Hiện nay, đàn chồn hương của ông Nguyễn Thành Nhân (ấp Cầu Ván, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) có khoảng 150 con. Nhờ áp dụng mô hình tuần hoàn nên ông tốn rất ít chi phí thức ăn cho chồn
Trước đây, ông Nhân nuôi heo, dê và trồng thanh long. Giá các mặt hàng này đôi lúc bấp bênh nên ông mạnh dạn chuyển hướng đi mới để có nhiều nguồn thu và không quá lệ thuộc vào cây trồng, vật nuôi truyền thống. Khoảng 8 năm trước, sau khi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, ông quyết định chọn nuôi chồn hương vì thấy đây là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đang được thị trường ưa chuộng. Ông xuống tỉnh Trà Vinh, Cà Mau mua 3 cặp con giống và là người đầu tiên ở xã An Lục Long nuôi chồn hương.
Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi, nghiên cứu từ nhiều nguồn mà đàn chồn hương của ông phát triển tốt, sau 8-10 tháng nuôi đã cho doanh thu. Đến nay, đàn chồn phát triển gần 150 con gồm chồn thương phẩm và chồn hậu bị.
Ông Nhân cho biết: “Mấy năm trước, giá chồn cao lắm, nguồn cung không đủ cầu, bán 1 con chồn con giá 6 triệu đồng, bù thêm 1 triệu đồng nữa là mua được con bò. Sau dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ chậm hơn, hiện nay còn khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/kg chồn thương phẩm”.
Cũng theo ông Nhân, chồn hương là loài ưa bóng râm nên cần chú ý thiết kế chuồng trại phù hợp. Ông xây chuồng rộng, có không gian để chồn di chuyển, thuận lợi cho việc dọn vệ sinh. Tận dụng vườn nhà, ông Nhân trồng chuối làm thức ăn cho chồn. Phân chồn thải xuống làm thức ăn cho cá trê, sau đó lại bắt cá trê cho chồn ăn để bổ sung đạm.
Nhờ cách làm này mà ông tốn rất ít tiền mua thức ăn, bảo đảm môi trường sạch, thông thoáng. Có khi chuối quá nhiều, chồn ăn không hết, ông bán, thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng. “Chồn là loài dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc nhưng cũng cần theo dõi thường xuyên để xử lý khi có tình huống bất ngờ. Do vốn ban đầu khá cao nên tốt nhất là mua vài cặp rồi từ từ gầy ra. Người nuôi nên chọn giống ở những chỗ uy tín để tránh ảnh hưởng đến chất lượng đàn vật nuôi sau này” - ông Nhân chia sẻ thêm.
Mới đây, ông Nhân mua thêm 5 con hươu sao ở tỉnh Hà Tĩnh để nuôi thử nghiệm. Đối với loài này, ông không nhốt trong chuồng mà thả ngoài vườn, nhờ đó, hươu phát triển nhanh, cho những sản phẩm nhung hươu đầu tiên. Ngoài chăn nuôi, ông còn cho thuê xe du lịch tự lái để tăng thêm nguồn thu. Mô hình nông nghiệp của ông Nhân được sự quan tâm của chính quyền địa phương và nhiều nông dân trong vùng. Ai có nhu cầu học hỏi để cải thiện kinh tế gia đình, ông đều nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ.
Từ chỗ “chân lấm, tay bùn”, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì ngày nay, ông Nhân có nhiều thời gian rảnh rỗi và thu nhập cao hơn nhờ áp dụng mô hình mới. Đó là nhờ tinh thần “dám nghĩ, dám làm” và tư duy nhạy bén của ông./.
Châu Thanh
Nguồn: https://baolongan.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-chon-huong-khep-kin-a195504.html
Bình luận (0)