Lùm xùm yến sào hơn 13.000 đồng/hũ của TikToker Quyền Leo Daily quảng cáo
Gần đây, cộng đồng mạng xôn xao về sản phẩm yến sào bán qua các phiên livestream (bán hàng trực tuyến) bởi cặp vợ chồng nổi tiếng trên nền tảng TikTok với tài khoản Quyền Leo Daily - tên thật là Lã Quốc Quyền và Nguyễn Lan Anh.
Theo đó, trong nhiều phiên livestream vài tháng gần đây, vợ chồng TikToker này thường xuyên livestream quảng cáo bán các sản phẩm liên quan đến yến như yến vụn, yến sào chưng sẵn...
Đáng chú ý là sản phẩm combo 33 hũ yến tươi chưng sẵn dung tích 70ml với giá 699.000 đồng, tương đương chỉ khoảng 21.000 đồng/lọ. Hay combo 20 hũ giá 500.000 đồng, tương đương 25.000 đồng/lọ.
Thậm chí có thời điểm một số người tiêu dùng cho biết mua sản phẩm này trên livestream của vợ chồng này với giá 658.000 đồng/thùng 50 lọ, tương đương chỉ hơn 13.000 đồng/lọ. Sản phẩm thường được Quốc Quyền quảng cáo là yến sào 35% (tỷ lệ tổ yến nguyên chất được sử dụng trong sản phẩm - PV).

Sản phẩm được TikToker này quảng cáo là "yến sào 35%" nhưng giá bán chỉ hơn 13.000 đồng/lọ (Ảnh: Chụp màn hình).
Với giá siêu rẻ chỉ hơn 13.000 đồng/lọ chứa 35% yến sào, không ít người tiêu dùng bày tỏ hoài nghi về chất lượng sản phẩm. Giá mặt hàng này cũng rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm được bán trên thị trường của một số thương hiệu lớn và lâu năm trên thị trường.
Chẳng hạn sản phẩm nước yến sào Khánh Hòa Sanest của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa sản xuất có giá niêm yết là 338.000 đồng/hộp 8 lọ, tương đương hơn 42.000 đồng/lọ 70ml. Theo thành phần công bố trên website, sản phẩm này có chứa 21% yến sào.
Theo tìm hiểu, các sản phẩm mà Quyền Leo Daily quảng cáo thuộc thương hiệu Thế Giới Yến Sào - Nguyễn Thúy. Trên nhãn sản phẩm cho biết được sản xuất bởi Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Yến Sào Group, sản xuất tại TP Bến Cát, Bình Dương; sản phẩm của Hộ kinh doanh Thúy Thế Giới Yến Sào do bà Nguyễn Thị Thúy làm người đại diện pháp luật. Bà Thúy còn là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thế Giới Yến Sào Group (quận Tân Bình, TPHCM).
Tuy nhiên, hiện nay, trên giỏ hàng TikTok Shop của tài khoản Thế Giới Yến Sào - Nguyễn Thúy đã gỡ toàn bộ sản phẩm yến chưng sẵn, chỉ còn bán set yến tự chưng. Một số video quảng cáo sản phẩm này trên kênh TikTok của vợ chồng Quyền Leo Daily cũng không thể truy cập.
Doanh nhân Hồ Nhân - con rể gia tộc Sơn Kim qua đời
Doanh nhân Hồ Nhân, Chủ tịch HĐQT Nanogen, người đứng sau vaccine Nanocovax và con rể gia tộc Sơn Kim, qua đời đột ngột.
Tối 12/5, bà Nguyễn Thị Sơn - nhà sáng lập Sơn Kim Group, đồng thời là mẹ vợ ông Hồ Nhân - đã chia sẻ dòng trạng thái trên mạng xã hội, tưởng niệm con rể "Mẹ biết con là chàng trai có nhiều hoài bão trong sự nghiệp, có nhiều mong muốn đóng góp cho xã hội, và con đã chứng minh con làm được... Vĩnh biệt con rể Hồ Nhân".
Theo tìm hiểu, ông Hồ Nhân sinh năm 1966, là Việt kiều Mỹ, lớn lên tại New York, tốt nghiệp tiến sĩ công nghệ sinh học tại Đại học Arizona (Mỹ). Trước khi trở về Việt Nam định cư năm 2006, ông từng có gần 20 năm nghiên cứu và làm việc trong ngành y sinh học quốc tế, tham gia nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập trong lĩnh vực dược phẩm, bệnh viện và thiết bị y tế.
Ông cũng từng dẫn đầu nhóm định giá cổ phiếu ngành y tế của một quỹ đầu tư tại Hong Kong (Trung Quốc), với quy mô lên tới hàng tỷ USD.
Tháng 9/1997, ông Hồ Nhân thành lập Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen, đồng thời giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc trong nhiều năm. Ông được biết đến như "cha đẻ" của vaccine Nanocovax - một trong những ứng viên vaccine phòng Covid-19 đầu tiên do Việt Nam nghiên cứu và phát triển.

Doanh nhân Hồ Nhân (Ảnh: Nanogen).
Theo thông tin cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp, từ ngày 29/12/2021, ông Hồ Nhân không còn là người đại diện theo pháp luật của Nanogen. Chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc được chuyển giao cho bà Nguyễn Thị Hồng Vân - vợ ông Nhân, hiện là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Sơn chia sẻ với truyền thông và cho biết ông Hồ Nhân vẫn là Chủ tịch HĐQT Nanogen.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân là trưởng nữ trong gia tộc Sơn Kim. Bà là con gái của bà Nguyễn Thị Sơn - người sáng lập Đại Thành, doanh nghiệp dệt may nổi tiếng từ thập niên 1950.
Sau này, thế hệ thứ ba của gia đình phát triển thành SonKim Group (từ năm 1993), mở rộng hoạt động sang bất động sản, bán lẻ và truyền thông, quản lý nhiều thương hiệu quốc tế tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh lĩnh vực công nghệ sinh học, ông Hồ Nhân còn tham gia đầu tư tài chính. Ông từng là thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán Vina (VinaSecurities) từ tháng 4/2013 đến tháng 9/2017. Ông cũng từng là cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Dịch vụ Một Thế Giới (ONW), sở hữu tới 15,8% cổ phần tính đến tháng 11/2016.
Tỷ phú Vượng lập công ty làm dự án đường sắt cao tốc 61 tỷ USD
Ngày 14/5, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Dự án có vốn đầu tư khoảng 1,5 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.
Trong đó, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312.000 tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.
Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed được đăng ký thành lập vào ngày 6/5. Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Vinspeed có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng.
6 cổ đông sáng lập gồm tổ chức và cá nhân, bao gồm: Tập đoàn Vingroup góp 600 tỷ đồng, sở hữu 10% cổ phần; Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam góp 2.100 tỷ đồng, sở hữu 35% cổ phần; Bà Phạm Thúy Hằng (Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup) góp 180 tỷ đồng, sở hữu 3% cổ phần; Ông Phạm Nhật Vượng góp 3.060 tỷ đồng, sở hữu 51% cổ phần; Ông Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Quân Anh mỗi người góp 30 tỷ đồng, sở hữu tương ứng 0,5% cổ phần.
Ông Phạm Nhật Vượng là Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của VinSpeed. Ngoài VinSpeed, tỷ phú Phạm Nhật Vượng trực tiếp nắm cổ phần chi phối một số công ty khác như VinRobotics, VinEnergo, Xanh SM.
Ông Nguyễn Quốc Cường: Tôi may mắn là con bà Loan
Chiều 17/5, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Cuộc họp có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Như Loan - nhà sáng lập công ty.
Phát biểu trước cổ đông, ông Nguyễn Quốc Cường - Tổng giám đốc - nói may mắn góp mặt khoảng 15 năm trong hành trình 30 năm hoạt động của công ty. Ông cũng bày tỏ may mắn là con bà Loan, 30 năm chứng kiến nhiều sự hy sinh của mẹ với Quốc Cường Gia Lai.
Thậm chí, ông Cường nói kể cả khi đi máy bay, bà Loan cũng chỉ đi hạng thường thay vì hạng thương gia. Cả cuộc đời bà Loan đã cống hiến cho Quốc Cường Gia Lai, hy sinh thời gian cá nhân và tự do bản thân.
Năm nay, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, lần lượt tăng 274% và 306% so với thực hiện năm trước.

Ông Nguyễn Quốc Cường - Tổng giám đốc công ty (Ảnh: Khổng Chiêm).
Ông cũng nêu kế hoạch cụ thể với các dự án đang và sắp triển khai của công ty như Marina Đà Nẵng, dự án 6B ở huyện Bình Chánh (TPHCM), chung cư Lavida Plus ở quận 7 (TPHCM)...
Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai đang thực hiện pháp lý đầu tư đối với dự án Phạm Gia 9,4ha tại QL50 Bình Chánh (TPHCM) và Chung cư sông Sài Gòn. Hai dự án này đã được đền bù 100%, đang xin thí điểm theo Nghị quyết 171 trong danh sách tháo gỡ sớm của TPHCM.
Bên cạnh đó, dự án Phước Kiển (liên quan số tiền 2.882 tỷ đồng phải trả cho bà Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát) cũng được ông Cường nhắc đến. Về phương án thanh toán số tiền này, ông Cường nói có nhiều giải pháp đưa ra, bao gồm chia làm nhiều đợt, diễn ra từ quý III năm nay và kết thúc vào nửa đầu năm 2027. Nếu dòng tiền ổn định, công ty có thể thanh toán sớm hơn.
Cầu mới xây sụt lún đường dẫn ở Tây Ninh: Hồ sơ nhà thầu "quen mặt"
Khoảng 4h ngày 11/5, đoạn đường dẫn lên cầu Hòa Bình (xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, Tây Ninh) bất ngờ bị sụt lún , tạo thành hố sâu khoảng 3m. Trước đó hơn 2 tuần, cầu Hòa Bình vừa được khánh thành.
Báo cáo của UBND huyện Châu Thành và Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh cho biết, nguyên nhân được dự đoán là túi bùn cục bộ nằm bên dưới đường dẫn cầu bị trượt, gây sụt lún nền, mặt đường.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử huyện Châu Thành (Tây Ninh), nhà thầu thi công cầu Hòa Bình - công trình vừa xảy ra sụt lún - là Công ty TNHH Vũ Hoan. Đơn vị này đã trúng gói thầu xây lắp cầu và đảm bảo giao thông trong quá trình thi công với giá thắng thầu là 24,4 tỷ đồng, thực hiện trong 360 ngày. Gói thầu sử dụng vốn ngân sách của tỉnh và huyện.
Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Vũ Hoan, địa chỉ tại ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Doanh nghiệp được thành lập vào tháng 12/2008, do ông Vũ Ngọc Hoan (sinh năm 1977) giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc, người đại diện pháp luật. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở.
Ghi nhận cho thấy trong gần 5 năm qua, Công ty TNHH Vũ Hoan đã nhiều lần tăng vốn điều lệ. Từ 4 tỷ đồng (năm 2016), vốn điều lệ doanh nghiệp đã tăng gấp 50 lần lên 200 tỷ đồng (năm 2024).
Cụ thể, trước thời điểm tháng 3/2016, doanh nghiệp có vốn điều lệ 4 tỷ đồng. Trong đó, ông Vũ Ngọc Hoan góp 3,2 tỷ đồng, tương đương 80% vốn góp, ông Vũ Đình Thiêm góp 800 triệu đồng tương đương 20% vốn góp.
Đến cuối tháng 3/2016, doanh nghiệp tăng vốn gấp 5 lần lên 20 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn vẫn không thay đổi. Theo đó, ông Hoan góp 16 tỷ đồng, ông Thiêm góp 4 tỷ đồng.
Đến tháng 7/2019, Công ty TNHH Vũ Hoan tăng vốn lên 60 tỷ đồng. Trong đó, ông Vũ Ngọc Hoan góp 48 tỷ đồng, tương đương 80% vốn góp, ông Vũ Đình Thiêm góp 12 tỷ đồng, tương đương 20% vốn góp. Đến tháng 2/2021, doanh nghiệp tăng vốn lên 80 tỷ đồng, tỷ lệ góp vốn vẫn giữ nguyên.
Gần nhất vào tháng 1/2024, công ty tăng mạnh vốn từ 80 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn vẫn là ông Hoan góp 160 tỷ đồng và ông Thiêm góp 40 tỷ đồng. Ông Vũ Ngọc Hoan vẫn giữ vị trí Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.
Đến nay, nhà chức trách địa phương chưa công bố kết luận sự cố sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình. Các chuyên gia cho rằng trách nhiệm không nhất thiết thuộc về nhà thầu xây lắp mà cần tính đến khả năng có lỗi ở khâu khảo sát, thiết kế kỹ thuật.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/lum-xum-yen-sao-hon-13000-donghu-doanh-nhan-ho-nhan-qua-doi-20250518015118886.htm
Bình luận (0)