Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mỗi người dân là 'chiến sĩ làm giàu'

TS Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, phát triển đất nước là sự nghiệp chung, trong đó, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp là một chiến sĩ trên mặt trận làm giàu chính đáng.

VTC NewsVTC News08/07/2025

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị sáng 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu, đóng góp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lời hiệu triệu này thu hút sự chú ý của dư luận bởi tính khái quát sâu sắc, thông điệp mạnh mẽ và định hướng phát triển rất rõ ràng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân bên lề Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân bên lề Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. (Ảnh: VGP)

Phóng viên Báo Điện tử VTC News phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng - để làm rõ thêm những tầng ý nghĩa và điều kiện hiện thực hóa phong trào "thi đua làm giàu" trong đời sống kinh tế - xã hội.

Nói về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thời gian tới liên quan đến phát biểu của này của Thủ tướng, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, lời phát động phong trào "toàn dân thi đua làm giàu, đóng góp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa" của Thủ tướng là một tuyên ngôn chính trị sâu sắc, chứa đựng ba tầng định hướng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thời gian tới.

Thứ nhất, đó là sự khẳng định vai trò trung tâm của người dân và doanh nghiệp trong mô hình phát triển mới. Nếu như trước đây, Nhà nước thường được nhìn nhận là "người gánh vác" trọng trách phát triển, thì nay, tư duy thay đổi rõ rệt: phát triển đất nước là sự nghiệp chung, mà mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp là một chủ thể kiến tạo, một chiến sĩ trên mặt trận làm giàu chính đáng. Việc đưa khái niệm "thi đua làm giàu" vào tầm chính sách quốc gia thể hiện bước đột phá tư tưởng - không chỉ khuyến khích làm giàu, mà còn coi đó là hành động yêu nước.

Thứ hai, phong trào này phản ánh một sự kết nối chặt chẽ giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với yêu cầu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Từ khóa "xã hội chủ nghĩa" trong lời phát biểu không phải là yếu tố trang trí. Nó nhấn mạnh rằng con đường làm giàu không thể tách rời trách nhiệm xã hội, công bằng, và phát triển bao trùm. Làm giàu chính đáng đi đôi với nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng, với sự đóng góp vào an sinh xã hội, với việc xây dựng một quốc gia thịnh vượng nhưng không bỏ lại ai phía sau.

Thứ ba, đây là lời hiệu triệu nhằm khơi dậy nội lực dân tộc trong giai đoạn chuyển mình quan trọng. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, nguồn lực bên ngoài không thể là chỗ dựa lâu dài. Phát triển bền vững phải được đặt trên nền tảng nội sinh - đó là sức sáng tạo, sức lao động, tinh thần dấn thân và khát vọng làm giàu của toàn dân.

Lời phát biểu của Thủ tướng là dấu ấn của một tư duy phát triển tiến bộ, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp quốc gia, kết nối thi đua yêu nước với phát triển kinh tế, và đặt con người ở trung tâm của tiến trình đổi mới. Đó không chỉ là một chỉ đạo hành chính, mà là một lời hiệu triệu thời đại - đầy cảm hứng, trách nhiệm và kỳ vọng.

Lời phát biểu của Thủ tướng là dấu ấn của một tư duy phát triển tiến bộ, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp quốc gia, kết nối thi đua yêu nước với phát triển kinh tế, và đặt con người ở trung tâm của tiến trình đổi mới. Đó không chỉ là một chỉ đạo hành chính, mà là một lời hiệu triệu thời đại - đầy cảm hứng, trách nhiệm và kỳ vọng.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

- Theo ông, cần hiểu "làm giàu" trong thông điệp này theo nghĩa cá nhân, cộng đồng hay quốc gia?

Tôi cho rằng "làm giàu" cần được hiểu một cách toàn diện, tích hợp cả ba tầng ý nghĩa: làm giàu cho cá nhân, làm giàu cho cộng đồng và làm giàu cho quốc gia. Đây không phải là ba cấp độ tách biệt, mà là ba vòng tròn đồng tâm, lan tỏa và bổ trợ cho nhau trong một mô hình phát triển dựa trên tinh thần công dân, ý thức xã hội và khát vọng quốc gia.

Trước hết, làm giàu cho cá nhân là khởi điểm và là quyền chính đáng. Một xã hội không thể thịnh vượng nếu mỗi người dân không có quyền và không có động lực làm giàu chân chính bằng trí tuệ, lao động và sáng tạo. Khi người dân được bảo đảm quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, và được nhà nước hỗ trợ một môi trường cạnh tranh công bằng, thì "làm giàu" không còn là đặc quyền của một nhóm nhỏ, mà trở thành mục tiêu của số đông.

Tiếp theo, làm giàu cho cộng đồng là bước phát triển cao hơn của tinh thần "thi đua yêu nước". Một doanh nhân biết chia sẻ thành quả với xã hội, một người nông dân cùng hợp tác với làng xóm, một trí thức đóng góp tri thức cho cộng đồng - đó đều là những hình ảnh sinh động của "làm giàu cộng đồng". Sự giàu có không chỉ đo bằng tiền bạc, mà còn bằng khả năng tạo ra giá trị xã hội - đó là đạo đức của phát triển, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân.

Và làm giàu cho quốc gia là đích đến tối thượng. Khi hàng triệu cá nhân và hàng vạn cộng đồng cùng làm giàu một cách chính đáng, thì quốc gia sẽ trở nên thịnh vượng. Nhưng làm giàu quốc gia không chỉ là GDP hay thu ngân sách - đó còn là làm giàu về vị thế, làm giàu về niềm tin, làm giàu về bản sắc, và làm giàu về khả năng tự cường trong một thế giới đầy biến động.

Nói cách khác, Thủ tướng không chỉ kêu gọi mỗi người dân làm giàu cho riêng mình, mà khơi dậy một lý tưởng sâu sắc hơn: biến hành trình làm giàu cá nhân thành một phần của sứ mệnh dựng xây quốc gia. Đó chính là sự kết hợp giữa tinh thần kinh doanh hiện đại và tư tưởng yêu nước truyền thống, giữa chủ nghĩa cá nhân tích cực và chủ nghĩa cộng đồng khai phóng, giữa sự phát triển của từng người và vận hội của cả dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: VGP)

- Vậy cần triển khai tinh thần này ra sao để mỗi tầng lớp trong xã hội đều có thể tham gia và hưởng lợi một cách chính đáng?

Chúng ta không thể gói gọn thông điệp của người đứng đầu Chính phủ trong khái niệm tích lũy tài sản, mà kỳ vọng lớn hơn của phong trào này là tạo dựng được một lớp người dân và doanh nhân mới có năng lực, có trách nhiệm, có tinh thần dân tộc, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo để làm giàu một cách chính đáng.

Họ sẽ nhận thức được trách nhiệm không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn phải tạo ra giá trị cho xã hội. Ví dụ với người dân, thông qua việc đóng thuế, kết nối cộng đồng; còn doanh nghiệp thì thông qua việc tạo ra sản phẩm, tạo ra việc làm cho người lao động, mang lại giá trị cho nền kinh tế…

Nếu triển khai phong trào hiệu quả thì bất cứ người dân nào - dù ở thành phần kinh tế nào, ở vùng miền nào - cũng sẽ biết và có tư duy làm giàu và tất nhiên không phải ai cũng giống nhau.

Người nông dân có thể làm giàu thông qua học tập, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mô hình hợp tác xã kiểu mới, sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông sản xuất khẩu.

Người dân vùng sâu, vùng xa thì có thể tận dụng lợi thế bản địa để phát triển các sản phẩm văn hóa - du lịch đặc trưng, làm giàu từ tri thức bản địa, sản phẩm dược liệu, thủ công truyền thống, nông nghiệp sạch.

Doanh nhân đô thị lại có nhiều cơ hội hơn trong đầu tư, công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, dịch vụ cao cấp, logistics…

- Những yếu tố nào cần có để phát động một phong trào như vậy thành công, thưa ông?

Tôi cho rằng để phong trào "thi đua làm giàu" thành công, không thể chỉ trông chờ vào sự kêu gọi hay vận động mang tính tinh thần. Đây phải là một chiến lược phát triển toàn diện, trong đó chính sách, thể chế, nguồn lực và sự tham gia của khu vực tư nhân đều là những yếu tố cấu thành thiết yếu và bổ trợ cho nhau.

Đầu tiên chính sách phải dẫn dắt bằng tầm nhìn, được thiết kế theo nguyên tắc đồng hành và tạo thuận lợi. Một phong trào làm giàu mang tính quốc gia không thể phát triển nếu hệ thống chính sách còn ràng buộc, rủi ro pháp lý cao, hoặc phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Chính sách thuế, tín dụng, đào tạo lao động, chuyển đổi số, hỗ trợ khởi nghiệp…cần đồng bộ và liên thông.

ts-nguyen-si-dung-2 (1).jpg

ts-nguyen-si-dung-2 (1).jpg

Và cuối cùng - quan trọng nhất - là sự tham gia tích cực, chủ động và sáng tạo của khu vực tư nhân… Cần trao cho họ niềm tin, cơ hội và vai trò kiến tạo. Nhà nước đóng vai trò "bệ phóng", nhưng doanh nghiệp và người dân mới là "động cơ tăng trưởng"

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Tiếp đến, thể chế phải minh bạch, ổn định và khuyến khích sáng tạo. Không ai dám làm giàu nếu không có hành lang pháp lý rõ ràng và niềm tin vào sự bảo vệ của pháp luật. Thể chế phải bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh công bằng. Thể chế tốt là động lực mạnh hơn cả vốn đầu tư hay trợ cấp ngân sách.

Mặt khác nguồn lực nhà nước cần được phân bổ thông minh để “kích hoạt” chứ không thay thế thị trường. Điều Nhà nước cần làm là khơi thông các dòng chảy vốn, cung cấp hạ tầng, hỗ trợ vùng khó khăn, và thiết kế các cơ chế chia sẻ rủi ro (như bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp…). Mục tiêu là tạo môi trường mà ở đó mọi người dân đều có cơ hội vươn lên, không ai bị tụt lại phía sau.

Và cuối cùng - quan trọng nhất - là sự tham gia tích cực, chủ động và sáng tạo của khu vực tư nhân. Không ai khác, chính doanh nhân, hộ sản xuất, nông dân, trí thức, thanh niên… mới là những người biến phong trào thành hành động, biến ý chí chính trị thành kết quả phát triển. Cần trao cho họ niềm tin, cơ hội và vai trò kiến tạo. Nhà nước đóng vai trò "bệ phóng", nhưng doanh nghiệp và người dân mới là "động cơ tăng trưởng".

Để phong trào thi đua làm giàu thành công, cần một hệ sinh thái phát triển đồng bộ - nơi thể chế là nền tảng, chính sách là công cụ, nguồn lực là chất xúc tác và tư nhân là chủ thể hành động. Khi bốn yếu tố này vận hành hài hòa, phong trào sẽ không chỉ thành công nhất thời, mà có thể trở thành một động lực phát triển bền vững cho cả nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Văn - Thành Lâm

Nguồn: https://vtcnews.vn/moi-nguoi-dan-la-chien-si-lam-giau-ar953279.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm