Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Long Khốt những ngày tháng 5

Dù đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng ngày ấy, Khu di tích lịch sử Khu vực Đồn Long Khốt còn khá đơn sơ do những người lính biên phòng và người dân địa phương chung tay xây dựng.

Báo Long AnBáo Long An19/05/2025

Lần đầu tiên tôi dẫn bố viếng thăm Khu di tích lịch sử (DTLS) Khu vực Đồn Long Khốt. Trong khói hương mờ mịt, đôi mắt ông nhòe đi khi anh chính trị viên Đồn Biên phòng giới thiệu về mảnh đất một thời bom đạn. Chậm rãi cắm từng cây nhang quanh các gốc cây, rồi bất chợt bố tôi ôm chặt lấy một thân cây to nhất. Đêm hôm ấy, ông trở dậy từ 3 giờ sáng. Trong giấc mơ, bố tôi nghe thấy có người gọi tên mình. Tiếng gọi vọng ra từ ngôi đền nghi ngút khói hương.

Tháng 12/2020, các hạng mục Khu di tích lịch sử Khu vực Đồn Long Khốt (giai đoạn I) được hoàn thành và ngày 18/5/2024 diễn ra lễ cắt băng khánh thành các hạng mục công trình giai đoạn II (Ảnh: Văn Đát)

Dù đã được công nhận là DTLS cấp tỉnh Long An nhưng ngày ấy, Khu DTLS Khu vực Đồn Long Khốt còn khá đơn sơ do những người lính biên phòng và người dân địa phương chung tay xây dựng.

Nằm ngay bên cạnh cổng Đồn Biên phòng, công trình chỉ có đài bia và đền thờ là một ngôi nhà cấp 4. Đài bia rộng chừng 9-10m2, mái cuốn xi măng lợp ngói đỏ cong cong tựa cánh đao đình.

Trong 4 cây cột trụ bêtông cốt thép vuông vức là tấm bia ghi danh những người lính biên phòng và bộ đội địa phương đã anh dũng hy sinh trong 43 ngày đêm chiến đấu với quân Pol Pot xâm lược.

Cho đến đầu những năm 2000, những người lính của Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng) lần lượt trở về thăm lại chiến trường xưa. Trong tâm thế của những con người đã dùng chính dòng máu đỏ của mình đổi lấy màu xanh hòa bình, độc lập, các bác, các chú trân trọng, nâng niu từng gốc cây, ngọn cỏ bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng trong lấp lánh của những hạt phù sa giữa bạt ngàn những cánh đồng thẳng cánh cò bay vùng biên giới Vĩnh Hưng hôm nay là linh hồn, là máu, là thịt, là xương của đồng đội đã ngã xuống.

Nhưng phải làm gì để đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ? Phải làm gì để các thế hệ hôm nay và mai sau biết đến 2 tiếng “Long Khốt” thiêng liêng? Trọng trách lại đặt nặng lên vai những người lính đã may mắn còn sống sót, trở về.

Trong số họ, có người phát triển cao hơn trong quân đội, nhiều người trở về đời thường làm anh nông dân, công nhân cần mẫn và cũng có người là doanh nhân thành đạt; có người là nhà báo, nhà thơ,...

Dù ở bất cứ cương vị, điều kiện nào thì ý chí của những người lính một thời khói lửa vẫn không hề thay đổi. Các bác, các chú tranh thủ sự tri ân của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của đồng đội và các nhà hảo tâm để huy động tối đa mọi nguồn lực. Trong những ngày tháng đó, những người lính biên phòng chúng tôi có may mắn được đồng hành cùng các cựu chiến binh của Trung đoàn 174.

Những bia đá ghi danh liệt sĩ được dựng lên thay cho những bản đánh máy trên giấy. Danh sách liệt sĩ được Cục Chính trị Quân khu 7 cung cấp ngày càng đầy đủ.

Ngôi đền thờ đơn sơ ngày nào được nâng cấp khang trang, to đẹp hơn. Trong ngôi đền ấy có bốn câu thơ của Đại tá, nhà thơ Trần Thế Tuyển được khắc trên mặt trước đại hồng chung:

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia

Ngàn năm mãi mãi ngân nga

Tiếng chuông Long Khốt gấm hoa dâng đời...

Hai câu đầu trong đoạn thơ ấy được khắc thành đôi câu đối tại đền thờ Long Khốt và nhiều đền thờ các anh hùng liệt sĩ dọc chân núi Trường Sơn và trên khắp cả nước, trong đó có đền thờ liệt sĩ trong DTLS Quốc gia Đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.

Hai câu thơ này cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận bản quyền, thành tài sản phi vật thể cấp quốc gia bởi chỉ với 16 chữ ngắn gọn nhưng đã khái quát được tính bất tử của hàng triệu người lính đã hy sinh trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Khu di tích lịch sử Khu vực Đồn Long Khốt là nơi nhắc nhớ thế hệ sau về công ơn của cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập (Ảnh: Văn Đát)

Tháng 12/2020, trên vùng biên giới huyện Vĩnh Hưng xanh bạt ngàn những cánh đồng lớn, các hạng mục công trình giai đoạn I được hoàn thành. Đó là một ngôi đền rộng lớn với mái ngói đỏ, giữa gian chính điện đặt bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu đồng tươi sáng, tựa lưng vào bức phù điêu biểu tượng mặt trống đồng.

Xung quanh phía trong ngôi đền là những bức tường bia đá hoa cương trầm mặc ghi danh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường Long Khốt trong suốt 2 cuộc chiến tranh. Phía trước chính giữa Khu di tích là cổng tam quan uy linh, sừng sững,...

Mỗi lần bố vào chơi nhà tôi ở thị trấn Vĩnh Hưng, tôi đều đưa ông đi thăm Khu DTLS Khu vực Đồn Long Khốt. Run run bàn tay khi lần theo từng dòng chữ trên bia đá ghi danh, bố tôi bảo: Long Khốt có nhiều nét tương đối giống với cứ điểm Tà Băng mà trước đây đơn vị bố từng chiến đấu. Bộ đội ta hy sinh nhiều quá! Nhiều liệt sĩ trên bia có cùng thời gian nhập ngũ và cùng quê Thái Bình. Có lẽ vì lý do đó mà ngay trong lần đầu tiên đến thắp hương đền, anh linh các liệt sĩ đã gọi tên người đồng đội cùng một thời vào sinh ra tử.

Ngày 18/5/2024, tôi may mắn có mặt trong buổi lễ cắt băng khánh thành các hạng mục công trình giai đoạn II Khu di tích. Trong không khí trang nghiêm, thành kính tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ, tôi chợt lặng người khi gặp hình ảnh những mái đầu bạc trắng ôm ghì lấy nhau trong nước mắt.

Có người mang quân hàm cấp cao, cũng có những người chỉ mặc bộ quân phục úa màu, không cấp hiệu. Họ xưng hô với nhau “mày - tao” như những người lính trẻ. Họ về đây từ mọi miền đất nước, có người đã từng chiến đấu ở chiến trường Long Khốt, có người không nhưng tất cả đều chung một cảm xúc: Được về đây trong ngày giỗ đền, được thắp một nén tâm hương trước anh linh các anh hùng liệt sĩ và được gặp lại đồng đội của một thời đã chiến đấu, hy sinh.

Tôi cùng các đồng chí bộ đội biên phòng trong đội hình những người lính hôm nay dâng hoa, dâng hương tại đền thờ Long Khốt. Dù ngôi đền rất đỗi thân quen nhưng trong giây phút ấy vẫn thấy thiêng liêng, cao quý quá! Hơn ai hết, chúng tôi hiểu giá trị từng tấc đất biên cương mà mình đang canh giữ đều thấm đẫm máu xương của lớp lớp các thế hệ cha anh.

Hai hàng phượng vĩ do chính tay những cựu chiến binh Trung đoàn 174 và những người lính biên phòng chúng tôi vun trồng dọc theo hai bên đường từ cổng đền (bên cạnh cổng Đồn) ra đến đường tuần tra biên giới, tháng 5 về lại rợp trời sắc đỏ. Ai đó chợt thốt lên rằng: Con đường đỏ tươi màu máu và cũng là màu chiến thắng vinh quang!/.

Nguyễn Hội

Nguồn: https://baolongan.vn/long-khot-nhung-ngay-thang-5-a195492.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm