Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lựa chọn xanh và bản địa là nền tảng cho du lịch Đà Nẵng

Địa giới hành chính Đà Nẵng mới đã chính thức mở ra một kỷ nguyên phát triển đầy hứa hẹn cho đô thị biển miền Trung. Trong bức tranh tổng thể ấy, du lịch - với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần được xác lập một tầm vóc và định hướng mới. Đó là du lịch xanh, bền vững và bản sắc văn hóa làm nền tảng xuyên suốt.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng27/07/2025

3_b.jpg
Du khách thưởng thức bánh xèo. Ảnh: NGUYỄN XUÂN HÀ

Một hệ sinh thái du lịch gắn liền với bảo tồn thiên nhiên sẽ phải là điều cần đạt được. Du lịch xanh không chỉ là đích đến của một thành phố văn minh, mà là hành trình thay đổi cách nhìn về du lịch.

Tài nguyên phong phú

Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng đã xây dựng được thương hiệu là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam. Địa phương này nổi bật với vẻ đẹp của bãi biển dài, cơ sở hạ tầng hiện đại, cùng khả năng tổ chức các sự kiện và hội nghị (MICE) tầm cỡ quốc tế. Thành phố đã thành công trong việc thu hút một lượng lớn du khách, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, mô hình phát triển này thường tập trung vào các khu vực đô thị và sản phẩm du lịch quy mô lớn, đôi khi chưa khai thác hết chiều sâu văn hóa hay tiềm năng du lịch sinh thái ở những vùng ven đô. Đà Nẵng cũng đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh về điểm đến với Thái Lan, Malaysia... hay rủi ro từ tốc độ phát triển quá nóng với những xung đột lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, nguy cơ thương mại hóa di sản…

Việc sáp nhập địa giới hành chính và mở rộng không gian phát triển mới, không chỉ đơn thuần gia tăng diện tích mà quan trọng hơn đã mở ra một kho tàng tài nguyên phong phú và đặc sắc.

Vùng đất Quảng Nam cũ, nay là một phần rộng lớn của Đà Nẵng, sở hữu hệ sinh thái đa dạng từ rừng, sông, hồ, thác đến đồi núi, cùng với đó là bề dày lịch sử và văn hóa đậm đặc cùng bản sắc riêng có. Đó là những làng nghề truyền thống, những di tích lịch sử cách mạng, những lễ hội dân gian và một nền ẩm thực địa phương độc đáo - những giá trị mà Đà Nẵng trước đây chưa có đủ không gian để khai thác triệt để.

Du lịch xanh và bản sắc - hòa quyện giá trị mới và cũ

Thời điểm này là cơ hội vàng để Đà Nẵng dịch chuyển từ mô hình tăng trưởng “nóng” sang phát triển “xanh” và “bền vững” hơn một cách xuyên suốt.

niem_thich_thu_coi_trau_cua_du_khach_den_tu_australia(1).jpg
Du khách hào hứng trải nghiệm dịch vụ du lịch ở mùa lúa chín của Hội An. Ảnh: Phan Vũ Trọng

Sự tích hợp những giá trị mới này không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, giảm áp lực lên các khu vực trung tâm mà còn tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, đồng thời nâng tầm thương hiệu du lịch Đà Nẵng lên một vị thế mới: một điểm đến toàn diện, hấp dẫn với sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống.

Khái niệm “xuyên suốt” ở đây không chỉ dừng lại ở việc phát triển thêm vài sản phẩm du lịch xanh hay văn hóa đơn lẻ. Nó đòi hỏi sự chuyển đổi tư duy toàn diện - nơi du lịch xanh, bền vững và có bản sắc trở thành triết lý cốt lõi, kim chỉ nam cho mọi hoạt động từ quy hoạch, đầu tư, phát triển sản phẩm, đến quản lý, vận hành và quảng bá.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực phát triển, du lịch xanh là giải pháp tối ưu để bảo vệ các giá trị thiên nhiên quý giá và biến các thách thức môi trường thành động cơ tăng trưởng, tận dụng nguồn lực sẵn có của Đà Nẵng mới sở hữu.

Và với sự tham gia của cộng đồng và yếu tố di sản văn hóa bản địa, du lịch sẽ không còn đơn thuần là đón tiếp du khách mà trở thành hành trình chia sẻ, khám phá và bảo tồn. Du lịch nông thôn - nông nghiệp, du lịch cộng đồng sẽ góp phần tạo sinh kế, giữ nghề, giữ đất, giữ người.

Cần giải pháp tổng thể và phù hợp

Để biến tầm nhìn này thành hiện thực, Đà Nẵng cần triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trọng tâm.

Hội An đã hình thành các tour lữ hành dẫn khách trải nghiệm mùa lúa chín.
Hội An đã hình thành các tour lữ hành dẫn khách trải nghiệm mùa lúa chín - tận dụng tài nguyên bản địa để thu hút khách. Ảnh: Phan Vũ Trọng

Trước hết, cần rà soát và cập nhật quy hoạch du lịch tổng thể của thành phố Đà Nẵng mới, trong đó du lịch xanh và văn hóa bản địa được xác định là trục chính. Đồng thời ưu tiên bảo vệ không gian xanh và các vùng văn hóa truyền thống khỏi sự đô thị hóa và thương mại hóa quá mức.

Bên cạnh đó, việc đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt. Cần phát triển các sản phẩm du lịch

sinh thái đặc thù như du lịch rừng, du lịch đường sông, du lịch nông trại, cùng với việc xây dựng các tour văn hóa - lịch sử sâu sắc khai thác giá trị làng cổ, làng nghề, di tích. Điều quan trọng là phải lồng ghép yếu tố xanh vào tất cả sản phẩm du lịch hiện có và khuyến khích các hoạt động du lịch có trách nhiệm.

Nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng là giải pháp không thể thiếu. Việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch với kiến thức sâu về văn hóa bản địa và môi trường là cấp thiết.

Cần xây dựng các chương trình giáo dục du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, miền núi, để người dân chủ động tham gia và hưởng lợi từ du lịch bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, mỗi vùng phát triển du lịch có ít nhất một sản phẩm hoặc điểm đến đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng dịch vụ, môi trường hoặc trải nghiệm văn hóa (theo tiêu chuẩn GSTC, Green Destination hoặc tương đương).

Cuối cùng, một cơ chế điều phối và liên kết toàn thành phố là vô cùng cần thiết. Có thể xem xét thành lập một Hội đồng Phát triển Du lịch thành phố Đà Nẵng mở rộng hoặc cơ chế tương đương nhằm đồng bộ hóa chính sách, phân bổ đầu tư, kết nối sản phẩm và chia sẻ lợi ích giữa các khu vực. Điều này đảm bảo sự liên kết hài hòa giữa các giá trị du lịch hiện có và tiềm năng mới, tránh chồng chéo, cạnh tranh nội bộ không cần thiết, và tạo ra một hệ sinh thái du lịch thống nhất.

Đà Nẵng cũng cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các địa phương lân cận và tham gia sâu vào các mạng lưới du lịch quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và quảng bá hiệu quả.

Việc xác lập du lịch xanh, bền vững, dựa trên văn hóa bản địa làm nền tảng chiến lược và xuyên suốt trong quy hoạch, quản lý và tổ chức sản phẩm du lịch không chỉ là một lựa chọn phù hợp với xu thế thời đại mà còn là giải pháp căn cơ để Đà Nẵng phát triển vững chắc.

Bằng cách xây dựng một hệ sinh thái du lịch đa dạng, nơi sự hiện đại và bản sắc truyền thống hòa quyện, Đà Nẵng không chỉ nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn định vị mình là một cực tăng trưởng du lịch xanh, giàu bản sắc của Việt Nam, sẵn sàng vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Bộ tiêu chí du lịch xanh - hành lang mới cho tương lai bền vững

Sau khi sáp nhập hành chính với Quảng Nam, Đà Nẵng không chỉ chia sẻ hạ tầng tài nguyên cảnh quan mà cần thiết phải tiếp tục áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam (cũ) đã ban hành. Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, cần xem bộ tiêu chí này như một nền tảng để phát triển, nâng cấp du lịch vùng.

Theo ông Sơn, cần định hướng nâng cấp bộ tiêu chí này theo lộ trình 3 bước, tham khảo các tiêu chuẩn toàn cầu như Green Key (chương trình quốc tế về quản lý và giảm tiêu thụ năng lượng và tài nguyên trong các khách sạn và cơ sở lưu trú), GSTC ( Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu).

Có thể bổ sung các yếu tố còn thiếu và mời Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) hoặc GSTC đánh giá tính khả thi; khi thí điểm tại Đà Nẵng trong giai đoạn 2026 - 2027, áp dụng thử nghiệm cho 10 khách sạn ven biển Đà Nẵng, cấp chứng nhận “Green Destination Da Nang” với logo riêng. Đồng thời tiến đến nhân rộng toàn quốc giai đoạn 2028 - 2030, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận bộ tiêu chí này là tiêu chuẩn quốc gia.

Nguồn: https://baodanang.vn/lua-chon-xanh-va-ban-dia-la-nen-tang-cho-du-lich-da-nang-3297985.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm