
Những ngày gần đây, nước từ các thủy điện thượng nguồn xả về khiến mực nước sông Lam dâng cao. Dòng nước chảy xiết cuốn theo vô số vật trôi như cây gãy, củi mục, thậm chí cả xác động vật. Nhiều người dân ở các xã ven sông như Yên Xuân, Anh Sơn... (thuộc huyện Anh Sơn cũ), Đại Đồng, Xuân Lâm, Bích Hào (thuộc Thanh Chương cũ), Vạn An, Thiên Nhẫn (Nam Đàn cũ)… tranh thủ đưa thuyền, xuồng nhỏ ra giữa dòng vớt củi, bắt cá.
Một số người còn mang theo cưa máy ra mép nước để xẻ thân gỗ trôi, bó lại rồi vận chuyển về nhà. Những hành vi này diễn ra ngay trong thời điểm chính quyền địa phương liên tục phát đi thông báo cảnh báo, yêu cầu người dân tuyệt đối không vớt củi trong mùa mưa lũ.

Thực tế cho thấy, sau lũ, các tuyến sông lớn như sông Lam thường xuất hiện nhiều xoáy nước, dòng chảy phức tạp và tiềm ẩn vô số nguy cơ khó lường. Dù vậy, nhiều người vẫn chủ quan, không mang theo áo phao, không có phương tiện bảo hộ ra sông vớt củi, đánh bắt cá. Theo chính quyền các xã, một số người dân lội ra xa bờ, cố gắng tiếp cận các khúc củi lớn đang trôi lập lờ giữa dòng. Trong trường hợp nước dâng bất ngờ, lũ ống tiếp tục đổ về, người dân rất khó thoát thân kịp thời.
Chủ tịch UBND xã Yên Xuân, ông Hoàng Đình Mỹ cho biết, địa phương đã nhiều lần khuyến cáo, tuyên truyền bằng cả hệ thống loa phát thanh, mạng xã hội, đồng thời tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát. Tuy nhiên, việc một số người dân vẫn bất chấp cảnh báo, liều mình ra sông vớt củi khiến chính quyền hết sức lo ngại.

Qua kiểm tra, phát hiện tình trạng trên, xã đã lập các tổ kiểm tra, tổ chức giám sát tại các điểm xung yếu, tăng cường phối hợp giữa công an, dân quân, đoàn thể để nhắc nhở, xử lý kịp thời các trường hợp cố tình vi phạm.
Theo ông Mỹ, nước lũ sau khi rút để lại nhiều điểm xoáy ngầm, dòng chảy mạnh, củi dễ bị mắc vào rễ cây chìm, dây cáp... rất dễ gây lật thuyền, đuối nước. Ngoài nguy cơ tai nạn thương tâm, việc ra sông vớt củi còn khiến công tác kiểm soát thiên tai trở nên phức tạp, tiềm ẩn thêm nhiều rủi ro cho lực lượng ứng cứu.

Theo tìm hiểu, nhiều gia đình coi vớt củi lụt là một cách tận dụng "của trời cho" sau mưa lũ. Một số người cho biết chỉ cần một buổi ra sông có thể mang về vài bó củi lớn, để đun nấu, giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt hoặc bán lại lấy tiền. Tuy nhiên, lợi ích trước mắt không thể đánh đổi bằng mạng sống. Trong điều kiện thời tiết diễn biến khó lường, chỉ cần một cơn lũ bất ngờ hoặc dòng xoáy mạnh cũng đủ cuốn trôi cả người lẫn phương tiện.
Ông Nguyễn Trọng Huấn, một người dân ven sông Lam, ở xã Xuân Lâm cho biết: "Mùa lụt, tranh thủ ra sông vớt củi dự trữ cho cả năm. Củi thường là tre, mét, cây khô từ thượng nguồn trôi về, có khi cả những khúc gỗ lớn. Chỉ trong buổi sáng đã vớt được củi chất đầy cả xe bò lốp. Nhưng được chính quyền cảnh báo rồi nên dừng, không mạo hiểm vớt củi lụt nữa".

Từ nhiều năm nay, hầu như năm nào, sau mưa lũ cũng có những vụ tai nạn thương tâm do vớt củi lụt, câu cá trên ao, hồ, sông, suối. Mỗi hành động liều lĩnh, chủ quan đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ đến bản thân mà còn gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác cứu nạn, cứu hộ.
Chính quyền các địa phương đã và đang nỗ lực bằng nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân. Nhưng để những nỗ lực đó thực sự hiệu quả, điều cần thiết là mỗi người dân phải chủ động thay đổi thói quen, ứng xử với thiên tai một cách tỉnh táo, có trách nhiệm.

Các chuyên gia phòng, chống thiên tai khuyến cáo người dân cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn an toàn trong mùa mưa lũ. Cụ thể, không vớt củi, bắt cá, không chơi đùa hoặc bơi lội trong nước lũ. Tuyệt đối không đi lại, lội qua các vùng ngập sâu, có dòng chảy xiết, không tiếp cận các khu vực có biển cảnh báo. Đặc biệt, không để trẻ em chơi gần sông, suối, kênh mương hoặc khu vực thoát nước nguy hiểm. Việc chủ động phòng ngừa, nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố then chốt để hạn chế thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão.
Nguồn: https://baonghean.vn/mao-hiem-khi-vot-cui-lut-tren-song-lam-10302991.html
Bình luận (0)