Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của Tây Ninh

Việt NamViệt Nam14/04/2025


Hồ Dầu Tiếng không chỉ cung cấp nguồn nước phục vụ thuỷ lợi mà còn phát triển đa mục tiêu cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp (Ảnh: Đập chính hồ Dầu Tiếng).

Năm 1985, hồ Dầu Tiếng chính thức vận hành cung cấp nước thuỷ lợi cho ngành Nông nghiệp tỉnh. Đến nay, sau 4 thập niên vận hành, hồ Dầu Tiếng với sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh, là công trình thuỷ lợi phục vụ đa mục tiêu cấp nước thuỷ lợi, sinh hoạt, công nghiệp… không chỉ cho riêng tỉnh Tây Ninh mà còn cho các tỉnh, thành lân cận.

Công trình đa mục tiêu

Hồ chứa nước Dầu Tiếng có diện tích 270km2, dung tích 1,58 tỷ mét khối nước, với nhiệm vụ: cấp nước phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh; cắt giảm lũ cho vùng hạ du sông Sài Gòn, hỗ trợ tạo nguồn tưới, xả dòng chảy môi trường, cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và các nhiệm vụ khác.

Đây còn là công trình thuỷ lợi quan trọng đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia theo Quyết định số 1502/QĐ-TTg ngày 2.12.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa 3 công trình thuỷ lợi vào danh mục công trình liên quan đến an ninh quốc gia.

Hệ thống kênh mương thuỷ lợi phát triển từ hồ Dầu Tiếng phủ kín các vùng canh tác lớn của tỉnh, giúp nâng cao năng suất cây trồng, đa dạng hoá mô hình sản xuất, đặc biệt trong các ngành hàng như lúa, mía, rau màu, cây ăn trái và cây dược liệu. Ngoài ra, hồ còn cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, điều tiết lũ, cải thiện môi trường sinh thái và phát triển du lịch – dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Ông Nguyễn Đình Xuân– Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, với nhiệm vụ nêu trên, hồ chứa nước Dầu Tiếng có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là đối với phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở phát huy hiệu quả nguồn nước hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng và đầu tư hệ thống công trình thuỷ lợi, đã giúp tỉnh mở rộng vùng tưới cho nhiều khu vực trước đây chưa được hưởng lợi từ nguồn nước thuỷ lợi; bảo đảm an ninh nguồn nước, cấp nước tưới cho các mùa vụ trong năm và trong thời gian chuyển vụ, chống hạn, cải thiện, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Trong năm 2024, hồ Dầu Tiếng đã phục vụ cấp nước tưới từ hệ thống công trình thuỷ lợi đạt 152.065 ha (chiếm khoảng 40% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó cấp nước tưới chủ động 120.936 ha, đạt 80%) - tăng hơn 69.600 ha so với năm 2010, mở rộng các vùng tưới: phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, khu tưới Tân Biên, vùng nguyên liệu mía đường Tha La...

Qua đó, góp phần cho tăng năng suất, chất lượng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giai đoạn 2016–2024, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh đạt 43.330 ha (trung bình 5.416 ha/năm); giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt năm 2024 đạt 112 triệu đồng, tăng 31,55 triệu đồng/ha so với năm 2016 (ước năm 2025 khoảng 115 triệu đồng/ha).

Hồ còn phục vụ cấp nước công nghiệp khoảng 7,87 triệu m3/năm, tăng 2,42 triệu mét khối so với năm 2010 (5,45 triệu m3/năm); cấp nước sinh hoạt khoảng hơn 8 triệu m3/năm.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân– Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, có thể khẳng định, hiệu quả vận hành của hồ Dầu Tiếng là một trong những nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của tỉnh Tây Ninh suốt hơn 4 thập kỷ qua.

Thi công hệ thống kênh thuộc giai đoạn 2 dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.

Nguồn tài nguyên chiến lược

Để phát huy tối đa tiềm năng của hồ Dầu Tiếng, ngoài hệ thống kênh, mương phủ rộng cả tỉnh, hệ thống đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông phục vụ khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ được xem là dấu ấn đậm nét của ngành Nông nghiệp tỉnh.

Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông - giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2022. Theo đó dự án đã phục vụ cấp nước khoảng 3.137 ha/vụ (tăng 2.037 ha/vụ so với trước khi thực hiện dự án) trên địa bàn các huyện Châu Thành, Bến Cầu (vùng đất bị chia cắt bởi sông Vàm Cỏ Đông); với tổng chiều dài gần 120 km, hệ thống kênh chính đã đưa nước từ hồ Dầu Tiếng đến tận các xã biên giới thuộc 2 huyện này.

Dự án giúp người dân sử dụng nước canh tác bằng phương pháp tự chảy, giúp tăng lợi nhuận canh tác, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thuỷ sản gắn với hệ thống công trình thuỷ lợi góp phần cải thiện đời sống Nhân dân nơi đây và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Từ mảnh đất khô cằn, hoang sơ tiếp giáp biên giới Campuchia, nơi đây đã được thay thế bằng những cánh đồng xanh mướt… trải một màu xanh của hoa màu, điều đó chứng minh cho cuộc sống nơi đây đã thay đổi rất lớn nhờ vào hệ thống công trình thuỷ lợi.

Dự án còn góp phần thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thông qua cấp nước phục vụ cho các doanh nghiệp: Công ty TNHH Hưng Thịnh (khoảng 1.287 ha), Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam (Vinamilk) - Trang trại bò sữa Tây Ninh (khoảng 250 ha), Công ty Thành Thành Công (TTC) Tây Ninh - Nông trường TTC Bến Cầu (khoảng 150 ha).

Theo ông Nguyễn Đình Xuân– Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, định hướng của ngành trong việc phát triển hệ thống thuỷ lợi là phục vụ đa mục tiêu, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hệ thống thuỷ lợi; khuyến khích mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hồ Dầu Tiếng được xem là “nguồn tài nguyên chiến lược” để thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả cao. Ngành sẽ quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước Dầu Tiếng theo quy định của pháp luật về thuỷ lợi, khoáng sản, môi trường; thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà để nâng cao vai trò, hiệu quả khai thác tổng hợp phục vụ đa mục tiêu hồ chứa nước Dầu Tiếng.

Đồng thời, tập trung hoàn thiện và mở rộng hệ thống kênh mương cấp 1, 2, 3 để nâng tỷ lệ diện tích được tưới chủ động lên trên 85%, giảm phụ thuộc vào thời tiết. Tiếp tục thực hiện dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2, kiên cố hoá kênh chính, kênh cấp 1, 2, 3 và kênh tiêu.

Nâng cao chất lượng đời sống người dân của địa phương khu vực huyện Châu Thành, Bến Cầu và gần toàn bộ diện tích đất Tây Ninh được hưởng lợi từ hồ Dầu Tiếng; tạo cơ hội phát triển nền nông nghiệp và các cụm, khu công nghiệp Tây Ninh mang tính bứt phá, toàn diện hơn, trong đó quy hoạch thuỷ lợi hiện nay đồng bộ với các công trình giao thông theo hướng phục vụ đa mục tiêu.

Về lâu dài, định hướng của tỉnh là khai thác hồ Dầu Tiếng theo hướng đa mục tiêu, vừa bảo đảm sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển du lịch sinh thái, cấp nước cho đô thị, công nghiệp và bảo vệ môi trường, tạo động lực phát triển toàn diện cho tỉnh và vùng phụ cận.

Huỳnh Tấn Hưng



Nguồn: https://baotayninh.vn/ho-dau-tieng-nen-tang-quan-trong-cho-su-phat-trien-ben-vung-cua-tay-ninh-a188778.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm