Mục sở thị quán 'Cà phê Biệt động' ở TP Hồ Chí Minh
Quán 'Cà phê Biệt động' ở số 113A Đặng Dung, quận 1 (TP Hồ Chí Minh) là 'Hòm thư bí mật - Hầm nổi' từ năm Mậu Thân 1968 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng năm 1975.
Báo Hải Dương•28/04/2025
Quán cà phê đặc biệt ở số 113A phố Đặng Dung, quận 1 (TP Hồ Chí Minh) là một trong 3 căn nhà ở TP Hồ Chí Minh từng được ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM, sinh năm 1920, chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) sử dụng làm cơ sở cách mạng trong Chiến dịch Mậu Thân 1968 và Chiến dịch giải phóng miền Nam 1975. Nhiều năm qua, anh Trần Vũ Bình (con trai ông Lai) đã mua lại 3 căn nhà này, phục dựng, dày công tìm kiếm hiện vật nguyên mẫu rồi mở thành quán bán cơm, cà phê di tích với mong muốn lưu giữ lịch sử, nhất là lịch sử liên quan đến lực lượng biệt động Sài Gòn
Quán cà phê ở số 113A Đặng Dung từng là "Hòm thư bí mật - Hầm nổi" của biệt động Sài Gòn từ năm Mậu Thân 1968 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng năm 1975. Quán này đặc biệt nhất trong 3 quán trên vì tồn tại ngay bên cạnh nhà Trung tướng Việt Nam Cộng hòa Ngô Quang Trưởng và đối diện Cao ốc Đại Hàn thời đó. Có lẽ cũng chính vị trí đặc biệt nguy hiểm này mà quân địch không thể ngờ đó là cơ sở cách mạng. Sau năm 1968, hàng loạt cơ sở nội thành Sài Gòn của biệt động Sài Gòn bị lộ thì số nhà 113A Đặng Dung vẫn an toàn, tiếp tục hoạt động cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975
Quán này mang tên "Cà phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn". Tuy nhiên, do căn nhà từng là cơ sở của biệt động Sài Gòn trong chiến tranh, trưng bày nhiều hiện vật liên quan nên lâu dần người dân quen gọi là "Cà phê Biệt động"
Quán cà phê Biệt động có 2 tầng, khắp nơi trưng bày hơn 400 hiện vật. Tất cả được giữ nguyên trạng cho đến nay. Trong ảnh: Căn hầm bí mật trên tầng 2 quán cà phê. Lịch sử ghi lại, đây chính là nơi các chiến sĩ biệt động sẽ vào bên trong khi có động, khoá trái cửa, lật tấm ván ở đáy để thoát ra ngoài theo đường bí mật tới các con phố Trần Quang Khải, Nguyễn Văn Nguyễn và Hai Bà Trưng
Mỗi hiện vật trong quán cà phê Biệt động đều gắn với một câu chuyện nhỏ, đóng góp cho cách mạng, được giữ gìn và kể lại từ chính những người là con, cháu, thế hệ sau của các chiến sĩ "Biệt động Sài Gòn". Qua đó giúp mỗi người khi tới đây thêm hiểu và tự hào hơn về những đóng góp của những chiến sĩ biệt động năm xưa cho cách mạng. Vì vậy mà lịch sử chưa bao giờ bị lãng quên
Những đồ dùng trong các gia đình ở đô thành những năm 60 - 70 của thế kỷ trước được bảo quản, trưng bày trên các tủ gỗ treo ở trên tường trong quán
Nơi này trưng bày cả những chiếc đài cassette cũ...
... những chiếc bàn là thời xưa
Phích nước, máy xay cà phê, ống bơ đựng sữa, đường thời xưa được sưu tầm nguyên trạng, trưng bày ở quán cà phê Biệt động
Và cả những chiếc máy ảnh, quay phim cũ
Một số bài báo thời chiến tranh chống Mỹ
Thậm chí trên nóc quán cà phê đặc biệt này cũng trưng bày các loại đèn, quạt trần cũ có từ thời ngày xưa
Quán cà phê ở số 113A Đặng Dung dành một góc trang trọng ở tầng 1 trưng bày những cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh, kỷ niệm người lính...
Quán cà phê đặc biệt này từng đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hồ Chí Minh... đến tham quan, lưu lại bút ký, trong đó có cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...
Trong bản lưu bút của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trưng bày tại quán cà phê Biệt động có đoạn: "Được chứng kiến những hiện vật tại Di tích, tôi vô cùng ngưỡng mộ và cảm kích trước tinh thần yêu nước, mưu trí, dũng cảm, vì nước quên thân của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Chợ lớn - Gia định"
Ban đầu, hầu hết thực khách khi đến "Cà phê Biệt động" để thưởng thức hai món cơm tấm và cà phê mang đặc trưng của hương vị Sài Gòn xưa. Sau đó, họ trở nên đam mê, cuốn theo những câu chuyện lịch sử
Nhiều khách đến với quán cà phê đặc biệt này có cả những cựu chiến binh của cả hai phía, những người yêu lịch sử, trong đó có nhiều người nước ngoài
"Cà phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn" mang hương vị Sài Gòn xưa
TIẾN MẠNH
Bình luận (0)