
Mùi ký ức
Càng tiếp xúc nhiều với một hương vị người ta càng có xu hướng thích hương vị đó. Có lẽ vậy nên những món tuổi thơ hay mâm cơm mẹ nấu thường trở thành mùi vị ngon nhất trong hoài niệm của nhiều người.
Tuổi thơ có lẽ là giai đoạn mỗi người dễ thỏa mãn bằng trái tim trong veo nhất. Một cái bánh mì ốc. Mớ bánh gấu nhân kem. Bánh bao xâu, bánh tai heo hay ly đá me chua ngọt. Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ để đám trẻ vui cả ngày.
Lớn hơn chút, người ta lại háo hức chờ những bữa cơm mẹ nấu. Là canh chua cá diếc, rau muống xào tỏi hay trứng đúc thịt bằm. Những món ăn bình dị mang trong mình hương vị quá khứ, cứ thế làm người ta đau đáu nhớ.
Một bữa, thấy đâu đó bên lề đường xe kem ốc quế, trong ngõ hẻm quanh co là một quán cơm nhà chuẩn vị xứ sở, hay lụp xụp trên vỉa hè một quầy bắp ngô, khoai nướng với lò than đang hừng, là lòng như bừng lên.

Giữa những hối hả, vỉa hè như điểm dừng chân giây lát của những vòng xe mưu sinh. Đó là nơi nương náu của mấy mảnh đời lưu lạc dùng hương vị tuổi thơ kiếm kế sinh nhai. Và đó, cũng là không gian làm sống dậy mùi vị hoài niệm của thế hệ ngày trước.
Mùi thị thành
Gắn bó với thị thành ngót nghét mười năm, chẳng biết từ bao giờ, những vỉa hè lề phố dần trở thành điểm đến thân thương của tôi. Có những hôm tăng ca về trễ, đi ngang xe đẩy sáng đèn bên lề đường đang thoảng bay ra mùi bánh thuẫn thơm bùi, tự nhiên cồn cào nhớ những ngày cận tết cùng mẹ pha bột đổ bánh, thế rồi chân đi không đặng nữa.
Hay có bữa tỉnh dậy sau giấc ngủ cạn, tự nhiên thèm bánh bèo chén miền Trung. Bụng bảo dạ, cứ thế xách xe dạo quanh mấy góc đường để tìm cho ra hương vị tuổi thơ. Sà xuống quán vỉa hè kêu ngay chục chén nóng hổi, tự nhiên thấy thành phố thân thương như thể quê nhà của mình.
Hương vị món ăn là thứ mà người ta không chỉ dùng lưỡi để nếm. Theo bà Kathrin Ohla - Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Dinh dưỡng Con người của Đức - cảm nhận hương vị đòi hỏi sự kết hợp của cả năm giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác.

Nói cách khác, hương vị chịu tác động từ cái chúng ta nhìn, nghe, ngửi, chạm rồi cuối cùng mới nếm. Thành ra, cái vị tuổi thơ trong ẩm thực Sài thành khởi nguồn từ ánh mắt đau đáu tìm về của thực khách.
Tiếp tới là tiếng leng keng tuổi thơ từ chuông bán kem hay tiếng xèo xèo bánh xèo đổ chảo. Sau đó là cái hương thơm lừng từ xe khoai lang nướng hay bánh bao hấp xửng. Là cái chạm núng nính của bánh flan hay rau câu dừa. Cuối cùng là chút chua ngọt thanh đạm của mâm cơm nhà chuẩn vị mẹ nấu.
Khi vừa nhìn, nghe, ngửi, chạm, nếm, người ta mới cảm hết cái vị tổng hòa của những miền ký ức bị vùi lấp. Tôi nhớ có lần từng đứng ngẩn người chỉ để ngắm chú bán kẹo chỉ kéo từng sợi mảnh vào miếng bánh giòn. Bên tiếng còi xe huyên náo, hương vị tuổi thơ ngày xưa chợt xen kẽ vào đời thực ngay bên lề phố.
Nếu nói thị thành là mảnh đất đa sắc màu thì ẩm thực nơi này chính là đóa cẩm tú cầu bám rễ trên vùng đặc biệt ấy. Sự biến thiên mùi vị của từng món ăn, thức uống theo dấu ấn cá nhân, vùng miền trở thành một tồn tại rất riêng trong ký ức.
Vị thị thành không chỉ gói gọn trong cái chạm của lưỡi khi nếm qua chua, cay, mặn, đắng, ngọt. Mà hơn thế, nó bao trọn trong mình những sắc màu món ăn, tiếng chế biến, hương thơm, xúc cảm, mùi vị. Nó là một chỉnh thể kết tinh từ trải nghiệm và kỳ vọng.
Thành ra, với mỗi người, vị thị thành lại mang nét riêng biệt, chẳng trộn lẫn. Riêng tôi, trong trái tim của kẻ nhập cư xa xứ gần một thập kỷ, vị tuổi thơ mang mùi quê nhà chính là hương vị thị thành thân yêu chẳng cách nào trộn lẫn với bất kỳ phố phường nào khác. Để cứ hễ xa là nhớ, gần là thương!
Nguồn: https://baoquangnam.vn/mui-vi-tuoi-tho-tu-via-he-3155467.html
Bình luận (0)