Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mang "núi đồ ăn" du lịch: Gắn kết gia đình hay gây khó cho ngành du lịch?

(Dân trí) - Nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ việc chuẩn bị đồ ăn, thực phẩm sẵn từ nhà khi đi du lịch để tiết kiệm, một số người lại cho rằng nó làm giảm trải nghiệm và ảnh hưởng đến ngành du lịch.

Báo Dân tríBáo Dân trí27/07/2025

Vào dịp hè hoặc các kỳ nghỉ lễ dài ngày, nhiều gia đình thường lựa chọn du lịch để nghỉ ngơi, thư giãn và tăng thêm sự gắn kết giữa các thành viên. Bên cạnh vali quần áo, không ít người còn mang theo cả thực phẩm, gia vị, đồ ăn sẵn… như thể đang “chuyển cả nhà bếp” đến nơi nghỉ dưỡng.

Mới đây, chia sẻ trải nghiệm của một đại gia đình mang theo rất nhiều hải sản tươi sống từ Hà Nội tới Sầm Sơn du lịch, nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Theo người đăng tải, đại gia đình gồm 23 thành viên, từ người già đến trẻ nhỏ, thuê một căn villa để nghỉ dưỡng trong 4 ngày.

Dù đi biển, gia đình vẫn chuẩn bị sẵn khối lượng thực phẩm khổng lồ gồm 15kg cua mua từ Quảng Ninh, hàu tươi, tôm, ốc hương… Cùng với đó là 100 quả trứng gà, trứng vịt lộn, rau xanh đã sơ chế, bánh cuốn, gia vị... tất cả được bảo quản cẩn thận trong các thùng xốp.

Sau khi bài viết được đăng tải, rất nhiều độc giả của Dân trí đưa ra quan điểm riêng về vấn đề này.

Mang núi đồ ăn du lịch: Gắn kết gia đình hay gây khó cho ngành du lịch? - 1
Gia đình Hà Nội ví von mang cả "tiệm tạp hóa" khi du lịch Hạ Long 3 ngày (Ảnh: Đỗ Hoàng Nam).

Một bộ phận người cho rằng, việc chuẩn bị sẵn đồ ăn khi đi du lịch là lựa chọn hợp lý vì vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo vệ sinh, phù hợp khẩu vị và tránh bị “chặt chém”. Đặc biệt, hoạt động nấu nướng và ăn uống cùng nhau không chỉ giúp kết nối các thành viên mà còn tạo nên không khí ấm cúng, gần gũi.

Độc giả Thủy Nguyễn chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng tình với gia đình này. Đi nghỉ mà vẫn có thể quây quần bên nhau nấu nướng, thưởng thức những món ăn quen thuộc thì còn gì vui hơn. Trẻ nhỏ hay người già cũng dễ ăn uống hơn”.

Tài khoản Ngọc Minh cũng đồng quan điểm: “Mang đồ ăn đi không có nghĩa là keo kiệt. Với những gia đình đông người, khẩu vị đa dạng, việc chuẩn bị trước ở nhà là cách làm hợp lý, tiết kiệm mà vẫn đảm bảo chất lượng”.

Cùng chung nhận định, tài khoản Nguyễn Nga cho rằng, việc thuê villa để nghỉ dưỡng đồng nghĩa với việc các gia đình có thể thoải mái sinh hoạt theo cách riêng. 

“Nếu muốn, họ vẫn có thể mua thêm thực phẩm tại chỗ. Nhưng đi vào mùa mưa bão, có sẵn đồ ăn mang theo thì cả nhà cùng nấu nướng, quây quần bên nhau lại càng thêm gắn kết”, chị nói.

Độc giả này cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm cá nhân về sự cố từng bị “chặt chém” khi mua hải sản ở Sầm Sơn. 

Đầu tháng 7, khi đưa mẹ đi du lịch cùng công ty, bà dễ dàng phát hiện thấy tiểu thương ở chợ hải sản cân trọng lượng hàng hóa không chính xác.

“Mẹ tôi đi chợ thường xuyên nên dễ nhận ra. Khi bà lên tiếng thì người bán mới chịu điều chỉnh lại cân. Tôm mua ở đó còn nhỏ hơn loại tôi đang bán ở ngoại thành Hà Nội mà giá lại cao hơn.

Ví dụ, tại Hà Nội loại tôm to thường có giá 230.000-240.000 đồng/kg. Trong khi tôm ở Sầm Sơn loại nhỏ được tiểu thương chào giá 250.000 đồng/kg. Đến người có kinh nghiệm như mẹ tôi còn mua nhầm, huống hồ là khách du lịch”, chị Nga bức xúc.

Dù khẳng định Sầm Sơn vẫn là điểm đến được nhiều người yêu thích mỗi dịp hè, vị khách cho rằng nơi đây vẫn tồn tại không ít bất cập và khẳng định chỉ chia sẻ thực tế, không có ý chỉ trích hay ghét bỏ.

Mang núi đồ ăn du lịch: Gắn kết gia đình hay gây khó cho ngành du lịch? - 2
Một gia đình mang theo thùng xôi to, nồi thịt kho để đảm bảo đủ lương thực cho cả đoàn khi du lịch (Ảnh cắt từ clip).

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, không ít người lại phản đối việc mang quá nhiều đồ ăn khi đi du lịch, cho rằng điều này làm mất đi giá trị nghỉ dưỡng và thư giãn của chuyến đi.

Anh Trần Văn Sĩ thẳng thắn chia sẻ: “Đã đi du lịch mà còn tính toán chi ly như vậy thì ở nhà cho khỏe. Nếu ai cũng làm thế thì hàng quán địa phương sống bằng gì?”

Tài khoản HoanLe cũng đồng tình: “Chi tiêu khi đi du lịch chính là cách để góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Nếu không tiêu dùng, không sử dụng dịch vụ thì làm sao ngành du lịch phát triển được?”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến dung hòa, cho rằng việc mang theo đồ ăn hay không là lựa chọn cá nhân, miễn sao phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của từng gia đình.

Tài khoản HungThanh nhận xét: “Chẳng có đúng sai tuyệt đối trong chuyện này. Quan trọng là mọi người cảm thấy vui vẻ, thoải mái và gắn kết với nhau”.

Anh Henry Nguyen cũng bày tỏ quan điểm: “Tôi rất thích khung cảnh cả gia đình đi du lịch cùng nhau, vừa nấu ăn, vừa trò chuyện. Các anh em có thể nhâm nhi, các chị em tám chuyện, ông bà nghỉ ngơi, còn trẻ con chạy nhảy vui đùa. Đó giống như một buổi team building, tăng sự gắn bó giữa các thành viên”.

Anh cho rằng không khí trong những bữa ăn tự nấu ở villa thường ấm cúng, thân mật và sâu sắc hơn nhiều so với khi ăn ngoài hàng.

Theo anh, khi ở nhà, mọi người có thể lai rai thoải mái. Nhưng ăn ở nhà hàng thì thời gian bị giới hạn, nhất là với ông bà và trẻ nhỏ cần nghỉ ngơi sớm. Tất nhiên, không có nghĩa là phải tránh xa nhà hàng trong suốt kỳ nghỉ. Điều quan trọng là ai cũng cảm thấy dễ chịu, thoải mái.

Thực tế, đây không phải là lần đầu câu chuyện “mang đồ ăn đi du lịch” gây tranh cãi. 

Hồi tháng 2, một video chia sẻ khoảnh khắc đại gia đình ở Bến Tre đi du xuân, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi mang theo 40kg lạp xưởng, 150 ổ bánh mì, 4kg bún, hàng chục con gà vịt đã sơ chế. Lúc dừng chân nghỉ trưa, đoàn khách trải bạt, dựng bếp để xào nấu và ăn uống tại chỗ.

Mang núi đồ ăn du lịch: Gắn kết gia đình hay gây khó cho ngành du lịch? - 3
Đại gia đình 45 người trải bạt cạnh đường để bày đồ ăn uống trong hành trình du lịch (Ảnh: Thanh Phấn).

Do khối lượng thực phẩm lớn nên cả đoàn 45 người phải thuê ô tô to với cốp rất rộng mới chứa đủ. Tuy nhiên video phần lớn nhận về ý kiến phản đối vì cho rằng đi du lịch còn vất vả cơm đùm cơm nắm không khác nào đi hành xác.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Đoàn Thu Trang, đại diện một đơn vị lữ hành chuyên cung cấp các tour free & easy (hình thức du lịch do khách tự do sắp xếp chuyến đi, chỉ mua dịch vụ cơ bản như vé máy bay, khách sạn hoặc thêm xe đưa đón sân bay thay vì mua tour trọn gói) cho biết, với những đoàn khách hàng chục người cùng thuộc một đại gia đình, khi đi tự túc thường có thói quen mang theo nhiều đồ ăn để dự trữ.

Đặc biệt, nếu trong đoàn có nhiều người lớn tuổi, tâm lý chung của khách sẽ muốn tiết kiệm bằng cách chủ động ăn uống, đi lại, lưu trú.

Theo bà Trang, nhiều khách so sánh chi phí thực phẩm ở điểm đến cao hơn nơi mình sống sẽ có ngay suy nghĩ bị chặt chém, nên muốn chủ động mọi thứ. Tuy nhiên khách nên lưu ý, một số thực phẩm tươi sống đặc biệt là hải sản thường khó bảo quản khi di chuyển. 

Nếu không bảo quản đúng cách đặc biệt trong điều kiện thời tiết nóng bức, thực phẩm dễ bị hỏng, chảy nước hoặc biến chất, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Ngoài ra, nếu chưa có kinh nghiệm tính toán về số lượng, du khách có thể mang quá nhiều đồ ăn, dẫn tới tình trạng lãng phí không dùng hết.

Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/mang-nui-do-an-du-lich-gan-ket-gia-dinh-hay-gay-kho-cho-nganh-du-lich-20250726224657087.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm