Dịch bệnh tái bùng phát nhiều nơi
Theo báo cáo của ngành thú y, các loại dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm và bệnh dại đang diễn biến hết sức phức tạp. Riêng dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại nhiều phường, xã, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Nhiều địa phương như Anh Sơn, Đại Đồng, Yên Xuân, Tam Đồng... ghi nhận số lượng lớn lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy.
Tiêu hủy lợn do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng
Tại xã Hoa Quân (thuộc huyện Thanh Chương cũ), bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh từ đầu tháng 7 đến nay. Dịch đã khiến địa phương phải tiêu hủy trên 1.000 con lợn của 126 hộ dân, trong đó có những hộ phải tiêu hủy cả đàn lợn hàng trăm con. Chính quyền địa phương phải vất vả thực hiện các giải pháp phòng chống dịch nhưng vẫn chưa khống chế được.
Tại nhiều địa phương khác, tình trạng người dân vứt xác lợn chết ra môi trường, như ở xã Minh Châu, Quảng Châu (huyện Diễn Châu cũ), tạo mầm bệnh lây lan ra diện rộng. Thực trạng này khiến người chăn nuôi không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Sau khi tiêu hủy lợn nhiễm dịch, người dân rắc vôi bột để xử lý môi trường chuồng trại. Ảnh: Xuân Hoàng
Nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát mạnh được xác định là do chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, ý thức người dân còn hạn chế, thời tiết thất thường và tỷ lệ tiêm phòng vắc xin thấp. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ dịch bệnh lan rộng và tái bùng phát.
Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh phát sinh
Trước thực trạng trên, ngày 15/7, UBND tỉnh Nghệ An phát Công điện khẩn số 20/CĐ-UBND, yêu cầu các cấp, ngành liên quan tập trung cao độ phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Người chăn nuôi thực hiện các giải pháp phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường phải tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch kéo dài, lây lan. Các địa phương phải phân công rõ ràng nhiệm vụ cho từng bộ phận, tăng cường giám sát, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và thành lập các tổ kiểm tra lưu động để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Cụ thể, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch: không dấu dịch, không vứt xác động vật chết ra môi trường, tiêm phòng đầy đủ vắc xin, giữ gìn vệ sinh chuồng trại và khai báo kịp thời khi vật nuôi có dấu hiệu ốm, chết.
Các cơ sở giết mổ phải được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo có giấy phép hoạt động, điều kiện vệ sinh thú y và nhân viên kiểm soát giết mổ.
Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì, thành lập các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra tại các địa phương; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh, đảm bảo đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư phòng dịch. Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra nguồn gốc, điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở sơ chế, bảo quản cũng phải được tăng cường.
Cùng với đó, Sở Y tế được giao nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người, đặc biệt là tại các khu vực có ổ dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để điều tra dịch tễ, chia sẻ thông tin và triển khai biện pháp y tế cần thiết.
Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí kịp thời cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người chăn nuôi có vật nuôi bị tiêu hủy do dịch bệnh.
Cùng với đó, Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch, đặc biệt ở khu vực biên giới và các điểm nóng vận chuyển trái phép.
Xã Hoa Quân - địa phương đang tái bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không hoang mang nhưng cũng không chủ quan. Cần phổ biến các biện pháp phòng dịch rõ ràng, dễ hiểu, giúp người dân chủ động thực hiện phòng dịch ngay từ hộ gia đình.
Một điểm đáng chú ý là trách nhiệm người đứng đầu được nhấn mạnh rõ ràng trong Công điện: Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh phát sinh, lây lan gây hậu quả nghiêm trọng. Việc này thể hiện quyết tâm siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở.
Trong bối cảnh Nghệ An đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, việc kiểm soát tốt các loại dịch bệnh là yêu cầu cấp bách. Nếu không có những biện pháp quyết liệt, đồng bộ và sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ sở đến cấp tỉnh, ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và an toàn thực phẩm./.
Nguồn: https://baonghean.vn/nghe-an-siet-chat-cac-bien-phap-phong-chong-dich-benh-gia-suc-gia-cam-trong-boi-canh-dien-bien-phuc-tap-10302384.html
Bình luận (0)