Những năm qua, các cấp công đoàn, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng thực hiện các cơ chế, chính sách nâng cao đời sống công nhân, người lao động (CN-NLĐ) trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN); đảm bảo CN-NLĐ được bình đẳng trong tiếp cận, thụ hưởng hệ thống các dịch vụ xã hội. Qua đó tạo động lực giúp NLĐ yên tâm làm việc, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 9 KCN và 13 CCN đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 260 nghìn lao động, chủ yếu trong các lĩnh vực như dệt may, giày da, điện tử, điện lạnh, cơ khí chế tạo…
Thực hiện Đề án “Nâng cao đời sống CN-NLĐ trong các khu, CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026”, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với CN-NLĐ, tạo sự đồng thuận cao trong toàn cộng đồng, xã hội về thực hiện các chương trình, hoạt động nâng cao đời sống CN-NLĐ. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục ý thức, tác phong, kỷ luật làm việc cho NLĐ, góp phần nâng cao chất lượng và tăng năng suất lao động.
Để cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc của NLĐ, Vĩnh Phúc tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ cao, trình độ sản xuất tiên tiến; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp rà soát và thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NLĐ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tiền lương, thưởng và các chế độ phúc lợi của NLĐ.
Các cấp công đoàn tiếp tục chỉ đạo việc thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức các hội nghị đối thoại giữa NLĐ với người sử dụng lao động nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao tiền lương, thu nhập cho NLĐ. Đồng thời thường xuyên triển khai các chương trình phúc lợi, đồng hành, hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn.
Trong 2 năm qua (2023-2024), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong triển khai chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên và NLĐ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc”; tặng quà cho hàng trăm nghìn CN-NLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán với tổng kinh phí hơn 184 tỷ đồng; thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ đột xuất 216 NLĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 860 triệu đồng; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 20 đoàn viên với tổng kinh phí 800 triệu đồng…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp đã hoàn thành đưa vào sử dụng với 1.623 căn nhà. Từ đầu năm 2025 đến nay, Vĩnh Phúc đã khởi công 2 công trình nhà ở xã hội; dự kiến từ nay đến hết tháng 8, tỉnh sẽ khởi công 6 dự án, công trình nhà ở xã hội với quy mô 2.190 căn.
Bên cạnh đó, các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định, nhiều tuyến được đầu tư xe mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của NLĐ.
Trong 2 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ hơn 18,1 tỷ đồng cho hơn 14.600 lượt trẻ mầm non là con CN-NLĐ, giáo viên mầm non, các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN.
Đến cuối năm 2024, tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 11 hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực tại các cơ sở y tế tại địa bàn có KCN, CCN thường xuyên được quan tâm đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 31 cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ nhằm phục vụ CN-NLĐ.
Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ CN-NLĐ tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Hiện nay, 9/9 huyện, thành phố có trung tâm văn hóa - thể thao; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (NVH). Công trình NVH công nhân huyện Lập Thạch đã được khánh thành và đưa vào sử dụng; NVH công nhân thành phố Phúc Yên và huyện Bình Xuyên đang được thi công xây dựng; Dự án NVH công nhân huyện Vĩnh Tường, huyện Tam Dương và dự án mở rộng NVH công nhân Khu công nghiệp Khai Quang đã có văn bản chấp thuận triển khai.
Từ năm 2023 đến nay, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao dành cho CN-NLĐ như liên hoan văn nghệ, dân vũ trong công nhân, viên chức, lao động; liên hoan văn nghệ cho CN-NLĐ khu nhà trọ; giao lưu bóng đá nam công nhân, lao động các đội mạnh trong doanh nghiệp; tổ chức 4 buổi chiếu phim phục vụ CN-NLĐ tại các khu nhà trọ thuộc phường Khai Quang… góp phần xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh cho CN-NLĐ.
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án "Nâng cao đời sống CN-NLĐ trong các khu, CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026", đến nay, thu nhập bình quân của NLĐ trong các KCN, CCN tăng lên 8,8 triệu đồng/người/tháng; 100% doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở đề xuất, đối thoại hoặc thương lượng với người sử dụng lao động về bữa ăn ca của NLĐ; 79% doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở thực hiện thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; tổ chức khám sàng lọc cho tối thiểu 5.000 CN-NLĐ/năm; 100% con CN-NLĐ được miễn học phí… Đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ không ngừng được nâng cao.
Để tiếp tục hoàn thành và vượt mục tiêu của đề án, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, các chế độ, chính sách cho CN-NLĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CN-NLĐ; thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho CN-NLĐ…
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/125947/Nang-cao-doi-song-cua-nguoi-lao-dong-trong-cac-khu-cum-cong-nghiep
Bình luận (0)