Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Longform | Tây Bắc đồng lòng, nông sản bản địa vươn mình lớn dậy

Liên kết, tổ chức lại sản xuất, chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại bài bản, chiến lược... Đó là những giải pháp để nông sản Tây Bắc vươn xa.

Báo Công thươngBáo Công thương05/07/2025

Longform | Tây Bắc đồng lòng, nông sản bản địa vươn mình lớn dậy - 1

 

Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, cũng là nơi sở hữu nhiều đặc sản có một không hai. Từ những quả xoài Mường La ngọt sắc, mận hậu Mộc Châu tím đượm sương, đến cà phê Arabica quyến rũ của Sơn La, sâm Lai Châu nức tiếng với giá trị dược liệu đặc biệt… Không ít sản phẩm đã có mặt trên bàn ăn quốc tế.

Đơn cử, tại Sơn La, bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La cho biết, tổng diện tích cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm toàn tỉnh ước đạt gần 119.898ha.

Longform | Tây Bắc đồng lòng, nông sản bản địa vươn mình lớn dậy - 2

 

Tổng sản lượng quả sản xuất tại Sơn La được tiêu thụ qua 3 kênh (trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu). Một số sản phẩm quả tươi như xoài, nhãn đã có mặt tại các hệ thống phân phối lớn như: Winmart, Big C, Lotte, Hapro... và được tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hưng yên, Thanh Hóa…

Tại Điện Biên, tổng diện tích cây ăn quả hiện ước đạt 4.045ha. Ngành hàng cây ăn quả bước đầu chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, tạo thành vùng nguyên liệu phục vụ liên kết và chế biến sản phẩm.

Ông Lò Hồng Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên cho biết, toàn tỉnh đã hình thành 5 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại các nơi: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà và TP Điện Biên Phủ, với tổng diện tích cây ăn quả ước đạt 3.000ha.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các địa phương, nông nghiệp vùng Tây Bắc đã có bước phát triển khá toàn diện.

Longform | Tây Bắc đồng lòng, nông sản bản địa vươn mình lớn dậy - 3

 

Giá trị hàng hóa nông sản Tây Bắc tham gia xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 245 triệu USD. Một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu gồm: cà phê hơn 90 triệu USD; chè 22 triệu USD; tinh bột sắn hơn 36 triệu USD; nhãn, xoài khoảng 30 triệu USD; tinh dầu quế khoảng 22 triệu USD…

Sở hữu tiềm năng lớn như vậy song điểm nghẽn lớn nhất của khu vực này là sản phẩm chưa có vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế, chưa được truy xuất điện tử bài bản, thiếu bao bì chuyên nghiệp, và rất ít đạt các chứng nhận như GlobalGAP, Rainforest, UTZ Certified. Hạ tầng logistics yếu kém, thiếu kho lạnh, chế biến chủ yếu ở quy mô hộ gia đình hoặc sơ chế đơn giản.

Tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc” tổ chức đầu tháng 7/2025 tại Sơn La, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam chỉ rõ: “Ai làm chủ được vùng nguyên liệu, người đó làm chủ được chuỗi giá trị. Tây Bắc cần tổ chức lại sản xuất theo hướng chuẩn hóa từ giống, canh tác, thu hoạch, đến chế biến và tiếp thị, chứ không thể trông chờ mãi vào lợi thế tự nhiên”.

Longform | Tây Bắc đồng lòng, nông sản bản địa vươn mình lớn dậy - 4

 

Ông Lê Quốc Doanh - Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam nêu cảnh báo, hiện dện tích cà phê Tây Bắc tăng hơn 50%, sản lượng tăng trên 260% trong 10 năm, nhưng tỷ lệ đạt chứng nhận chất lượng quốc tế còn rất thấp. Thiếu công nghệ, thiếu tổ chức chuỗi, thiếu đầu tư bài bản khiến chúng ta vẫn chỉ xuất thô. Đó là sự lãng phí tài nguyên rất lớn”.

Tại diễn đàn, đại diện Sở Nông nghiệp các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cùng đưa ra hàng loạt kiến nghị: cần quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp từng cây chủ lực; cấp mã số vùng trồng và truy xuất điện tử; đầu tư cụm công nghiệp chế biến ngay tại địa phương; phát triển kho lạnh, logistics và chuyển đổi số mạnh mẽ.

Longform | Tây Bắc đồng lòng, nông sản bản địa vươn mình lớn dậy - 5

 

Một trong những khuyến nghị quan trọng là phải thay đổi tư duy tổ chức sản xuất từ “mạnh ai nấy làm” sang mô hình chuỗi khép kín “Doanh nghiệp – Hợp tác xã – Nông dân”.

Ông Đinh Cao Khuê – Chủ tịch HĐQT Công ty Đồng Giao (Doveco) chia sẻ: “Chúng tôi không thể thu mua nông sản nếu không kiểm soát được chất lượng đầu vào. Doanh nghiệp phải vào cuộc từ đầu vụ, từ giống, quy trình canh tác, đến bao tiêu. Nhưng muốn làm được vậy, người nông dân và HTX cũng phải chuyên nghiệp hóa. Chính vì vậy, Doveco đã xây dựng các nhà máy sản xuất đặt tại vùng nguyên liệu, trong đó có Sơn La nhằm thúc đẩy sản xuất và chế biến sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản địa phương”.

Longform | Tây Bắc đồng lòng, nông sản bản địa vươn mình lớn dậy - 6

 

Sơn La hiện có 216 mã số vùng trồng, 201 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, hơn 5.500 ha sản xuất theo VietGAP, và gần 30.000 tấn cà phê được chứng nhận bền vững. Nhưng điều này vẫn là chưa đủ nếu thiếu liên kết tiêu thụ và cơ chế hợp đồng ổn định giữa nông dân doanh nghiệp.

Một điểm nóng khác được đưa ra là tình trạng giả mạo nguồn gốc đối với các đặc sản quý như sâm Lai Châu. Ông Bùi Huy Phương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lai Châu thẳng thắn: “Chúng tôi đã phát hiện hơn 40 vụ buôn bán sâm giả. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu của địa phương mà còn là mối đe dọa với toàn ngành dược liệu quốc gia.”

Giải pháp được kiến nghị: xây dựng vườn giống gốc, công nghệ trồng sâm trong điều kiện tự nhiên nghiêm ngặt, kiểm soát truy xuất điện tử và đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, cần cơ chế ưu đãi riêng cho loại dược liệu đặc biệt này – từ thuế, tín dụng, đến chính sách bảo hộ giống.

Bài học từ các địa phương đã thành công trong việc giải bài toán đầu ra cho sản phẩm chính là chuỗi liên kết. Sơn La - “thủ phủ nông nghiệp Tây Bắc” đang là minh chứng rõ ràng nhất. Tỉnh đặt mục tiêu duy trì 90.000 ha cây ăn quả, 25.000 ha cà phê đến 2030. Cùng với 560 cơ sở chế biến, 320 cơ sở đóng gói, hệ thống kho lạnh đang được hình thành và kết nối với các trung tâm logistics ở Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng.

Tổng sản lượng cây ăn quả sản xuất tại Sơn La được tiêu thụ qua 3 kênh (trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu). Một số sản phẩm quả tươi như xoài, nhãn đã được phân phối, tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị lớn như: Winmart, Big C, Lotte, Hapro... ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thanh Hóa…

Năm 2024, Sơn La xuất khẩu khoảng 8.900 tấn chè (trị giá 21,9 triệu USD), 31.700 tấn cà phê (trị giá 88,77 triệu USD), 7.600 tấn xoài tươi (trị giá 1,876 triệu USD) và 7.200 tấn chuối tươi (trị giá 2,1 triệu USD).

Ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng: "Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi là một yêu cầu tất yếu để phát huy lợi thế và hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả, cây công nghiệp của Sơn La cũng như của các tỉnh khu vực Tây Bắc".

Trong định hướng sắp tới, ông Nguyễn Thành Công cho biết, tỉnh Sơn La xác định rõ nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đi vào chiều sâu, nâng cao hàm lượng chế biến sau thu hoạch, thúc đẩy sản phẩm đặc sản, có thế mạnh gắn với thị trường. Theo đó, Sơn La đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, bền vững, nơi cây trồng không chỉ là sinh kế, mà còn là sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường.

Longform | Tây Bắc đồng lòng, nông sản bản địa vươn mình lớn dậy - 7

 

Còn Điện Biên và Lai Châu cũng đang quy hoạch vùng chuyên canh chè, mắc ca, sâm, cao su và cây ăn quả, đi cùng mong muốn thu hút đầu tư vào cụm chế biến và sàn giao dịch nông sản.

Longform | Tây Bắc đồng lòng, nông sản bản địa vươn mình lớn dậy - 8

 

Tổng kết tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, để tìm đầu ra bền vững cho nông sản địa phương, giải pháp trọng tâm là tái cơ cấu sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Khẩn trương hoàn thành việc xác định vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực đến cấp xã, theo hướng tập trung, liền vùng, liền thửa, thuận tiện cho cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng và liên kết sản xuất.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu, lấy Sơn La làm hạt nhân kết nối với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Tăng cường hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống sơ chế, đóng gói, kho lạnh tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, đại lý thu gom.

Mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa đầu ra. Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kết nối nông sản Tây Bắc vào chuỗi siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn công nghiệp, khu du lịch; đưa nông sản vào chuỗi siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn tập thể, khu du lịch.

Không ai hiểu nông sản Tây Bắc bằng chính đồng bào nơi đây. Nhưng để sản phẩm bản địa bước chân vững vàng vào các thị trường khó tính, họ cần một chiếc cầu nối: từ cơ quan quản lý hoạch định chính sách, doanh nghiệp làm hạt nhân liên kết chuỗi, HTX làm tổ chức trung gian và truyền thông, xúc tiến chuyên nghiệp.

Longform | Tây Bắc đồng lòng, nông sản bản địa vươn mình lớn dậy - 9

 

Liên kết thông minh, hành động cụ thể và cam kết dài hạn, đó là cách để sản phẩm của bà con vùng cao không còn phụ thuộc mùa vụ, giá cả bấp bênh hay đầu ra tạm bợ. Khi được tổ chức bài bản, chính những “món quà đại ngàn” ấy sẽ trở thành thương hiệu quốc gia, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững, và nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp toàn cầu.

Tây Bắc hiện là khu vực trồng cây ăn quả lớn của cả nước, ngoài ra Tây Bắc còn có khoảng 40.000 tấn cà phê chè (Arabica). Nếu trước đây, sản xuất nông nghiệp chủ yếu tự sản tự tiêu thì gần chục năm nay, khu vực Tây Bắc dần trở thành vùng sản xuất nông lâm sản quy mô hàng hóa lớn. Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Vì thế, việc tổ chức kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản của khu vực Tây Bắc là đòi hỏi cấp bách, có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy hiệu quả kinh tế từ những loại nông lâm sản này, cải thiện đời sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài: Bảo Ngọc; Đồ hoạ: Ngọc Lan

Nguồn: https://congthuong.vn/longform-tay-bac-dong-long-nong-san-ban-dia-vuon-minh-lon-day-409361.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm