(QBĐT) - Từ tháng 1/2025, nhiều luật có hiệu lực thi hành, như: Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ năm 2024, Luật Công chứng năm 2024, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024… Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, nhất là những điểm mới ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân, phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có buổi trao đổi với bà Hoàng Thị Lệ Hải, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) xung quanh nội dung này.
- P.V: Luật TTATGT đường bộ có quy định về điểm của giấy phép lái xe (GPLX) và tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Xin bà nói rõ hơn về nội dung này?
- Bà Hoàng Thị Lệ Hải: Căn cứ Điều 58 của luật, điểm của GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về TTATGT đường bộ, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết. GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ theo quy định tại khoản 7, Điều 61 của luật này do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. GPLX sau khi đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm GPLX.
|
Điều 59 của Luật TTATGT đường bộ quy định rõ: Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy; đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE; đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE. Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE. Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng… Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định độ tuổi của người lái xe trong lực lượng Quân đội, Công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
- P.V: Nhiều bạn đọc muốn hiểu rõ hơn về thời gian đào tạo nghề công chứng (đối với các trường hợp được giảm). Vậy điểm mới Luật Công chứng năm 2024 về nội dung này được quy định cụ thể như thế nào, thưa bà?
- Bà Hoàng Thị Lệ Hải: Căn cứ khoản 2, 3, Điều 11 của luật, các trường hợp được giảm đào tạo nghề công chứng còn 6 tháng, gồm: Người đã có thời gian từ đủ 5 năm trở lên làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành Tư pháp và chuyên viên chính, pháp chế viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
Ngoài ra, còn có một số đối tượng khác, như: Thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 5 năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật. Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng I, thanh tra viên cao cấp ngành Tư pháp; chuyên viên cao cấp, pháp chế viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
- P.V: Xin bà cho biết những điều kiện cần thiết để trở thành đấu giá viên?
- Bà Hoàng Thị Lệ Hải: Tại Điều 10, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024) quy định đấu giá viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây: Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành luật, kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng. Người đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 11, Luật Đấu giá tài sản 2016 được sửa đổi bởi khoản 6, Điều 1, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi năm 2024 và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.
Để trở thành đấu giá viên, công dân phải hoàn thành khóa đào tạo nghề đấu giá (thời gian 6 tháng) được cơ sở đào tạo nghề đấu giá cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề đấu giá và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.
Trên đây là một số nội dung mới của các luật có hiệu lực thi hành trong năm 2025 mà các tổ chức, người dân cần lưu ý, nắm bắt kịp thời.
- P.V: Xin cảm ơn bà!
NH.V (thực hiện)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202504/nam-bat-kip-thoi-day-du-nhung-diem-moi-cua-phap-luat-co-hieu-luc-trong-nam-2025-2225422/
Bình luận (0)