Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lối đi nào cho Apple trước thuế đối ứng của ông Trump?

Khi chính quyền Mỹ công bố loạt thuế quan áp lên hàng hóa nhập khẩu từ hơn 180 quốc gia, Apple đang phải tìm lối thoát bằng cách tìm đến Brazil.

Zing NewsZing News06/04/2025

Lần đầu tiên Apple muốn đưa cả các mẫu iPhone 16 Pro vào danh sách sản phẩm được sản xuất tại Brazil. Ảnh: Tuấn Anh.

Cụ thể, tập đoàn Mỹ đang xem xét khả năng mở rộng dây chuyền lắp ráp iPhone tại Brazil, ngay sau khi chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ban hành một loạt mức thuế quan mới nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Với đa phần sản phẩm được lắp ráp tại quốc gia tỷ dân, hãng hiện phải đối mặt với mức thuế lên tới 54% khi đưa hàng vào Mỹ.

Để ứng phó, có vẻ như Táo khuyết đang nghiêm túc xem xét mở rộng năng lực sản xuất iPhone tại Brazil. Quốc gia này hiện chỉ bị áp thuế 10% từ Mỹ, thấp hơn nhiều so với mức 26% đối với Ấn Độ và 54% với Trung Quốc.

Cụ thể, theo tạp chí Exame của Brazil, Táo khuyết đang lên kế hoạch nâng cấp và mở rộng công suất tại các nhà máy hiện có ở quốc gia Nam Mỹ này.

Tập đoàn Mỹ đã bắt đầu lắp ráp sản phẩm tại Brazil từ năm 2011. Khi đó, hãng thiết lập cơ sở sản xuất tại bang São Paulo thông qua hợp tác với Foxconn - đối tác lắp ráp lâu năm của Táo khuyết. Tuy nhiên, năng lực sản xuất tại đây vẫn còn rất hạn chế và chỉ tập trung cho một số dòng iPhone cơ bản nhằm phục vụ nhu cầu trong nước.

Nguồn tin của Exame cho biết quá trình đánh giá việc mở rộng năng lực sản xuất ở Brazil đã được Apple khởi động từ năm ngoái, đi kèm với nâng cấp hệ thống máy móc và các quy trình công nghiệp tại nhà máy.

Gần đây, cơ quan quản lý viễn thông Brazil - Anatel - cũng chính thức cấp phép cho Apple và Foxconn Brazil được lắp ráp mẫu iPhone 16 tại quốc gia này. Trước đó, hảng đã lắp ráp các dòng iPhone 13, iPhone 14 và iPhone 15 tại Brazil. Điều đặc biệt nằm ở chỗ, Táo khuyết được cho là đang dự tính lần đầu tiên đưa cả dòng sản phẩm cao cấp nhất iPhone 16 Pro vào danh sách các thiết bị được lắp ráp tại đây.

Nếu kế hoạch được triển khai thành công, iPhone lắp ráp tại Brazil sẽ không giới hạn trong phạm vi cung ứng cho thị trường nội địa, mà còn được dùng để xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ. Điều này có thể giúp Apple tiết kiệm một khoản thuế đáng kể.

Theo 9to5mac, cổ phiếu Apple đã giảm hơn 10% kể từ khi các mức thuế được công bố, khiến giá trị vốn hóa thị trường của hãng bốc hơi tới 300 tỷ USD. Không chỉ Apple, nhiều tập đoàn công nghệ Mỹ khác như Nvidia cũng lâm vào tình trạng tương tự. Riêng Nintendo đã hoãn kế hoạch ra mắt mẫu máy chơi game Switch 2 tại thị trường Mỹ, viện dẫn lý do là “những bất ổn về thuế”.

Mặt khác, với mức thuế mới 26% áp lên các sản phẩm điện tử nhập khẩu từ Ấn Độ, tham vọng của New Delhi trong việc trở thành trung tâm sản xuất iPhone toàn cầu cũng đang đứng trước nguy cơ.

Dù đây là mức thấp nhất trong 3 “căn cứ” sản xuất lớn nhất của Apple, các quan chức Ấn Độ vẫn không khỏi lo ngại. Nói với tờ The Indian Express, một nguồn tin chính phủ cho hay dù có hy vọng vào một hiệp định thương mại song phương (BTA) để xoa dịu tình hình. Song, tác động trước mắt tới ngành điện tử và xuất khẩu của Ấn Độ khó tránh khỏi.

Hiệp hội Di động và Điện tử Ấn Độ (ICEA) cảnh báo rằng một số quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ với chính sách thương mại thuận lợi hơn. Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và UAE đều đang tận dụng lợi thế từ mức thuế chỉ 10%. Thậm chí Philippines còn chỉ chịu mức 17%.

ICEA cho rằng Ả Rập Saudi và UAE đang nổi lên nhờ các đặc khu kinh tế, chi phí lao động cạnh tranh và mô hình sản xuất tinh gọn. Ngay cả Brazil, trước đây vốn được xem là đối tác thương mại “khó tính”, giờ đây lại thu hút sự quan tâm nhờ “cách đối xử thuận lợi từ Mỹ”.

Nguồn: https://znews.vn/apple-tim-loi-thoat-de-ne-thue-my-post1543463.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm