Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nam Định chủ động phát triển hạ tầng năng lượng

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt, tỉnh Nam Định đã và đang chủ động đầu tư hạ tầng năng lượng hiện đại. Với tầm nhìn chiến lược và khát vọng đổi mới, địa phương đặt mục tiêu bảo đảm nguồn điện ổn định, bền vững - yếu tố then chốt để thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân30/03/2025

Triển khai Nghị quyết hiệu quả

Ngay sau khi Nghị quyết số 55-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã khẩn trương ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU (ngày 21.8.2020) về học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghị quyết. Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh đã được tổ chức nhằm thống nhất nhận thức, từ đó xây dựng Chương trình hành động số 40-CTr/TU (ngày 25.8.2020) để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đồng thời chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng năng lượng tại địa phương.

Công ty Điện lực Nam Định đại tu máy biến áp 110kV Mỹ Xá. Nguồn: ITN

Công ty Điện lực Nam Định đại tu máy biến áp 110kV Mỹ Xá. Nguồn: ITN

Trong công tác quy hoạch, tỉnh Nam Định đã xác định các ngành công nghiệp chủ lực gồm: dệt may; cơ khí chế tạo và đóng tàu; hóa dược - dược phẩm - nhựa; sản xuất và phân phối điện; chế biến gỗ - giấy - lâm sản; sản xuất thực phẩm - đồ uống; vật liệu xây dựng và chế biến nông - thủy sản. Để đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp này, tỉnh đã định hướng phát triển hạ tầng năng lượng một cách đồng bộ, phù hợp và lâu dài. Nhiều quy hoạch quan trọng liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng đã được xây dựng, điều chỉnh kịp thời.

Tỉnh cũng chủ động đưa nhu cầu sử dụng đất của các dự án điện vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm việc chuyển đổi đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được thực hiện đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai được đơn giản hóa, các vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng được tập trung tháo gỡ; đồng thời tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục nhanh chóng, đúng quy định. Những giải pháp này góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện, đặc biệt là các hệ thống nguồn điện, đường dây truyền tải và trạm biến áp - yếu tố then chốt bảo đảm nguồn điện ổn định, phục vụ phát triển công nghiệp bền vững.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW, tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phát triển hạ tầng năng lượng. Đặc biệt, hệ thống lưới điện được đầu tư theo hướng hiện đại, liên kết đồng bộ, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn mà còn góp phần quan trọng vào sự ổn định của hệ thống điện khu vực miền Bắc, với khả năng kết nối hiệu quả với lưới điện các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình.

Hiện nay, lưới điện 110kV của tỉnh có tổng chiều dài 404,4km, gồm 20 trạm biến áp với tổng công suất đặt 1.371,5MVA. Hệ thống này được liên kết mạch vòng nội tỉnh và mở rộng kết nối với các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Thái Bình. Mạng lưới điện trung áp và hạ áp đã phủ kín toàn bộ địa bàn tỉnh. Trong đó, hệ thống trung áp dài 2.819,6km và hệ thống hạ áp có tổng chiều dài 15.546,1km, bảo đảm cấp điện ổn định cho 100% hộ dân và các cơ sở sản xuất.

Việc đầu tư bài bản, đồng bộ vào hệ thống lưới điện không chỉ giúp Nam Định bảo đảm nguồn cung ổn định mà còn tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nhất là đối với các ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất thép, công nghệ cao và chế biến nông sản.

Động lực thu hút đầu tư và phát triển bền vững

Không chỉ tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện, tỉnh Nam Định còn chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường và hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai dự án Nhà máy Điện rác Greenity Nam Định, có công suất thiết kế 15MW với tổng vốn đầu tư 1.437 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ đi vào vận hành trong năm 2025, không chỉ góp phần giải quyết bài toán xử lý rác thải đô thị mà còn tạo nguồn điện thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh.

Về năng lượng tái tạo, tính đến nay, công suất điện mặt trời đấu nối vào lưới điện trên địa bàn tỉnh đạt 15,41MW. Các hệ thống điện mặt trời này đều có quy mô dưới 1MW, chủ yếu là điện mặt trời mái nhà do người dân và doanh nghiệp đầu tư, đấu nối vào lưới điện trung - hạ áp. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự tham gia ngày càng rộng rãi của cộng đồng trong phát triển năng lượng tái tạo.

Giai đoạn 2025 - 2030, ngành điện Nam Định tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ với nhiều dự án trọng điểm về lưới điện 220kV. Cụ thể, các dự án đang và sẽ được triển khai gồm: trạm biến áp 220kV Hải Hậu (đang thi công, dự kiến đóng điện trong năm 2025), trạm biến áp 220kV Nam Định 2, và trạm biến áp 220kV Nghĩa Hưng. Đây là các công trình then chốt nhằm tăng cường năng lực truyền tải, phục vụ phát triển công nghiệp và dân sinh toàn tỉnh.

Với lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Nam Định được đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Tỉnh đang từng bước triển khai xây dựng các nguồn điện có thế mạnh riêng, vừa góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên năng lượng tại chỗ, vừa bảo đảm tiêu chí phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, trong Dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nam Định là một trong những tỉnh được ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi (khu vực DDG2: bao gồm vùng biển Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa với diện tích 142.809 ha). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho một số doanh nghiệp như: Công ty CP AMI AC Renewables, Công ty CP Đầu tư năng lượng xây dựng Hoàng Sơn, Tập đoàn Xuân Thiện… thực hiện nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tiềm năng gió trên biển.

Đặc biệt, tỉnh đang đề xuất bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nhiều dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, với tổng công suất lên tới 12.000MW, triển khai tại các vùng biển thuộc các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thủy. Với những bước đi chiến lược trong phát triển hạ tầng năng lượng, Nam Định không chỉ đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất mà còn định vị mình là trung tâm năng lượng mới của khu vực, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Phan Phương


Nguồn: https://daibieunhandan.vn/nam-dinh-chu-dong-phat-trien-ha-tang-nang-luong-post408767.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm