
Cuối năm 2024, ấn phẩm dạng nghiên cứu, biên khảo “Văn hóa bản địa miền núi Quảng Nam” với tên tác giả Nguyễn Tri Hùng ra mắt khiến nhiều người quen biết ông xúc động.
Xúc động vì câu chuyện bạn bè giữa nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng và Nguyễn Tri Hùng, để một phần những tri thức miền núi được tập hợp lại. Và xúc động vì những gì tâm huyết nhất của Nguyễn Tri Hùng, đều có trong cuốn sách này.
Sâu sắc tri thức bản địa
Một người tự nhận mình là “con của đồng bào Cơ Tu” như Nguyễn Tri Hùng, thì ngoài chuyện uyên thâm tri thức văn hóa miền núi, trái tim anh cũng dành cho bản làng. Khi còn trên cõi đời, anh từng nói “bằng một cách nào đó, đi miền núi với mình không phải là điền dã mà là đi về. Đi về phía núi. Vì đó là nhà mình”.
Trong quãng làm báo của mình, nhiều nhân vật để lại dấu ấn đặc biệt với tôi. Cuộc chuyện cùng Nguyễn Tri Hùng kéo dài từ đầu buổi sáng cho đến khi anh nói, “mình phải đi uống rượu” - là lúc trời đứng bóng. Đó cũng là cuộc chuyện cuối anh san sẻ với người khác những lời gan ruột về miền núi, trước khi về hưu. Một năm sau, tôi nghe tin anh về miền mây trắng.

Có thể gọi “Văn hóa bản địa miền núi Quảng Nam” là một tuyển tập những tri thức văn hóa miền núi mà Nguyễn Tri Hùng ghi chép lại trong suốt gần 35 năm anh “ăn ở” cùng đồng bào.
Bằng tri kiến của người được đào tạo bài bản - anh tốt nghiệp chuyên ngành Dân tộc (khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Huế), bằng trải nghiệm theo cách thật nhất, những bài viết của Nguyễn Tri Hùng, vì thế, không chỉ dày dặn hàm lượng thông tin mà còn có cả những dự báo.
Bắt đầu đi từ lịch sử tộc người vùng đất, Nguyễn Tri Hùng cho rằng, cùng với sự tồn tại của thành tố Chăm có nguồn gốc bản địa do có sự cộng cư trong lịch sử, thì vùng miền núi phía tây là địa bàn sinh sống tập trung của các dân tộc Cơ Tu, Co, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng.
Trong đó, Xơ Đăng gồm các nhóm địa phương Ca Dong, Mơnâm, Xoteng, Tơđrá, Hàlăng; Giẻ - Triêng gồm các nhóm Bh’noong, Ve và Tà Riềng. Trong thực tế, cơ cấu thành phần dân tộc tại miền núi phía tây Quảng Nam hiện nay không còn là sự thuần nhất của các dân tộc vốn được xem là lớp cư dân bản địa.
Cùng xu hướng lan tỏa, mở rộng vùng cư trú của người Kinh diễn tiến mạnh mẽ, đặc biệt từ sau ngày giải phóng, trong các nghiên cứu của mình, Nguyễn Tri Hùng nhận diện thêm một thực tế khi khoảng hai thập kỷ trở lại đây, ít nhiều đã có một bộ phận nhỏ lẻ các dân tộc miền núi phía Bắc di cư tự do theo từng đợt rải rác vào vùng miền núi Quảng Nam cư trú.
Những dân tộc khác nhau trong quá trình sinh sống tại đây hiển nhiên có sự hỗn dung, đan xen lẫn nhau về yếu tố văn hóa. Trong lịch sử, Nguyễn Tri Hùng cho rằng, không loại trừ việc một số người Chăm rút lui lên vùng núi phía tây Quảng Nam và có sự giao thoa về mặt nhân chủng và văn hóa với lớp cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Mon - Khmer ở đây.
Câu chuyện một nhóm người dân ở An Điềm, Đại Lộc chạy nạn lên vùng cao Khu 7, Tây Giang để gia nhập cộng đồng Cơ Tu, tạo nên nghề làm gốm ở thôn Kanonh, xã Tr’hy vào giữa thế kỷ 18 chính là minh định cho sự giao thoa văn hóa này.
Giữ cấu trúc không gian làng
Nguyễn Tri Hùng khẳng định, để hiểu thêm xứ Quảng, không thể không tìm đến vùng cao, nơi có những chủ nhân với đại ngàn, với dãy Trường Sơn từ thuở hồng hoang, từ cội nguồn xa thẳm.

“Văn hóa bản địa của những cư dân miền núi Quảng Nam luôn gợi nhớ trong tâm thức mỗi người về những ngôi làng thu mình giữa lòng thung lũng, những nhà sàn rải rác nằm lưng chừng núi và ven đồi, ven sông suối; về ánh lửa, về tiếng cồng chiêng ngân lên vang vọng trong mùa hội lễ; về những dáng nét hoang sơ của người dân tộc khom lưng sản xuất trên sườn núi, dưới chân là nương rẫy và trên lưng còng là những bó củi, trên vai là chiếc gùi gánh gồng cuộc sống. Vì vậy, vùng văn hóa các dân tộc thiểu số Quảng Nam là một trong ba vùng văn hóa điển hình của khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên” (trích nghiên cứu của Nguyễn Tri Hùng).
Để không làm thất lạc các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa và bảo quản tư liệu được đánh giá vô cùng quan trọng.
“Phải có chính sách khuyến khích các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa, từ đó, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu các di sản văn hóa của cộng đồng” - Nguyễn Tri Hùng viết.
Căn cơ nữa, với người miền núi, cần xác định làng là địa bàn cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa mới. Làng là một chỉnh thể không gian cho phép một cộng đồng sinh tồn và sáng tạo, thực hành, trao quyền các giá trị đặc trưng của tộc người thuộc cộng đồng đó.

Ý thức về làng ở đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí còn đậm hơn ý thức về cộng đồng tộc người. Bởi, các đặc trưng của văn hóa cộng đồng được phản ảnh trong không gian này. Làng là nơi nuôi dưỡng văn hóa tộc người, cho nên không gian làng cũng đồng thời là không gian văn hóa tộc người.
“Về mặt cấu trúc, không gian làng được hình thành bởi bốn yếu tố có quan hệ tương hỗ: không gian sinh kế, không gian cư trú, không gian sinh hoạt cộng đồng, không gian sinh hoạt tâm linh. Trên cơ sở xác định vị trí làng xã trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng như xây dựng đời sống, cần tiếp tục đầu tư phát triển và hoàn thiện các thiết chế văn hóa làng; phấn đấu trong thời gian tới tất cả các làng đều có nhà làng truyền thống, có sân bãi thể dục thể thao, đảm bảo các điều kiện cần thiết tổ chức được các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng xã” (trích nghiên cứu của Nguyễn Tri Hùng).
Những trang viết mang đầy dự cảm về biến đổi của văn hóa miền núi Quảng Nam từ nhiều năm trước, đang dần thành thực tế. Từ sự đứt gãy của văn hóa cồng chiêng, mai một ngôn ngữ dân tộc cho đến mất dần tri thức bản địa trong sản xuất, sinh hoạt. Để sau cùng, người tự nhận là con của đồng bào Cơ Tu - Nguyễn Tri Hùng, hay thậm chí một “hồn núi” của người Co Trà My - Dương Trinh, khi về với trời vẫn nặng nợ chuyện bản sắc vùng cao...
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nang-no-cung-van-hoa-ban-dia-mien-nui-3152007.html
Bình luận (0)