, tăng giáo dục văn hóa nghệ thuật.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024 - 2025, 100% trường Tiểu học của TP đủ điều kiện cơ sở vật chất thực hiện học 2 buổi/ngày. Nhưng ở cấp THCS, ghi nhận của phóng viên cho thấy, từ quận nội thành đến huyện ngoại thành, TP Hà Nội cần phải bổ sung thêm trường, phòng học mới có thể thực hiện được 100% trường THCS triển khai dạy 2 buổi/ngày từ năm học tới.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn quận có 16/22 trường THCS đủ điều kiện học 2 buổi/ngày. Quận Cầu Giấy có 22/25 trường THCS triển khai dạy 2 buổi/ngày. Một số quận nội thành khác cũng chưa đủ trường/lớp để triển khai học 2 buổi/ngày đối với bậc THCS. Hiệu trưởng một trường THCS tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết với hơn 1.000 học sinh, nhà trường đang triển khai học 1 buổi/ngày.
Thực trạng thiếu trường lớp trước dịp năm học mới mấy năm gần đây luôn được báo chí quan tâm phản ánh. Sự tăng trưởng dân số cơ học ở một số quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai của Hà Nội quá nhanh khiến tình trạng thiếu trường THCS, THPT trở nên trầm trọng.
Vừa học văn hóa, vừa phát triển kĩ năng
![]() |
Học sinh Trường THCS Chương Dương tham gia vệ sinh khu vực Bờ Vở gần trường mỗi sáng thứ 7. Ảnh: nhà trường cung cấp |
Cho đến nay, bậc tiểu học trên cả nước đang triển khai 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Ở bậc THCS, THPT tùy điều kiện từng địa phương triển khai. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết từ tháng 3, trường THCS trên toàn tỉnh triển khai dạy học 2 buổi/ngày.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc dạy học 2 buổi/ngày tại các địa phương chủ yếu thực hiện dạy văn hóa, các thành phố lớn có thêm hoạt động liên kết dạy ngoại ngữ trong thời gian học chính khóa. Trong đó, buổi 1 dạy theo chương trình quy định của Bộ GD&ĐT, buổi 2 dạy ngoại ngữ liên kết và học tăng cường một số môn như Văn, Toán, ngoại ngữ có thu tiền (một hình thức học thêm trong trường học). Chính vì vậy, khi Thông tư 29 về học thêm dạy thêm của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ học kì II năm học này, nhiều trường THCS lúng túng không biết triển khai các hoạt động giáo dục như thế nào cho học sinh (vì không được dạy thêm có thu tiền trong nhà trường).
Nhiều trường cho học sinh nghỉ buổi chiều hoặc lửng lơ giữa giờ khiến phụ huynh chạy đôn chạy đáo tìm chỗ học thêm hoặc sắp xếp thời gian đón con tan trường lệch giờ làm. Như vậy, có thể thấy, việc dạy học 2 buổi/ngày hiện nay chỉ đảm bảo dạy các môn văn hóa cho học sinh để thi, kiểm tra đánh giá. Nhà trường gần như bỏ trống dạy kĩ năng, thực hiện các chương trình giáo dục phát triển toàn diện học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Không nên nhồi nhét học sinh học văn hóa 4 tiết buổi sáng, 3 tiết buổi chiều, buổi sáng học Toán, buổi chiều lại học Toán. Như thế không đúng tinh thần của việc dạy học 2 buổi/ngày”
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng Cán bộ Quản lí, Hà Nội chia sẻ, dạy học 2 buổi/ngày thực chất là mô hình full day school (ở trường cả ngày). Theo đúng nghĩa này, không gian trường học dành 1 ngày cho học sinh để vừa học văn hóa, vừa phát triển kĩ năng, thể chất một cách toàn diện. Điều này có nghĩa ngoài học văn hóa, học sinh còn được tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm trong chính không gian nhà trường.
Theo ông Thành, những trường chưa đủ cơ sở vật chất học 2 buổi/ngày vẫn có thể triển khai các hoạt động giáo dục để phát triển toàn diện cho học sinh. Không gian của trường ngoài lớp học, còn có thư viện, phòng học đa năng, sân khấu, vườn trường... để học sinh hoạt động. Trường nào chưa có, Nhà nước phải xây dựng bổ sung.
Ở những nơi có thể triển khai hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, nhưng chỉ đủ phòng học, chưa đủ sân chơi, bãi tập, phòng đa năng, phòng thực hành, giáo viên có thể thực hiện các hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm, dạy kĩ năng cho học sinh trong không gian lớp học. Khi đó, không nên nhồi nhét học văn hóa 4 tiết buổi sáng, 3 tiết buổi chiều, buổi sáng học Toán, buổi chiều lại học Toán. Như thế không đúng tinh thần của việc dạy học 2 buổi/ngày. Buổi sáng học, buổi chiều giáo viên giao nhiệm vụ học tập cho học sinh, thực hiện các hoạt động giáo dục và đều có thể thực hiện trong không gian lớp học. Ví dụ, buổi chiều có thể giao cho các nhóm học sinh trong lớp một trong các hoạt động: Thuyết trình một vấn đề nào đó gắn với chương trình môn học, sáng tác tiểu phẩm, sáng tác điệu nhảy. Khi đó, học sinh sử dụng không gian lớp học để thực hiện các hoạt động giáo dục này. “Không gian để thực hiện trải nghiệm giáo dục linh hoạt. Những trường cơ sở vật chất đủ rộng có thể sử dụng không gian ngoài lớp. Tôi từng tham quan các trường nước ngoài, học sinh có thể thực hiện hoạt động trải nghiệm ở khắp nơi trong trường như hành lang, thư viện, bất kì khoảng trống nào trong trường”, ông Thành nói.
Trong công văn 5512 (Bộ GD&ĐT ban hành năm 2020, về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường), khi nói về hoạt động dạy học có nói đến hoạt động vận dụng. Hoạt động này được ghi chú rất rõ là chỉ được thực hiện sau một số bài học có nội dung phù hợp. Giáo viên giao cho học sinh đầu bài mở, học sinh nộp sản phẩm, không tổ chức dạy học trên lớp. Giáo viên chỉ cần thực hiện theo yêu cầu của Bộ, học sinh đã có rất nhiều không gian, hoạt động để phát triển. Khi đó, nhà trường đóng cổng, không đóng phòng học cả ngày.
Nguồn: https://tienphong.vn/lieu-com-gap-mam-post1740258.tpo
Bình luận (0)