Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dự báo 4 ngành dẫn dắt tăng trưởng kinh tế nửa cuối 2025

DNVN – Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, trong khi kinh tế Việt Nam có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách tài khóa, cải cách thể chế và đầu tư công, VIS Rating đưa ra dự báo 4 ngành dẫn dắt tăng trưởng nửa cuối năm 2025.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp01/07/2025

Theo báo cáo mới công bố của CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) về triển vọng tín nhiệm vĩ mô trong nửa cuối năm 2025, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì sự ổn định nhờ ba yếu tố then chốt: chính sách tài khóa chủ động, cải cách hành chính sâu rộng và sự linh hoạt trong ứng phó với các rủi ro toàn cầu.

VIS Rating đánh giá, việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ tạo lực đẩy đáng kể cho môi trường kinh doanh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời, các cải cách hành chính như sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh (từ ngày 15/8/2025) và cắt giảm 30% thủ tục hành chính ở cấp trung ương sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư và hiệu quả phân bổ nguồn lực.

Các nghị quyết quan trọng được Bộ Chính trị ban hành trong tháng 5/2025, bao gồm Nghị quyết số 57, 59, 66, 68 được đánh giá là định hướng chiến lược dài hạn, đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế tư nhân, công nghiệp xanh, công nghệ cao và hoàn thiện thể chế pháp lý. Một loạt chính sách như ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn, thử nghiệm cơ chế sandbox cho đổi mới công nghệ đang dần đi vào thực tiễn.

Trong bức tranh tăng trưởng nửa cuối năm 2025,VIS Rating nhận định, các ngành hạ tầng, năng lượng, công nghệ và bất động sản nhà ở sẽ trở thành đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam.


Các ngành hạ tầng, năng lượng, công nghệ và bất động sản nhà ở được dự báo sẽ trở thành đầu tàu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2025.

Trong đó, xây dựng hạ tầng và công trình dân dụng được hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công, đặc biệt trong các dự án giao thông trọng điểm và đô thị hóa.

Bất động sản nhà ở đang phục hồi nhờ tiến độ cải cách thủ tục pháp lý được cải thiện, kết hợp với nhu cầu thực và các chính sách tín dụng hướng tới đối tượng thu nhập trung bình.

Năng lượng được thúc đẩy nhờ chiến lược chuyển dịch xanh, nhu cầu ổn định và các quy hoạch điện mới được phê duyệt. Còn công nghệ là lĩnh vực nhận nhiều kỳ vọng khi Chính phủ tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ cao.

Trái lại, các ngành phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như sản xuất, logistics, cảng biển và khu công nghiệp đang đứng trước nhiều rủi ro.

Theo VIS Rating, căng thẳng địa chính trị kéo dài tại Trung Đông, nguy cơ tăng giá dầu, chi phí logistics tăng cao và đặc biệt là việc Mỹ dự kiến tái áp dụng thuế đối ứng sau ngày 9/7/2025 sẽ tạo áp lực không nhỏ đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Mặc dù vậy, đây cũng là động lực để doanh nghiệp Việt Nam đẩy nhanh quá trình tự chủ sản xuất, chuyển hướng thị trường và nâng cao chuỗi giá trị nội tại.

Đáng chú ý, việc doanh nghiệp xuất khẩu đang tích cực chuyển trục sang thị trường EU, ASEAN và các nước ngoài Mỹ, cùng với các biện pháp kiểm soát gian lận xuất xứ và cải cách quy định thương mại, được kỳ vọng sẽ giúp củng cố sức chống chịu của nền kinh tế.

Về tổng thể, VIS Rating giữ quan điểm tích cực và ổn định đối với triển vọng tín nhiệm quốc gia trong nửa cuối năm 2025. Dù thách thức toàn cầu vẫn hiện hữu, những cải cách trong nước, sự chuyển hướng chính sách linh hoạt và quá trình chuyển dịch chiến lược trong cơ cấu ngành kinh tế sẽ giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng bền vững và từng bước nâng cao chất lượng nội lực.

Minh Thu

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/du-bao-4-nganh-dan-dat-tang-truong-kinh-te-nua-cuoi-2025/20250630052852165


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng
 Đi theo bóng mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm