Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực được Tỉnh ủy xác định là yêu cầu cấp bách nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém nội tại của nền kinh tế đã được chỉ ra khi phát triển chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài, số lượng nguồn nhân lực đông nhưng chất lượng chưa cao, khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả… để từ đó có giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh hoàn thành mục tiêu đề ra.
Những năm gần đây, bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp về chính trị, kinh tế, về đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu toàn cầu… đã và đang tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Để thích ứng với tình hình, Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 với các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể, được tổ chức triển khai bằng các kế hoạch, chương trình, dự án.
Kết quả, giai đoạn 2019 - 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 6,1%/năm, đưa quy mô nền kinh tế và giá trị GRDP bình quân đầu người của tỉnh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.
Quý I/2025, với việc triển khai hiệu quả các giải pháp, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, GRDP của tỉnh ước tăng 8,75% so với cùng kỳ năm 2024 và là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục xu thế chuyển dịch tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong nội bộ các ngành, khu vực kinh tế, vùng và sản phẩm hàng hóa chủ lực đã và đang tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng phát huy lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô - xe máy, điện tử, tin học… là những ngành được tập trung sản xuất.
Các thành phần kinh tế luôn được quan tâm phát triển công bằng, bình đẳng, bảo đảm tính bền vững của nền kinh tế. Năng lực tự chủ, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dần được nâng lên. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo phương án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vĩnh Phúc là địa phương đi đầu cả nước trong việc ban hành chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp tư nhân bằng Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy và từ đó, nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành như miễn giảm thuế, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ… đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 17 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó thu hút gần 1.350 dự án đầu tư, đặc biệt có hơn 480 dự án FDI có tổng vốn đầu tư hơn 8,4 tỷ USD đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đã và đang đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng, thu ngân sách, tạo việc làm, tăng năng suất lao động, mở rộng quan hệ đối ngoại của tỉnh...
Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiếp tục được duy trì, từng bước chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ. Các dịch vụ số như sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… được triển khai rộng rãi.
Định kỳ hằng năm, thực hiện yêu cầu của Trung ương, tỉnh luôn thực hiện việc kiểm kê, đánh giá đầy đủ, thực chất các nguồn lực của nền kinh tế làm cơ sở để xây dựng quy hoạch tỉnh trong các thời kỳ tiếp theo.
Mặc dù nguồn nhân lực quản lý nhà nước của tỉnh được quan tâm, song còn thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành và đội ngũ cán bộ, công chức giỏi ở một số lĩnh vực quản lý mũi nhọn. Huy động nguồn lực từ tài nguyên đất đai, khoáng sản vào phát triển KT - XH chưa thực sự hiệu quả. Thị trường tài chính, khoa học công nghệ, thị trường lao động chất lượng cao còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới...
Những khó khăn, thách thức đã tác động đến quá trình huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển KT - XH của tỉnh trong thời gian tới được dự báo là rất lớn khi sức ép cạnh tranh từ các địa phương khác có điều kiện tương đồng ngày càng gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh rất khó lường...
Theo đó, một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được tỉnh đề ra đó là: Đổi mới tư duy trong xây dựng các cơ chế, chính sách theo hướng “Vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”; cải cách tối đa thủ tục hành chính, triệt để phân cấp, phân quyền gắn với chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, bảo đảm tính minh bạch và tầm nhìn dài hạn.
Thực hiện hiệu quả việc tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý các cấp. Tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch; triển khai hiệu quả các quy hoạch của quốc gia, của vùng và của tỉnh, ngành, lĩnh vực; lấy quy hoạch làm công cụ chủ yếu để huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả theo các tín hiệu của thị trường.
Tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các vấn đề như “quy hoạch treo”, dự án vướng mắc thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án, vụ việc còn tồn đọng dẫn đến các nguồn lực chậm đưa vào sử dụng, bị lãng phí.
Hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn nhân lực, vật lực, tài lực. Phát huy hiệu quả các nguồn lực mới, tạo đột phá phát triển…
Lưu Nhung
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126686/Nang-cao-hieu-qua-quan-ly-su-dung-va-phat-huy-cac-nguon-luc-cua-nen-kinh-te
Bình luận (0)