Các phòng giao dịch, điểm giao dịch xã của NHCSXH kéo gần khoảng cách tiếp cận tín dụng |
Nhiều tổ chức tín dụng
Gia nhập thị trường Huế từ tháng 5/2021, sau gần 4 năm hoạt động, đến nay, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) chi nhánh Huế đã mở rộng quy mô huy động và tín dụng với hơn 1.441 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính hiện đại cho người dân, doanh nghiệp (DN), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Đầu năm nay, Nam A Bank chi nhánh Huế đã chính thức đưa thêm 3 phòng giao dịch vào hoạt động tại 3 địa bàn: phường Phú Thượng, quận Thuận Hóa; phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy và phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà. Đến nay, Nam A Bank chi nhánh Huế đã phát triển 6 điểm kinh doanh trên địa bàn với 4 chi nhánh, phòng giao dịch và 2 điểm giao dịch số tự động ONEBANK.
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Bùi Thạnh, Giám đốc Nam A Bank chi nhánh Huế cho biết, đơn vị đang triển khai mô hình tài chính toàn diện với hai trụ cột chính là “số” và “xanh”. Theo đó, ngoài tăng cường cung ứng vốn ra thị trường, đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho cá nhân, DN, Nam A Bank chi nhánh Huế sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm xanh và số vào danh mục cho vay hiện tại; áp dụng các điều kiện ưu đãi về lãi suất, tài sản thế chấp… Qua đó, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường tài chính ngân hàng nói chung và thành phố Huế nói riêng.
Không riêng Nam A Bank, trên địa bàn đang có rất nhiều TCTD chọn Huế làm điểm dừng chân, đầu tư mở rộng các hoạt động kinh doanh.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh thành phố (nay là NHNN khu vực 9), trên địa bàn hiện có 27 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh NHCSXH, 1 chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Trị, 7 quỹ tín dụng nhân dân. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 11 chi nhánh loại 2 trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh thành phố, 99 phòng giao dịch của các TCTD và 141 điểm giao dịch tại các xã, phường của NHCSXH; các công ty tài chính cũng có điểm giới thiệu dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn.
Hướng đến mục tiêu tài chính toàn diện
Thực tế cho thấy, sự đa dạng của các TCTD và dịch vụ tài chính không chỉ giúp người dân và DN dễ dàng tiếp cận các sản phẩm tài chính phù hợp, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ tính riêng trong hoạt động thanh toán, các ngân hàng cũng đã triển khai nhiều dịch vụ, hình thức để đáp ứng nhu cầu của người dân, DN. Điển hình như tại Vietcombank, tất cả nhu cầu tài chính cũng như các dịch vụ liên quan đến mở tài khoản trực tuyến, phát hành thẻ vật lý, thẻ phi vật lý, mở - tất toán tài khoản tiết kiệm, chuyển tiền qua số điện thoại, chuyển tiền và thanh toán qua mã QR, đều được đáp ứng trên ứng dụng VCB Digibank. Tại BIDV, ứng dụng ngân hàng điện tử BIDV Smartbanking, Ibank ngoài các chức năng thông dụng còn cập nhật thêm các chức năng mới như mua ngoại tệ trực tuyến, Smart Kids, tạo khoản vay online… MB Bank cũng triển khai tiện ích eMBee Helper trên App MBBank để hỗ trợ khách hàng tra soát các thông tin cần thiết mà không cần đến trụ sở MB Bank để giao dịch.
Ông Phạm Bá Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 cho hay, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngân hàng Nhà nước tỉnh (nay là NHNN khu vực 9) đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể trên địa bàn. Hiện, mô hình tổ chức của các TCTD ngày càng hiện đại, đồng thời các dịch vụ ngân hàng ngày càng mở rộng và phát triển, đặc biệt là tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Hạ tầng công nghệ ngày càng được đồng bộ, các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa, nhiều tiện ích và dịch vụ ngân hàng được đưa vào khai thác nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, các cơ chế chính sách về cấp tín dụng thông thoáng hơn đã giúp nhiều đối tượng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Như khẳng định của bà Hồ Thị Thuận, thôn Giồng, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình bà và nhiều hộ khó khăn khác có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đây cũng là minh chứng rõ nhất cho mục tiêu tài chính toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/mo-rong-mang-luoi-dich-vu-tai-chinh-152163.html
Bình luận (0)